Du lịch gắn với nông nghiệp nông thôn nhiều tiềm năng, nhưng phát triển chưa xứng tầm
Xuân Mai
VietTimes -- Ý kiến được các đại biểu đưa ra tại Hội thảo “Phát triển du lịch sinh thái bền vững gắn với nông nghiệp, nông thôn” do Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL), UBND tỉnh Quảng Nam và Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp tổ chức, diễn ra sáng 18/5 tại Hội An.
Sáng 18/5, hơn 150 đại biểu đến từ Tổng cục Du lịch, UBND tỉnh Quảng Nam, Sở VHTTDL, Sở NNPTNT các tỉnh/thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên... và cùng nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành... đã đến Hội An để chia sẻ kinh nghiệm, định hướng phát triển du lịch trong khuôn khổ Hội thảo “Phát triển du lịch sinh thái bền vững gắn với nông nghiệp, nông thôn” do Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL), UBND tỉnh Quảng Nam và Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp tổ chức tại Hội An.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch cho hay, trong định hướng chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn được xác định là 1 trong 5 dòng sản phẩm chủ đạo. Nhiều năm trở lại đây, sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp là điểm nhấn thu hút, thúc đẩy tăng trưởng du khách. Tại TPHCM, nhu cầu khách du lịch tham quan trải nghiệm ở khu nông trại miệt vườn tăng đều mỗi năm từ 20-30%.
Tại Quảng Nam, các hoạt động du lịch sinh thái nông nghiệp mỗi năm đón hàng chục nghìn lượt khách, đóng góp không nhỏ vào tổng du khách năm 2017, thu nhập đạt 9.200 tỷ đồng, tăng trưởng 85,1% so với cùng kỳ năm 2007.
Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trong những năm gần đây ngành nông nghiệp tỉnh quảng Nam luôn tăng trưởng mạnh, giá trị sản xuất 12.000-13.000 tỉ đồng/năm, năm sau cao hơn so với năm trước từ 3,5-4%. Năm 2010, giá trị ngành nông nghiệp chiếm tỉ trọng 11,6% tổng sản phẩm trên địa bàn. Dù đóng góp trực tiếp không nhiều và thu ngân sách nhà nước, nhưng 76% dân số sống ở khu vực nông thôn đã góp phần ổn định kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam, đặc biệt khu vực nông thôn. Đối với ngành du lịch, Quảng Nam là một địa bàn có lợi thế lớn của cả nước, những năm qua doanh thu ngành này thường đạt 8.500-9.500 tỉ đồng/năm.
Theo ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch, trong định hướng chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn được xác định là 1 trong 5 dòng sản phẩm chủ đạo
“Mặc dù đã có những bước phát triển tốt nhưng du lịch quảng Nam còn chưa khai thác hết được tiềm năng thế mạnh của địa phường, chưa tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn du lịch. Chính vì vậy chúng tôi tin rằng sự kết hợp giữa du lịch với nông nghiệp chắc chắn sẽ cộng hưởng để tạo ra những sản phẩm độc đáo mới mà kết tinh trong đó là những giá trị về lịch sử - văn hóa – thiên nhiên đặc thù đa dạng của mỗi miền quê xứ Quảng làm thay đổi nhận thức và tăng thêm thu nhập cho người dân nông thôn”.ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chia sẻ.
Tại sự kiện, đại diện các Sở VH-TT và DL cùng nhiều doanh nghiệp du lịch đã chia sẻ những kinh nghiệm, đề xuất những chính sách nhằm thúc đầy du lịch phát triển, cũng như giới thiệu tại hội thảo nhiều sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp mới mẻ, hấp dẫn.
Đồng thời đánh giá chủ trương du lịch sinh thái nông nghiệp đã đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội cho nhiều địa phương, doanh nghiệp. Sự tham gia trực tiếp của bà con nông dân trong các hoạt động du lịch nông nghiệp đã tạo nên sự phong phú, hấp dẫn của các sản phẩm du lịch đã đem lại thu nhập cao hơn cho bà con nông dân bên cạnh hoạt động nông nghiệp thuần túy. Du lịch sinh thái nông nghiệp được coi là một phương thức xóa đói giảm nghèo đặc biệt tại những cộng đồng khó khăn, tạo thêm nguồn sinh kế, việc làm ổn định, cải thiện đời sống của nông dân, giúp người dân gắn bó với quê hương hơn.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung (ở giữa) cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, TBT báo Nông thôn ngày nay chủ trì Hội thảo, nhằm tìm ra giải pháp tốt nhất cho du lịch sinh thái bền vững gắn với nông nghiệp nông thôn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng đưa ra nhiều vấn đề khiến sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp hiện nay chưa đạt yêu cầu, nhiều địa phương nhiều tiềm năng nhưng khai thác chưa thật sự tương xứng. Cụ thể như: còn thiếu sự lồng ghép giữa hai ngành Du lịch và Nông nghiệp nông thôn; chưa lồng ghép các tiêu chí đánh giá, tiêu chuẩn đánh giá cơ sở đạt chuyển du lịch… khiến nhiều “khu du lịch sinh thái” dịch vụ nghèo nàn, chất lượng thấp, mới đáp ứng nhu cầu của du khách ở mức đơn giản. Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm du lịch sinh thái nông nghiệp chưa được đầu tư hoàn chỉnh, chất lượng chưa cao.
Góp phần khắc phục những điểm yếu này, đại diện các Sở Du lịch các địa phương đã chia sẻ những định hướng, quy hoạch phát triển du lịch nông nghiệp có sự kết hợp chặt chẽ với du lịch sinh thái, cộng đồng, làng nghề để tạo nên sản phẩm khác biệt; lồng ghép du lịch sinh thái nông nghiệp trong quy hoạch quốc gia, vùng, địa phương và các chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân địa phương phát triển mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp, canh nông… Đặc biệt là những đề xuất, kiến nghị trong việc tháo gỡ những “nút thắt” của du lịch sinh thái nông nghiệp Việt Nam, cùng những định hướng phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp trong giai đoạn tới.
Làng rau Trà Quế (Hội AN, Quảng Nam), một trong những mô hình du lịch sinh thái bền vững gắn với nông nghiệp nông thôn hiệu quả
Ghi nhận ý kiến của các bên, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn khẳng định: “Thời gian qua, ngành du lịch khai thác những lợi thế về nông nghiệp để tạo các sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp mang giá trị gia tăng cao chưa được nhiều. Để khắc phục và phát huy tốt tiềm năng du lịch sinh thái nông nghiệp, ngành du lịch và nông nghiệp cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn.
Đồng thời cần có những người biết dựa trên những giá trị khác biệt và nổi bật của nông nghiệp để tạo ra các sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp mang tính đặc thù và hấp dẫn, khai thác tối đa những đặc trưng ưu việt của nền nông nghiệp kết hợp với giá trị văn hóa bản sắc của từng vùng miền, góp phần đưa du lịch sinh thái nông nghiệp phát triển đột phá, hiệu quả".