Tạo sân chơi
“Nó lớn hơn Napster, (một trang chia sẻ nhạc số mà Parker sáng lập), từng làm xáo trộn ngành công nghiệp âm nhạc. Nó tạo ra nhiều sự thay đổi trong cuộc sống hơn so với Facebook - hiện có hơn 1 tỉ người sử dụng” - Sean Parker giới thiệu.
Trong sân của ngôi biệt thự được trang trí bởi hàng ngàn ngọn nến trắng lung linh có sự hiện diện của các ngôi sao Tom Hanks, Keira Knightley, Katie Couric, Bradley Cooper, Lady Gaga và Katy Perry... Thống đốc bang California Jerry Brown cũng có mặt. Nhưng tâm điểm của buổi tiệc là các vị khách mời danh dự: những nhà nghiên cứu về bệnh ung thư.
Tối nay thuộc về “các nhà khoa học, những người mê máy tính, các bác sĩ, những người đang hàng ngày sống và làm việc dưới ánh sáng huỳnh quang” - diễn viên Tom Hanks tuyên bố.
Parker đã đích thân tuyển chọn các nhà nghiên cứu để cùng ông tham gia vào một dự án đầy tham vọng, trị giá 250 triệu đô la, nhằm đưa thế giới thoát khỏi sự tàn phá của căn bệnh ung thư.
Kế hoạch của ông là tập hợp một số lượng lớn các nhà khoa học trong lĩnh vực miễn dịch trị liệu (immunotherapy), với hy vọng rằng họ sẽ cùng nhau nghiên cứu để tìm ra liệu pháp chữa ung thư. Sự tập hợp này sẽ giúp các nhà khoa học nghiên cứu nhanh và hiệu quả hơn, so với làm việc một mình.
Ông rất nghiêm túc mô tả mô hình của sự đổi mới khoa học này giống như tạo ra một sân chơi cho các nhà nghiên cứu. “Mọi người trong mạng lưới của chúng tôi có thể cùng chơi ở đó. Họ có thể mượn những thứ từ các phòng thí nghiệm của nhau và sử dụng các phát minh mà không cần thỏa thuận hay lúng túng về bản quyền”, Parker nói.
Khó có thể cường điệu về những hứa hẹn trong lĩnh vực này. Nhưng nếu dự án thành công, nó sẽ cho phép các bác sĩ củng cố hệ thống miễn dịch của cơ thể để có thể tự chống lại bệnh ung thư, mà không cần sự can thiệp thô bạo của phẫu thuật, cũng như các liệu pháp chứa độc tính của hóa trị và xạ trị.
Dự án tâm huyết
Sean Parker (1979) nổi tiếng từ năm 19 tuổi, khi ông đồng sáng lập Napster (trang web chia sẻ âm nhạc trực tuyến) và sau đó trở thành chủ tịch đầu tiên của Facebook ở tuổi 24. Ông trở nên nổi tiếng toàn thế giới, sau khi bộ phim “The Social Network” (Mạng xã hội) được sản xuất, vai Parker do diễn viên Justin Timberlake đóng.
Parker tâm sự, mặc dù khá thành công trong kinh doanh, với khối tài sản trị giá khoảng 3 tỉ đô la, song ông vẫn “không hài lòng” và muốn làm một cái gì đó có ý nghĩa hơn với thời gian và tiền bạc của mình.
“Không ai trong chúng ta - dù giàu có, xinh đẹp hay tài năng - có thể bất khả chiến bại trước sự tàn phá của bệnh tật”, cựu Chủ tịch Facebook lý giải về việc thành lập dự án đối phó với ung thư.
Kể từ khi rời khỏi Facebook, Parker tham gia hơn một chục công ty kinh doanh trong các lĩnh vực khác nhau. Tất cả được xây dựng với mong muốn “cải thiện thế giới”. Đó là các công ty như Spotify (dịch vụ âm nhạc trực tuyến), Airtime (chat video trên Facebook), Plaxo (mạng xã hội), Screening Room (xem phim trực tuyến), Brigade (nền tảng truyền thông xã hội được thiết kế để cung cấp cho giới trẻ có tiếng nói trong chính trị...).
Lúc đầu, sự quan tâm của Parker tới ung thư tương tự như niềm đam mê dành cho những lĩnh vực khác. Từ khi còn là một đứa trẻ ở Herndon, Parker đã bị căn bệnh dị ứng với đậu phộng, hạt cây và động vật có vỏ, đe dọa tính mạng. Tình trạng này khiến ông phải tìm hiểu càng nhiều càng tốt về hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Khoảng bảy năm trước, Parker tìm được một số tài liệu về việc làm thế nào mà miễn dịch trị liệu, về lý thuyết, có thể được áp dụng để điều trị ung thư. Kể từ đó, ông dành rất nhiều giờ trên PubMed, Wikipedia và các trang web khác để tự học các thuật ngữ khoa học trong lĩnh vực này.
“Hầu hết mọi người dành thời gian trên Internet để xem video”, ông kể. “Còn tôi vào ban đêm, khi vợ tôi không hiểu tôi đang làm gì, hay là xem phim khiêu dâm, thì lúc đó thực sự là tôi đang đọc các tạp chí y khoa”.
Dần dần Parker đã đi sâu hơn vào thế giới của ung thư và kết nối với nhiều người. Ông cho biết, Laura Ziskin, một nhà sản xuất phim Hollywood và nhà hoạt động về ung thư vú, là người đã truyền cảm hứng cho mình.
Khi căn bệnh ung thư của bà Ziskin phát tác và các phương pháp điều trị truyền thống đã thất bại, Parker đã tìm đến bác sĩ Cassian Yee, đề nghị thử một loại thuốc điều trị miễn dịch thực nghiệm. Nhưng cách làm đó cũng không hiệu quả. Bà Ziskin đã qua đời ở tuổi 61 vào tháng 6-2011. Sự kiện đó khiến Parker sốc nặng.
“Rất nhiều người trong chúng ta biết cô ấy, nghĩ rằng cô ấy là bất khả chiến bại. Cô ấy có trí thông minh, tiền, tài nguyên. Chúng tôi nghĩ rằng chắc chắn cô ấy sẽ đánh bại nó” - ông nhớ lại.
Sự quan tâm của Parker đối với lĩnh vực ung thư bắt đầu được lan truyền trong giới tinh hoa của California. Nhiều người đã tới ông để tìm sự giúp đỡ. Jeffrey Huber, Giám đốc Google X khi đó, cũng từng đến gặp Parker. Vợ ông, bà Laura, là người khỏe mạnh, không có biểu hiện triệu chứng gì, cho tới khi các bác sĩ chẩn đoán cô bị ung thư ruột giai đoạn 4.
Huber kể lại, ông đã rất xúc động trước sự quan tâm cá nhân mà Parker dành cho gia đình mình. “Chúng tôi đã đi cùng trời cuối đất để giúp đỡ cô ấy, nhưng đó là một trận chiến vô ích”, ông nói.
Sau cái chết của vợ, Huber rời Google để trở thành giám đốc điều hành của một công ty tập trung vào ung thư, với tên gọi Grail. Một trong những điều đầu tiên ông làm sau khi bắt đầu công việc mới của mình là tham gia cùng nỗ lực của Parker.
300 nhà khoa học tại sáu cơ sở nghiên cứu, 30 công ty và nửa tá các nhóm vận động cũng đã kết nối với Parker.
Parker nhận thức rõ về sự bất bình đẳng đang tồn tại trong miễn dịch trị liệu. Hầu hết bệnh nhân đều thấy, họ không thể có được các loại thuốc thử nghiệm, do quá ít, hoặc quá đắt đỏ. Ưu tiên của Parker là thay đổi điều đó, để làm sao bất kỳ người nào muốn tham gia các phương pháp điều trị có thể thử chúng. Đến bây giờ, ông nói, chỉ có 200.000 trong số 13,5 triệu người Mỹ có tiền sử ung thư đã từng thử các phương pháp điều trị.
Parker cho biết ông còn muốn thay đổi cách mà thế giới nhìn vào các nhà khoa học. Ông luôn tự hỏi tại sao những người nổi tiếng lại được nhiều người biết đến như vậy trong khi các nhà khoa học làm việc cực nhọc lại không được ai biết tới. Parker cho biết, ông muốn đảm bảo rằng các nhà khoa học tại viện của mình có thể trạng tốt nhất về tinh thần và vật chất, để họ có thể làm việc.
Một bữa tiệc xa hoa, với sự tham dự của các ngôi sao nổi tiếng, tại đó, các nhà khoa học được vinh danh vì những cống hiến của họ cho công việc của họ, như những gì diễn ra ở trên, chỉ là một ví dụ. Đầu tháng này, tại California, các nhà khoa học được mời dự sự kiện hai ngày, với các hoạt động như đi khinh khí cầu, spa, nếm rượu vang, chơi golf ở giữa các cuộc hội thảo khoa học.
“Các công ty Silicon Valley cung cấp bữa ăn trưa miễn phí cho nhân viên của họ. Tại sao các nhà khoa học của tôi không hưởng một số đặc quyền?”, ông nói,
Theo The New York Times/TBKTSG