“Thay mặt cho hơn 4 triệu hội viên Hội Cựu chiến binh Việt Nam, tôi đề nghị Đảng, Nhà nước xem xét một cách thận trọng. Nhân dân đang có ý kiến bức xúc về đặc khu, do đó nên nghe cử tri, cựu chiến binh đề xuất. Vì vậy mong Tổng Bí thư nghiên cứu kỹ lưỡng, chậm một chút cũng chả sao. Như Đà Nẵng không phải là đặc khu mà phát triển cũng rất mạnh”- đó là phát biểu tâm huyết của Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng về dự án luật đơn vị hành chính-kinh tế… tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội chiều nay (7-6) được các báo Pháp luật TP.HCM và báo Người lao động tường thuật.
Thượng tướng Nguyễn Văn Được: "Mong Tổng Bí thư nghiên cứu kỹ lưỡng" (Ảnh PLO)
|
Còn báo Tuổi trẻ TP.HCM với tiêu đề “3 đặc khu cần 3 câu trả lời” đã đăng tải ý kiến của GS Trần Văn Thọ. Theo đó, GS Thọ đặt ra 3 câu hỏi: (1) Nhu cầu phát triển sắp tới của đất nước là gì? Các đặc khu có đáp ứng được các nhu cầu đó không?
(2) Nền kinh tế đã phụ thuộc vào tư bản nước ngoài rất nhiều rồi, giai đoạn tới phải vừa nuôi dưỡng, khuyến khích tư bản dân tộc phát triển vừa chọn lựa những nhà đầu tư nước ngoài thật sự cần thiết ở những lãnh vực trong nước chưa đủ năng lực. Ngoại lực đó phải có sức lan tỏa giúp cho nội lực ngày càng mạnh. Các đặc khu đã được thiết kế để đáp ứng yêu cầu này chưa?
(3) Những tập đoàn, công ty nước ngoài nổi tiếng có công nghệ cao, có nguồn lực và văn hóa kinh doanh tiên tiến mà chúng ta cần họ đến đầu tư đang đánh giá Việt Nam như thế nào? Họ mong Việt Nam tạo môi trường như thế nào để họ mang các dự án chất lượng cao đến và các đặc khu kinh tế có hy vọng đáp ứng các yêu cầu đó không?
Sau khi lý giải một cách thấu đáo 3 vấn đề nêu trên, GS Trần Văn Thọ, được báo Tuổi trẻ dẫn lời, kết luận: “Từ phân tích trên, có thể kết luận là ba đặc khu kinh tế đang dự định thành lập chỉ thích hợp cho phát triển du lịch, cơ sở nghỉ dưỡng dịch vụ vui chơi, giải trí... Và do đó, không cần đưa ra các ưu đãi vượt trội về thuế, về quyền thuê đất lâu dài.
Đặc biệt cả 3 đặc khu đều ở các vị trí quan trọng về quốc phòng, ngay cả việc áp dụng Luật Đầu tư nước ngoài hiện hành (được thuê đất 50 năm) cũng cần thận trọng không để tập trung vào đầu tư từ một nước duy nhất”.
Cuối cũng GS Thọ yêu cầu: “Tôi mong Quốc hội kỳ này chưa thông qua luật về ba đặc khu, nên dành thời gian bàn thảo, phân tích và tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia”.
Còn bên hành lang kỳ họp Quốc hội, trả lời các nhà báo, ĐBQH Vũ Trọng Kim (Hải Dương), được báo Pháp luật TP. HCM dẫn lời, phát biểu: “Thời khắc Quốc hội bấm nút về dự luật sẽ thành lịch sử dù thông qua, hay không thông qua vì nó đang đặt ra trước mắt các ĐBQH, yêu cầu các ĐBQH phải thay mặt nhân dân quyết định như thế nào cho chính xác. Tôi nghĩ rằng phải để cho ĐBQHcó thời gian nghiên cứu thêm và thảo luận với thời gian xác đáng mới có thể bấm nút. Bấm nút phải yên lòng, bấm nút là phải yên tâm”.
Vâng, “Làm kinh tế dứt khoát phải làm, nhưng không phải bằng mọi giá, nhất là trong điều kiện của ta thì cả ba khu này đều nhạy cảm. Vân Đồn giáp với phía Bắc; Bắc Vân Phong giáp biển Đông và Phú Quốc là sát với Campuchia nhưng hiện vùng này Trung Quốc đã nhảy vào rồi” (như lời Thượng tướng Nguyễn Văn Được phát biểu, được Pháp luật TP. HCM dẫn lời).