Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc được Chính phủ thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tại văn bản số 181/CP-KG ngày 21/2/2003, thời gian thực hiện 13 năm từ 2003-2015, gồm 13 dự án thành phần.
Tuy nhiên, ngày 30/9/2008, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chuyển chủ đầu tư dự án Dự án Đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc từ Đại học quốc gia Hà Nội sang cho Bộ Xây dựng. Hiện, quy mô đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội đã thay đổi từ 13 dự án thành phần tăng lên trên 20 dự án; số lượng sinh viên tăng từ 41.000 lên 60.000 sinh viên.
Kỳ vọng đây cũng sẽ là Khu đô thị đại học liên hoàn thống nhất gồm các trường đại học thành viên, các viện, trung tâm nghiên cứu như: Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Luật, ĐH Kinh tế, ĐH Ngoại Ngữ, ĐH Việt - Nhật, ĐH Quản trị Kinh doanh, ĐH Công nghệ, ĐH Văn hóa Nghệ thuật, ĐH Quốc Tế.
Tuy nhiên, đã 14 năm qua Dự án chưa thể đón sinh viên đầu tiên vì các dự án hợp phần cơ bản chưa được triển khai, việc đầu tư chủ yếu đầu tư cho giải phóng mặt bằng và làm đường. Theo ghi nhận của VietTimes, trong tổng số trên 20 dự án hợp phần thì hiện nay Khu đô thị các trường đại học mới thực hiện và đưa vào một số dự án như: Khu nhà khách, Khu Nhà điều hành Ban Quản lý dự án, Trung tâm giáo dục Quốc phòng,... còn lại là những khu đất trống với cây cối, cỏ mọc um tùm.
Mới đây, ngày 12/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với Đại học Quốc gia Hà Nội. Trước kiến nghị về dự án xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội, Thủ tướng đồng ý việc chuyển giao Ban quản lý dự án từ Bộ Xây dựng về Đại học Quốc gia Hà Nội, đồng thời ủy quyền quyết định đầu tư cho Đại học Quốc gia Hà Nội.
Để có nguồn vốn dài hạn, Thủ tướng giao các bộ liên quan lập dự án đề nghị vay khoảng 200 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.
Thủ tướng cũng đồng ý để Đại học Quốc gia Hà Nội vay Ngân hàng thế giới khoảng 200 triệu USD đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phê duyệt vốn ODA từ Nhật Bản để xây dựng Đại học Việt - Nhật.