Cung Nam Phương hoàng hậu nằm trên ngọn đồi thoáng đãng ở đường Hùng Vương, cách trung tâm Đà Lạt khoảng 3 km. Nơi đây hiện nay thuộc khuôn viên Bảo tàng Lâm Đồng, gần Dinh I và II của vua Bảo Đại. Dinh thự do ông Nguyễn Hữu Hào, đại điền chủ giàu có xứ Gò Công (Tiền Giang), xây dựng vào năm 1932, hai năm sau thì hoàn thành.
Ban đầu, tòa nhà gọi là dinh Nguyễn Hữu Hào, được xây dựng kiên cố, mái lợp ngói, tường gạch, đá dày 40 cm để đảm bảo được khả năng giữ ấm những ngày trời lạnh và mát mẻ hơn trong những ngày nắng nóng. Toàn bộ hệ thống cửa, cầu thang, sàn lầu, vật dụng đều bằng gỗ. Tòa nhà được thiết kế xây dựng theo phong cách cổ điển Pháp, kết hợp với họa tiết mang đậm phong cách Á Đông.
Được người đời gọi là cung, nhưng tòa nhà không đồ sộ, nguy nga như các tòa dinh thự khác tại Đà Lạt như Dinh I, Dinh II, Dinh III, Dinh Tỉnh trưởng. Công trình liền khối với diện tích xây dựng khoảng 500 m2, bên trong tòa nhà được thiết kế khá thoáng với nhiều dãy hành lang xuyên suốt, cùng hệ thống cửa vòm, kính màu khiến cho tòa nhà toát lên vẻ sang trọng.
Hầu hết các phòng đều có ban công để ngắm cảnh, cầu kỳ nhất có lẽ là hệ thống lò sưởi được ốp bằng đá hoa cương nhập từ Italy, điểm nhấn này càng khiến tòa nhà toát lên vẻ tráng lệ, giống như các dinh thự khác xây theo phong cách châu Âu. Với 10 căn phòng, tòa nhà còn có cả phòng cho khách ở lại.
Tháng 3/1934, con gái ông Nguyễn Hữu Hào là Nguyễn Hữu Thị Lan kết hôn với vua Bảo Đại, rồi được phong làm hoàng hậu Nam Phương. Tòa nhà này sau đó được đại điền chủ tặng lại cho con gái, tên cung Nam Phương hoàng hậu cũng xuất hiện từ đó.
Nhưng, sau khi cưới vua Bảo Đại, hoàng hậu Nam Phương không thường xuyên sử dụng ngôi nhà này. Bà chỉ lui tới cung trong số ít những lần cùng các con lên Đà Lạt nghỉ dưỡng.
Phòng ngủ của Nam Phương hoàng hậu. Ảnh:Khánh Hương
Năm 1937, Quận công Nguyễn Hữu Hào qua đời. Những ngày hoàng hậu cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam ở lại Đà Lạt còn được nhắc nhiều đến việc xây lăng mộ cho cha mình, bà tự tay đề hai cặp câu đối ngay lối vào nhất chính đạo (lăng Nguyễn Hữu Hào tọa lạc trên một đồi thông gần thác Cam Ly, thuộc phường 5, TP Đà Lạt):
"Dữ quốc đồng hưu thiên cổ hà sơn thư khoán vĩnh
Dưỡng thân dục đãi bách niên phong thụ đỉnh chung bi
Chất giáng trụ thiên phảng phất anh linh quy thổ lạc
Chung trừ túc địa uất thông vượng khí hộ giai thành”
Có nghĩa là:
"Một lòng với nước, ngàn năm sông núi mãi ghi trong sách sử, khoán ước
Nuôi dưỡng cha mẹ, trăm năm cây gió khắc ghi nỗi đau buồn trên chuông đỉnh
Chót vót chống trời, phảng phất khí thiên về nơi an lạc
Đất thiêng tốt lành, bao trùm vượng khí bảo vệ chốn giai thành".
Theo chị Đào Thị Hoa, thuyết minh viên của Bảo tàng Lâm Đồng, sau này, người ta chỉ thấy hoàng hậu Nam Phương ở liên tục tại tòa dinh thự 3 tháng trước khi sang Pháp vào năm 1947. Từ đó trở về sau, người ta không thấy bà quay trở lại cung.
Tòa dinh thự sau khi vắng chủ bị bỏ hoang một thời gian dài trước khi được người Pháp sử dụng vào một số mục đích. Sau năm 1975, cung được chính quyền mới tiếp quản.
Những năm gần đây, trong quá trình tu sửa tòa nhà, người ta phát hiện phía dưới tầng ngầm có dấu hiệu đường hầm từng tồn tại khiến nhiều nhà nghiên cứu khoa học nghi vấn có lối đi "bí mật" từ bên trong cung nối với Dinh I và Dinh II, hoặc ít nhất là đường hầm đi ra xa khỏi khuôn viên đề phòng khi gặp sự cố bất ngờ.
Giả thiết được đưa ra bởi, xét về địa lý, cung Nam Phương hoàng hậu cách Dinh I khoảng hơn một km, cách Dinh II khoảng 1,3 km. Cả ba dinh thự này đều năm trên một đường thẳng và khoảng cách không quá xa.
Đặc biệt, người ta đã phát hiện ra một hệ thống đường hầm bí mật xuất phát từ phòng ngủ của vua Bảo Đại tại Dinh I (sau này Tổng thống Ngô Đình Diệm sử dụng) xuyên xuống lòng đất rồi rẽ đến bãi đáp máy bay trực thăng gần đó. Ngoài ra cũng có vết tích về một nhánh khác xuyên qua nhiều quả đồi để đến Dinh II (cách Dinh I khoảng 3 km).
Theo lãnh đạo Bảo tàng Lâm Đồng, những nghi vấn trên cần rất nhiều thời gian nghiên cứu nên chưa thể có nhận định chính xác.
Hoàng hậu Nam Phương cùng các con tại Đà Lạt năm 1947. Ảnh:Khánh Hương chụp lại
Hiện nay, cung Nam Phương hoàng hậu được khôi phục để đón khách tham quan khi đến với Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng. Đây cũng là một trong những công trình tiêu biểu được xây dựng đầu tiên tại Đà Lạt còn tồn tại đến ngày nay.
Theo VnExpress