“Đồng phục” biển hiệu ở Hà Nội: Được đồng thuận sẽ nhân rộng các tuyến phố khác?

Giám đốc Sở Văn hóa và thể thao Hà Nội khẳng định việc đồng bộ hóa biển hiệu tại đường Lê Trọng Tấn đang trong quá trình thí điểm, sẽ tiếp tục lắng nghe và điều chỉnh rồi tiếp tục nhân rộng ra các tuyến phố khác.
Các biển hiệu trên đường Lê Trọng Tấn
Các biển hiệu trên đường Lê Trọng Tấn

Tuyến đường Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân, Hà Nội) mới được mở rộng, trở thành tuyến đường kiểu mẫu đầu tiên ở Hà Nội.

Tuy nhiên, những tấm biển hiệu quảng cáo được treo dọc con phố này nhận những ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng việc đồng bộ hóa biển hiệu quảng cáo làm con đường này đẹp, gọn gàng, dễ nhìn. Đường phố thoáng đãng và sạch sẽ.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nếu bắt buộc phải sử dụng hai màu sắc xanh, đỏ thì sẽ gây nhàm chán, không bắt mắt, ảnh hưởng đến nhận diện thương hiệu, giảm sự sáng tạo. Thậm chí, làm người dân khó tìm các địa chỉ ở đây.

Trao đổi với BizLIVE về vấn đề này, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cho biết, việc đồng bộ hóa biển quảng cáo Sở Văn hóa chỉ là đơn vị hướng dẫn về mặt quản lý nhà nước, hướng dẫn về mặt quy định trong Luật Quảng cáo.

“Biển hiệu kích cỡ bao nhiêu phải theo Luật Quảng cáo. Việc đồng bộ hai màu xanh đỏ trong tuyến phố kiểu mẫu thì các đơn vị phải lấy ý kiến của người dân trong khu phố đó và được sự đồng thuận”, ông Động cho biết.

“Việc đồng bộ hóa biển hiệu quảng cáo trên tuyến đường mới Lê Trọng Tấn là cần thiết, đảm bảo mỹ quan đô thị và phù hợp với Luật Quảng cáo. Việc đồng bộ này trước hết là sự hợp chuẩn và tương đồng nhau về kích thước biển hiệu, nội dung trình bày trên biển hiệu và tuyệt đối không đưa hình ảnh sản phẩm vào biển hiệu”, ông Động nói.

Ông Động lưu ý thêm, cần phải phân biêt hai loại biển gồm biển hiệu và biển quảng cáo. Biển áp dụng hai màu xanh đó là biển hiệu. Biển quảng cáo thì sẽ được thỏa sức “sáng tạo” nhưng phài được bên Sở Văn hóa thể thao duyệt.

Giám đốc Sở Văn hóa và thể thao Hà Nội khẳng định việc đồng bộ hóa biển hiệu tại đường Lê Trọng Tấn đang trong quá trình thí điểm, sẽ tiếp tục lắng nghe và điều chỉnh rồi tiếp tục nhân rộng ra các tuyến phố khác.

Theo thông tin từ UBND quận Thanh Xuân, đây là công trình do Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, quận Thanh Xuân chỉ thực hiện trang trí. Công trình này là công trình kiểu mẫu đầu tiên do Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo khi lên làm chủ tịch.

Trước đó, hồi đầu tháng 1/2016, UBND Hà Nội đã ban hành Quyết định số 270/QĐ-UBND bổ sung nhiệm vụ quản lý nhà nước về chiếu sáng trang trí, quản lý biển hiệu quảng cáo, thông tin tuyên truyền trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo đó, UBND TP giao Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội tham mưu, giúp UBND thành phố thống nhất quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội về các lĩnh vực: Chiếu sáng trang trí đô thị trong các ngày lễ, tết, lễ hội và trong các hoạt động tuyên truyền, cổ động; Biển hiệu, băng rôn tuyên truyền và các hình thức quảng cáo ngoài trời.

Theo Bizlive