Trung Quốc đã hố nặng trong nhận định và phán đoán về tổng thống Mỹ Donald Trump |
Ngày 17/8/2018 Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng sau một năm rưỡi cầm quyền của Nhà Trắng, ông đã làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại theo chủ thuyết “Make America Great Again”. Về phương diện chủ trương đường lối, chủ thuyết đó đã từng được thể hiện trong Chiến lược an ninh quốc gia, Chiến lược quốc phòng và Chiến lược hạt nhân sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức và vừa qua được thể hiện trong các biện pháp thực tế để thực thi tại Luật ủy quyền quốc phòng NDAA (National Defense Authorization Act), được cả hai viện của Quốc hội Mỹ thông qua và được ông Donald Trump ký ngày 13/8/2018 [1]
Ngân sách quốc phòng Mỹ lớn tới mức kỷ lục nhằm mục đích gì?
Được đặt theo tên Thượng nghị sĩ John McCain-một trong những chính khách có tư tưởng “diều hâu” tới mức cực đoan trong giới tinh hoa chính trị Mỹ, Luật ủy quyền quốc phòng cho năm tài chính 2018-2019 xác định kế hoạch ngân sách dành cho các hoạt động quân sự lên tới 716 tỷ đô la (USD), nhiều hơn 16 tỷ USD so với ngân sách quốc phòng năm tài khóa 2017-2018 (700 tỷ USD) và vượt trội tới gần 100 tỷ USD so với năm tài khóa 2016-2017 (618,7 tỷ USD) là năm cuối cùng nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Mỹ Barack Obama [2].
Đáng chú ý là Luật ủy quyền quốc phòng năm 2019 xác định mức ngân sách cao kỷ lục trong điều kiện nước Mỹ không tiến hành bất cứ một chiến dịch quân sự đáng kể nào ở nước ngoài. Vậy, ngân sách cao kỷ lục này nhằm mục đích gì?
Nhìn từ chủ thuyết “Make America Great Again” được thể hiện trong Chiến lược an ninh quốc gia, Chiến lược quốc phòng và Chiến lược hạt nhân thời Tổng thống Donald Trump, Luật ủy quyền quốc phòng năm 2019 nhằm theo đuổi bốn mục tiêu chủ yếu sau:
(1) Giành ưu thế toàn diện cả trên bộ, trên không, trên biển, trong vũ trụ và trong không gian mạng để tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo của Mỹ trong trật tự thế giới đơn cực đang chao đảo kể từ cuộc khủng hoảng từ năm 2008. Do đó, khác với Chiến lược quốc phòng thời cựu Tổng thống Barack Obama chỉ tập trung chống khủng bố, Chiến lược quốc phòng thời D.Trump tập trung giành ưu thế toàn diện so với hai đối thủ cạnh tranh hàng đầu là Trung Quốc và Nga bị Washington coi là những quốc gia đang “phá hoại trật tự thế giới”.
(2) Buộc các đối thủ cạnh tranh, trước hết là Trung Quốc, Nga và cả các đồng minh của Mỹ phải lao vào cuộc chạy đua vũ trang rất tốn kém và do đó sẽ bị suy giảm khả năng cạnh tranh kinh tế với Mỹ trong cuộc đua mang tên “Made In America”.
(3) Tiếp tục sử dụng ưu thế sức mạnh quân sự vượt trội của Mỹ để đe dọa và buộc các nước khác phải chấp nhận các yêu sách và điều kiện của Mỹ trong cuộc chiến tranh thương mại do Tổng thống Donald Trump phát động nhằm vào tất cả các nước trên thế giới.
(4) Đáp ứng yêu cầu của tổ hợp công nghiệp-quân sự đẩy mạnh chế tạo vũ khí trang bị nhằm thu về những khoản siêu lợi nhuận thông qua hoạt động tái trang bị cho Quân đội Mỹ và như xuất khẩu vũ khí. Tổ hợp công nghiệp-quân sự có sức mạnh siêu phàm trong hệ thống chính trị Mỹ đã từng đóng vai trò quyết định đưa ứng cử viên Donald Trump bước vào Nhà Trắng trong cuộc chạy đua không cân sức với ứng cử viên Hillary Clinton của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử năm 2016.
Hiện đại hóa toàn diện quân đội Mỹ
Để hiện đại hóa toàn diện quân đội Mỹ, Luật ủy quyền quốc phòng năm 2019 đề ra các biện pháp:
(1) Giành khoản ngân sách ưu tiên để xây dựng Quân chủng vũ trụ nhằm giành quyền kiểm soát của Mỹ đối với môi trường tác chiến trong khoảng không bên ngoài khí quyển Trái Đất-môi trường quyết định hoạt động của “bộ não” trong tất cả các loại vũ khí “thông minh” như tên lửa chiến lược tầm xuyên lục địa, tên lửa hành trình, các loại vũ khí siêu tốc thuộc hệ thống tấn công chớp nhoáng trên phạm vi toàn cầu.
(2) Bảo đảm tài chính cho Bộ Quốc phòng Mỹ để tăng cường đào tạo-huấn luyện quân sự và nâng cấp trang thiết bị cho các cơ sở chiến đấu và thử nghiệm nhằm nâng cao khả năng cơ động và sẵn sàng chiến đấu.
(3) Đầu tư đáng kể để đưa vào trang bị các loại vũ khi mới như máy bay F-35 Joint Strike Fighter, mở lại cảng sửa chữa tàu ở Guam để duy trì khả năng tàu hoạt động ở khu vực Tây Thái Bình Dương; tăng tốc đóng tàu sân bay lớp Ford thứ tư; đóng thêm hai tàu chiến ven biển và hai tàu ngầm tấn công thuộc lớp Virginia trong những năm 2022 và 2023.
(4) Đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa Lục quân Mỹ với các loại trang bị mới như xe chiến đấu Stryker A1, xe tăng hạng 135 M1 Abrams, xe chiến đấu Bradley, xe vận tải đa năng bọc thép, máy bay trực thăng UH-60M Black Hawk.
Ngăn cản kế hoạch “Made In China 2025” và dự án “vành đai và con đường”của Trung Quốc
Để ngăn cản kế hoạch “Made In China 2025” của Trung Quốc, Luật ủy quyền quốc phòng năm 2019 đề ra nhiều biện pháp cần phải thực thi. Đó là:
(1) Ngăn chặn hoạt động tình báo công nghiệp của Trung Quốc, trong đó Quốc hội Mỹ sẽ xác định các biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ các hợp đồng mà Chính phủ Mỹ ký với các tập đoàn công nghệ ZTE và Huawei-hai tổ chức kinh doanh công nghệ cao hàng đầu của Trung Quốc, đóng vai trò chủ chốt trong các hoạt động tình báo công nghiệp. Cấm mọi cơ quan chính phủ Mỹ sử dụng sản phẩm của Huawei và ZTE, đồng thời cấm mọi thực thể có quan hệ với chính phủ Mỹ được giao dịch với hai công ty này của Trung Quốc.
(2) Giao cho Ủy ban đầu tư nước ngoài của Mỹ tăng cường giám sát các khoản đầu tư của Trung Quốc, đồng thời quy định chế độ lập báo cáo về tác động của các khoản đầu tư này gây thiệt hại đến lợi ích an ninh quốc gia Mỹ.
(3) Sử dụng ưu thế toàn diện để gây sức ép, buộc Trung Quốc phải chơi theo luật chơi của Mỹ trong chiến tranh thương mại.
(4) Hạn chế các hoạt động văn hóa và học thuật như phổ biến tiếng Trung Quốc và hoạt động của các Viện Khổng Tử ở Mỹ. Hạn chế Bộ Quốc phòng Mỹ tài trợ cho các trường đại học Mỹ mà ở đó có thành lập Viện Khổng Tử.
(5) Sử dụng Đài Loan làm đối trọng trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc. Trong vòng 1 năm sau khi Luật ủy quyền quốc phòng 2019 có hiệu lực, Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ phải báo cáo về kế hoạch tăng cường viện trợ quân sự cho Đài Loan.
Để kiềm chế dự án “vành đai và con đường” của của Trung Quốc, Luật ủy quyền quốc phòng năm 2019 đề ra nhiều biện pháp cần thực thi, gồm:
(1) Bảo đảm tài chính cho các hoạt động cứng rắn nhằm kiểm soát và ngăn chặn các hoạt động của Trung Quốc trong vành đai chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt chú ý ngăn chặn hoạt động của Trung Quốc tiếp tục lấn chiếm và quân sự hóa ở Biển Đông
(2) Bảo đảm tài chính để hỗ trợ các sáng kiến nhằm ổn định khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như mở rộng chức năng của Sáng kiến an ninh hàng hải Đông Nam Á hướng tới khả năng bao quát khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
(3) Tăng cường các hoạt động diễn tập phòng thủ tên lửa tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó có khu vực truyền thống ở Đông Bắc Á.
(4) Tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh trong khuôn khổ bộ tứ Mỹ-Nhật Bản-Ấn Độ-Australia, theo đó sẽ gia tăng các cuộc tập trận liên quân. Đồng thời bổ sung và tăng cường quyền hạn cho Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vừa được chuyển từ Bộ chỉ huy Thái Bình Dương. Hạn chế khả năng của Tổng thống Donald Trump cắt giảm lực lượng của Mỹ hiện diện tại Hàn Quốc
(5) Tiến hành đánh giá và lập báo cáo thường niên gửi Quốc hội Mỹ về các hoạt động quân sự, hàng hải và hàng không của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông; yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ cung cấp báo cáo về việc Trung Quốc bố trí vũ khí và các trang thiết bị mới ở khu vực Biển Đông.
(6) Cấm vĩnh viễn Trung Quốc tham gia các cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới mang tên “Vành đai Thái Bình Dương” (RIMPAC) cho tới khi nào Bắc Kinh chấm dứt các hoạt động quân sự hóa ở biển Đông như loại bỏ các hệ thống vũ khí ra khỏi các căn cứ tiền đồn ở Biển Đông.
Kiềm chế ảnh hưởng và hạn chế sức mạnh của Nga
Kiềm chế ảnh hưởng và hạn chế sức mạnh của Nga là một trong những mục tiêu chủ yếu của Luật ủy quyền quốc phòng năm 2019, thông qua các biện pháp:
(1) Không tài trợ cho bất kỳ hoạt động nào có liên quan tới khả năng Mỹ công nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea.
(2) Viện trợ quân sự cho Ukraine trị gia 250 triệu USD; gia tăng số lượng các cuộc tập trận chung giữa quân đội Mỹ với quân đội Gruzia và Ukraine nhằm gây bất ổn sát biên giới Nga.
(3) Chấm dứt bảo đảm kinh phí cho mọi hoạt động liên quan với Hiệp ước bầu trời mở. Theo đó, Mỹ cấm chi tiền cho hoạt động nghiên cứu, chế tạo và thử nghiệm máy bay sử dụng cho các chuyến bay quan sát trong khuôn khổ Hiệp ước bầu trời mở.
(4) Quy định, chậm nhất đến ngày 15/1/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump phải đệ trình các ủy ban chuyên trách của Quốc hội bản báo cáo về việc Nga có vi phạm Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm ngắn và tầm trung (INF) ký ngày 8/12/1987 hay không. Quốc hội Mỹ cho rằng Nga đã vi phạm Hiệp ước này.
(5) Bảo đảm kinh phí để tiếp tục bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu nhằm đánh chặn tên lửa chiến lược của Nga trong cuộc xung đột tiềm tàng trong tương lai.
(6) Yêu cầu tổng thống Mỹ phải báo cáo với Quốc hội về quá trình Nga thực thi Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công giai đoạn 3 (START-3). . Hiệp ước START-3 được ký năm 2010, có hiệu lực từ năm 2011 đến hết năm 2021. Theo Luật ủy quyền quốc phòng 2019, Mỹ sẽ xem xét có nên đưa tên lửa đường đạn xuyên lục địa thế hệ mới Sarmat, tên lửa hành trình siêu tốc, tàu ngầm không người lái vào STARTt-3 hay không trong khi phía Nga khẳng định, tất cả các vũ khí mới nhất của họ đều phù hợp với nghĩa vụ quốc tế của Nga.
(7) Ngăn chặn mọi ý định của Thổ Nhĩ Kỳ mua tên lửa phòng không siêu hiện đại S-400 của Nga. Trong vòng 180 ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phải đánh giá và báo cáo với Quốc hội về tác động của kế hoạch mua bán này đối với mối quan hệ Ankara-Washington, như kế hoạch của Mỹ bán máy bay F-35 và F-16, tên lửa Patriot, trực thăng CH-47 Chinook, Ah-64 Attack, H-60 Black Hawk cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Đóng vai trò như bản phục lục cho Luật ủy quyền quốc phòng năm 2019, chỉ 1 ngày sau khi ký Luật ủy quyền quốc phòng năm 2019, ngày 14/8/2018, Quốc hội Mỹ thông qua văn liện mang tên “Đạo luật bảo vệ an ninh quốc gia Mỹ chống lại sự xâm lược từ Nga”, gọi tắt là Đạo luật 3336, theo đó Mỹ sẽ áp dụng các biện pháp cấm vận ngặt nghèo chưa từng có chống lại Nga. Đợt cấm vận đầu tiên sẽ áp dụng từ ngày 22/8/2018 và kể từ thời điểm này, Mỹ để cho Nga trong vòng 90 ngày “ăn năn hối lỗi” và “thừa nhận tội lỗi của mình”. Nếu Nga “thực tâm hối cải” thì sau thời hạn đó Mỹ sẽ dỡ bỏ các biện pháp cấm vận này [3].
Các “tội” của Nga được Mỹ liệt kê trong Đạo luật 3336 gồm: sử dụng bất hợp pháp vũ khí hóa học chống lại thường dân ở châu Âu (ám chỉ vụ Nga bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học sát hại cựu điệp viên hai mang Sergey Skripal và con gái Julia); sáp nhập Crimea; ủng hộ lực lượng li khai ở Donbass và chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, thậm chí là cáo buộc Nga là “quốc gia tài trợ khủng bố”. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nhận định, những nội dung trong Luật ủy quyền quốc phòng liên quan tới Nga và Đạo luật 3336 không khác gì lời tuyên chiến nhằm vào Matxcơva./.
Tài liệu tham khảo
[1]Трамп заявил, что сделал Америку снова великой. https://mainews.ru/category/russia/news/139156-tramp-zayavil-chto-sdelal-ameriku-snova-velikoy/full?utm_medium=email&utm_source=UniSender&utm_campaign=172284901
[2] H.R.2810 - National Defense Authorization Act for Fiscal Year 2018. https://www.congress.gov/bill/115th-congress/house-bill/2810/text
[3] Проект S3336 США дали России ровно 90 дней. https://zemlyaki.name/rossiya/218723-proekt-s3336-ssha-dali-rossii-rovno-90-dney.html