Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tiến hành chuyến thăm Trung Quốc lần đầu tiên từ ngày 08 đến ngày 10/11/2017. Đây là chuyến thăm cấp nhà nước đến Trung Quốc và là chuyến thăm được thực hiện ngay sau khi Trung Quốc tổ chức thành công Đại hội Đảng khóa XIX.
Sẽ có phương hướng quan hệ lâu dài
Đề cập đến chuyến thăm này, ngày 30/10, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ ông Thôi Thiên Khải mong muốn Trung Quốc và Mỹ tìm được con đường “hợp tác cùng thắng”, “cùng bàn, cùng xây, cùng hưởng”, xây dựng “quan hệ nước lớn kiểu mới”. Nền tảng của hợp tác cùng thắng là tôn trọng lẫn nhau, hiểu biết lẫn nhau.
Ông Thôi Thiên Khải chỉ ra, trong chuyến thăm lần này của ông Donald Trump, hai bên sẽ chỉ ra phương hướng lâu dài cho phát triển quan hệ Trung - Mỹ.
Theo Đại sứ Thôi Thiên Khải, hợp tác kinh tế thương mại là nội dung quan trọng của chuyến thăm, điều này đã được hai bên chuẩn bị kỹ lưỡng và sẽ đạt được “thành quả tích cực” trong chuyến thăm.
Ông Thôi cho rằng hai bên hợp tác thì cùng có lợi, đối đầu thì cùng thiệt hại. Hai bên có thể xử lý các bất đồng theo cách thức mang tính xây dựng và thái độ thiết thực, tránh ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế thương mại tổng thể.
Theo Thôi Thiên Khải, phương hướng chính là tập trung cho thực hiện thương mại song phương công bằng hơn và cùng có lợi. Nhưn, vấn đề thâm hụt thương mại là một vấn đề mang tính kết cấu, khó có thể giải quyết được ngay. Chỉ cần hai bên nỗ lực cho mục tiêu cùng thắng và có cách làm mang tính xây dựng thì sẽ không ngừng đạt được tiến triển.
Ông Thôi Thiên Khải còn cho hay các vấn đề nóng như vấn đề hạt nhân bán đảo Triều Tiên hay các vấn đề như Biển Đông, Đài Loan, hạt nhân Iran cũng là những vấn đề quan trọng sẽ được hai bên thảo luận.
Trong đó, Trung Quốc sẽ kiên trì nguyên tắc “một Trung Quốc”; kiên trì thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, chủ trương giải quyết vấn đề bằng đối thoại, đàm phán hòa bình; hoan nghênh Mỹ tham gia hợp tác “Vành đai, con đường”; yêu cầu Mỹ và các nước khác không can thiệp vào các vấn đề của Trung Quốc…
Đoàn doanh nghiệp khổng lồ
Theo Bloomberg News Mỹ, dự kiến sẽ có khoảng 40 đại diện công ty Mỹ sẽ tháp tùng ông Donald Trump đến Trung Quốc. Hai bên sẽ ký kết các thỏa thuận đầu tư trị giá vài tỷ USD.
Một trong những thỏa thuận lớn nhất mà chính phủ Mỹ đang thúc đẩy là đầu tư vào ngành năng lượng trị giá vài tỷ USD của Tập đoàn Hóa dầu Trung Quốc (Sinopec), từ đó sẽ tạo ra vài nghìn việc làm cho bang Texas và quần đảo United States Virgin.
Những doanh nghiệp có thể cử đại diện đến thăm Trung Quốc gồm có công ty General Electric, công ty quốc tế Honeywell, công ty Westinghouse Electric, công ty phát triển đường ống khí đốt Alaska, công ty Boeing và công ty Qualcomm. Các doanh nghiệp đến từ các ngành nghề như từ khoa học đời sống đến công nghiệp nặng.
Dự tính sẽ còn có đại diện các công ty khác đi theo đoàn như công ty Cheniere, công ty Terex, công ty khoa học Thermo Fisher, công ty Applied Materials, công ty Caterpillar và tập đoàn Blackstone.
Những thỏa thuận này đều sẽ hỗ trợ cho việc cầm quyền của ông Donald Trump. Trong thời gian tranh cử, ông Donald Trump tuyên bố chỉ có ông mới có khả năng đưa việc làm và đầu tư về Mỹ. Khi thăm Trung Quốc vào tháng trước, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết Mỹ hy vọng chuyến thăm lần này của ông Donald Trump có thể đạt được "thành quả rất tốt".
Một nguồn tin tin cậy cho biết chỉ thỏa thuận của Tập đoàn Hóa dầu Trung Quốc đã giảm 10 tỷ USD nhập siêu thương mại giữa hai nước. Dự án này còn đem lại lợi ích chính trị cho Tổng thống Mỹ khi ông bị chỉ trích về xử lý cơn bão vừa qua tại nước này.
Các doanh nghiệp Mỹ tham gia tháp tùng ông Donald Trump đến Trung Quốc cũng muốn thúc đẩy các hoạt động kinh doanh của họ. Hơn 100 công ty Mỹ đăng ký tham gia đoàn đại biểu thương mại lần này, nhưng chính phủ Mỹ chỉ lựa chọn khoảng 40 đại diện.
Theo hai nguồn tin, ông Donald Trump có thể nhấn mạnh đến khí đốt hoá lỏng Mỹ và vai trò của nó đối với giảm thâm hụt thương mại, đồng thời đàm phán yêu cầu Trung Quốc mua nhiều khí đốt hơn từ Mỹ.
Chính sách khu vực mới
Ngoài ra, theo tờ Nam Hoa buổi sáng, Hồng Kông, cựu quan chức Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Dennis Wilder cho biết trong thời điểm Tổng thống Donald Trump thăm châu Á tới đây, Mỹ sẽ công bố một chính sách châu Á mới, trong đó bao gồm cung cấp vũ khí cho Ấn Độ.
Dennis Wilder từng là nhà phân tích cao cấp về vấn đề Trung Quốc của CIA và quan chức phụ trách các vấn đề châu Á của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ.
Theo Dennis Wilder, Mỹ sẽ cung cấp máy bay chiến đấu tiên tiến cho Ấn Độ và tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - Ấn, mối quan hệ này đang phát triển.
Dennis Wilder cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn lôi kéo Ấn Độ để Ấn Độ tiếp tục thâm nhập vào khu vực Đông Á và châu Á - Thái Bình Dương. Ý tưởng "Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở" sẽ là khẩu hiệu mới trong chính sách châu Á của Mỹ.
Các kế hoạch liên quan được tiết lộ lần đầu tiên vào cuối tháng 9/2017. Khi đó, Nhà Trắng đã công bố chuyến thăm châu Á của ông Donald Trump. Chính quyền Donald Trump cho rằng "chính sách này có giá trị chiến lược và kinh tế". Đây là phản ứng của Mỹ đối với sáng kiến "Vành đai, con đường" của Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ sẽ còn có bài phát biểu tại Hội nghị Cấp cao APEC vào ngày 10/11/2017 tại Việt Nam, khi đó ông sẽ đưa ra tầm nhìn mới của Mỹ đối với châu Á.