Điện đàm nước lớn
Các nguồn tin từ Trung Quốc cho biết ngày 12/8/2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiến hành điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Cuộc điện đàm diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Triều Tiên diễn ra cuộc khẩu chiến được cho là gay gắt nhất từ trước đến nay.
Trong cuộc điện đàm này, vấn đề Triều Tiên là nội dung chính của điện đàm, đã được hai bên đem ra “trao đổi ý kiến”. Ông Tập Cận Bình cho rằng Trung Quốc và Mỹ có “lợi ích chung” trong việc thực hiện phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, bảo vệ hòa bình và ổn định bán đảo Triều Tiên.
Ông Tập Cận Bình kêu gọi các bên kiềm chế, tránh những lời nói và hành động làm trầm trọng thêm căng thẳng tình hình bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc tiếp tục hối thúc các bên giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên bằng đối thoại, đàm phán, bằng giải quyết chính trị.
Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ hiểu rõ vai trò của Trung Quốc trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên”. Mỹ sẵn sàng cùng Trung Quốc tiếp tục duy trì trao đổi chặt chẽ trong các vấn đề quốc tế và khu vực quan trọng cùng quan tâm.
Lập tức trừng phạt
Ngay sau cuộc điện đàm cấp cao Trung - Mỹ nói trên, đến ngày 14/8, Tổng cục Hải quan, Bộ Thương mại Trung Quốc đã lập tức công bố thông cáo về việc thực hiện nghị quyết số 2371 của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Nghị quyết này tăng cường trừng phạt Triều Tiên.
Theo thông báo này của Trung Quốc, từ ngày 15/8/2017 trở đi, Trung Quốc sẽ cấm toàn diện nhập khẩu than, sắt, quặng sắt, chì, quặng chì, thủy hải sản của Triều Tiên. Từ 0 giờ ngày 5/9/2017 trở đi, không tiếp tục làm thủ tục nhập khẩu.
Những biện pháp trên không áp dụng cho than nước xuất khẩu được chuyển khẩu qua cảng Rason (Triều Tiên) được chứng minh là không có nguồn gốc từ Triều Tiên. Nhưng nước xuất khẩu phải thông báo trước cho ủy ban được thành lập theo nghị quyết 1718 của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.
Doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu than không có nguồn gốc từ Triều Tiên, nhưng đi qua cảng Rason thì phải làm thủ tục thông quan theo tài liệu thông báo của ủy ban trên.
Được biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump và các quan chức cấp cao khác của Mỹ luôn hối thúc Trung Quốc sử dụng vai trò ảnh hưởng của mình để gây sức ép với Triều Tiên, buộc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Lo trừng phạt
Điều đáng chú ý là, gần đây, Mỹ có nhiều động thái tiếp tục áp dụng các biện pháp “bảo hộ” thương mại, tăng cường gây sức ép cho Trung Quốc. Chẳng hạn, ngày 8/8/2017, Bộ Thương mại Mỹ cho biết sơ bộ quyết định Trung Quốc còn tiến hành trợ cấp đối với lá nhôm, sẽ thu thuế chống bán phá giá từ 16,56 - 80,97%.
Ngoài ra, các quan chức Mỹ cho biết, ngày 14/8/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký lệnh cho phép Đại diện thương mại Mỹ quyết định khả năng tiến hành điều tra đối với “các hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc”.
Điều này có nghĩa là Đại diện thương mại Mỹ có thể dẫn Điều 301 của Luật thương mại năm 1974, tiến hành điều tra đối với Trung Quốc trong các vấn đề như ăn cắp bản quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ mang tính cưỡng ép.
Điều này gây sức ép rất lớn đối với Trung Quốc. Ngày 14/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng trong tình hình lợi ích của Trung Quốc và Mỹ đan xen sâu sắc, tiến hành chiến tranh thương mại sẽ không có tiền đồ, không có kẻ thắng, sẽ chỉ cùng thua thiệt.
Bà Hoa cho rằng vấn đề Triều Tiên và vấn đề kinh tế thương mại là hai vấn đề thuộc phạm trù khác nhau, Trung Quốc và Mỹ cần tôn trọng nhau, tăng cường hợp tác trong 2 vấn đề này. Việc lấy vấn đề này làm công cụ để gây sức ép trong vấn đề khác là “không thích hợp”.