Chỉ trong vòng một ngày (10/4/2015), UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành tới 5 quyết định để chấm dứt hiệu lực pháp lý và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với 5 dự án. Đó là các dự án của các công ty TNHH Công nghiệp điện tử Việt Hàn; Liên doanh Shining Việt Nam; TNHH Công nghệ Ocular Việt Nam; TNHH Blue Ocean Tech Việt Nam và Công ty Kỹ thuật làm sạch Baxter.
Nguyên nhân chủ yếu là do các công ty này không triển khai thực hiện dự án theo các nội dung đã quy định tại giấy chứng nhận đầu tư; thậm chí, có công ty trên thực tế đã không hoạt động sản xuất - kinh doanh tại địa chỉ đăng ký từ vài năm trước.
Chẳng hạn, Công ty TNHH Blue Ocean Tech Việt Nam đã ngừng hoạt động sản xuất - kinh doanh tại địa chỉ trụ sở chính đã đăng ký kể từ khi hết hạn tạm ngừng hoạt động ngày 2/11/2012. Công ty Kỹ thuật làm sạch Baxter đã ngừng hoạt động sản xuất - kinh doanh tại địa chỉ trụ sở chính đã đăng ký từ ngày 1/6/2012...
Nghĩa là trên thực tế, việc UBND tỉnh Bắc Ninh ra quyết định chấm dứt hiệu lực pháp lý và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án này chỉ là một sự hợp thức hóa “cái chết” của những nhà đầu tư không nghiêm túc thực thi các quy định pháp luật của Việt Nam trong đầu tư, kinh doanh.
Dù chỉ là các dự án nhỏ, song việc Bắc Ninh quyết định “trảm” các dự án đầu tư sau một thời gian dài “chết lâm sàng” cũng là động thái quan trọng để loại bỏ các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa, dành cơ hội cho nhà đầu tư khác.
Tương tự, nhiều địa phương khác cũng đang rốt ráo rà soát các dự án đầu tư chậm triển khai. UBND tỉnh Bình Định, trong một văn bản cách đây ít ngày đã nhắc tới việc làm thủ tục để thu hồi Dự án Khu du lịch Vĩnh Hội, do Công ty Việt Mỹ (Mỹ) đầu tư.
Được cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2007, với tổng vốn đăng ký giai đoạn I là 250 triệu USD, Dự án Vĩnh Hội dự kiến triển khai trên diện tích 235 ha tại Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định). Theo kế hoạch, Dự án sẽ xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, bao gồm trung tâm hội nghị quốc tế, khách sạn, resort 5 sao, sân golf 18 lỗ, villa cao cấp…
Công ty Việt Mỹ dự kiến bắt đầu xây dựng Dự án từ giữa năm 2011 và đến giữa năm 2014 sẽ đưa vào sử dụng. Thậm chí, tháng 10/2011, chủ đầu tư đã ký hợp đồng với các công ty quản lý khách sạn Ritz-Carlton, JW Marriott và Outrigger để quản lý ba khu nghỉ dưỡng trong Dự án. Tuy nhiên, đến nay, Dự án vẫn chưa thể triển khai. Và UBND tỉnh Bình Định cũng đã nhiều lần nhắc nhở, rồi cảnh báo thu hồi Dự án.
Mặc dù vậy, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Man Ngọc Lý, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Bình Định, cho biết, Ban sẽ rà soát lại tình hình đầu tư Dự án và báo cáo lên UBND tỉnh xem xét, quyết định. “Chuyện thu hồi một dự án không đơn giản, bởi còn liên quan đến các thủ tục pháp lý về đầu tư. Hiện chủ đầu tư Dự án Vĩnh Hội cũng đã làm được tuyến đường tránh, giải phóng một phần mặt bằng cho Dự án”, ông Lý nói và cho biết, nếu thu hồi Dự án, sẽ phải tính toán kỹ lại phần Công ty Việt Mỹ đã đầu tư.
Ở Bình Định còn dự án tỷ USD của Bus Center (Nga). Cuối năm ngoái, Bình Định cũng đã xem xét việc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án, song sau đó, chủ đầu tư đã tới làm việc và cam kết việc chuyển tiền về Việt Nam để đầu tư Dự án. Tuy nhiên, từ đó đến nay, chưa có động thái nào cho thấy chủ đầu tư “rục rịch” thực hiện cam kết này.
Trong khi đó, thông tin những ngày gần đây cho biết, UBND tỉnh Ninh Thuận đang thực hiện các thủ tục cần thiết để thu hồi Dự án Khu công nghiệp Du Long của nhà đầu tư Hoa Thìn Long Đức Phong (Trung Quốc). Dự án này được khởi công xây dựng từ năm 2008, nhưng đến nay, vẫn dậm chân tại chỗ. UBND tỉnh Ninh Thuận đã nhiều lần hối thúc chủ đầu tư triển khai Dự án, nhưng chưa có tiến triển. Năm ngoái, việc thu hồi Dự án đã được UBND tỉnh Ninh Thuận nhắc đến. Và nhiều khả năng, đây cũng chỉ là bước hợp thức hóa cuối cùng đối với một dự án đã quá chậm trễ trong triển khai.
Trong báo cáo trình Chính phủ mới đây về các dự án khu công nghiệp chậm triển khai, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã nhắc đến việc Dự án Khu công nghiệp Du Long, quy mô 407 ha đang được UBND tỉnh làm thủ tục thu hồi để giao cho chủ đầu tư khác có tiềm lực tài chính hơn.
Cuối tháng 3/2015, Ninh Thuận cũng đã phải ra quyết định thu hồi Dự án Khu du lịch Mũi Dinh, vốn đầu tư 450 triệu USD. Và lý do cũng là vì Cedar Point International (Mỹ) cho đến nay đã không thực hiện nộp tiền ký quỹ đảm bảo thực hiện Dự án theo như cam kết với tỉnh và tất nhiên, cũng chưa có động thái nào liên quan đến việc triển khai Dự án.
“Trảm” Cedar Point International, Ninh Thuận rất kỳ vọng nhà đầu tư có năng lực tài chính khác “nhảy” vào. Lý do rất cơ bản là, khu vực Dự án có điều kiện thiên nhiên rất thuận lợi để phát triển các dự án du lịch.
Nếu “ông cũ” vẫn nằm đó, cơ hội không còn cho người khác, dù đó là “kẻ mạnh”.
Theo Đầu tư