Đổi 53 ha Vườn quốc gia Ba Vì lấy... 8 tỉ đồng

Ngày 29-2, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo đình chỉ xây dựng công trình khu nghỉ dưỡng Le Mont Bavi Resort & Spa tại Vườn quốc gia Ba Vì (Hà Nội).
Đổi 53 ha Vườn quốc gia Ba Vì lấy... 8 tỉ đồng

Ông Phát cũng yêu cầu Tổng cục Lâm nghiệp thành lập ngay đoàn thanh tra, làm rõ vi phạm tại công trình resort trái phép, báo cáo về bộ trước ngày 4-3.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, ban giám đốc Vườn quốc gia Ba Vì (thuộc Bộ NN&PTNT) thay vì bảo vệ rừng, bảo vệ Vườn quốc gia Ba Vì đã nhận của Công ty TNHH Phát triển công nghệ 8 tỉ đồng và “góp” 53ha đất rừng cho doanh nghiệp xây dựng khu nghỉ dưỡng Le Mont Bavi Resort & Spa với thời hạn 50 năm.

Lấy rừng liên kết làm kinh tế

Để vào được khu du lịch nghỉ dưỡng Le Mont Bavi Resort & Spa chỉ có con đường độc đạo, có bảo vệ gác từ xa, nhưng đáng nói đó cũng là con đường duy nhất dẫn lên khu di tích lịch sử cách mạng, cứ điểm cao 600.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, cả khu nghỉ dưỡng Le Mont Bavi được hình thành trong Vườn quốc gia Ba Vì, ngay cạnh khu di tích lịch sử cách mạng, cứ điểm cao 600, không phải xây dựng “chui” mà được sự cho phép của Vườn quốc gia Ba Vì.

Việc cho phép xây dựng khu nghỉ dưỡng Le Mont Bavi còn có lợi ích kinh tế mà vườn quốc gia được hưởng sau khi góp đất cho doanh nghiệp. Cụ thể thay vì bảo vệ rừng, bảo vệ Vườn quốc gia Ba Vì, ban giám đốc Vườn quốc gia Ba Vì đã ký hợp đồng liên kết với Công ty TNHH Phát triển công nghệ.

Hợp đồng liên kết được ký theo dạng Vườn quốc gia Ba Vì “góp” hơn 53ha đất rừng cho doanh nghiệp xây dựng, kinh doanh khu nghỉ dưỡng Le Mont Bavi, đổi lại Vườn quốc gia Ba Vì nhận 8 tỉ đồng từ doanh nghiệp. Thời hạn liên kết kinh doanh được tính 50 năm từ ngày 10-9-2011 đến 10-9-2061.

Hợp đồng cũng thể hiện rõ: Vườn quốc gia Ba Vì sẽ bàn giao cho Công ty TNHH Phát triển công nghệ quyền bảo vệ và quản lý... rừng và đất lâm nghiệp với diện tích hơn 53ha, đổi lại về nghĩa vụ tài chính công ty có trách nhiệm trả cho vườn “phí đóng góp ban đầu” là 200 triệu đồng.

Tương tự, trong thời gian bên doanh nghiệp xây dựng tiếp tục có trách nhiệm trả cho Vườn quốc gia Ba Vì khoản “đóng góp để bù đắp” với số tiền 300 triệu đồng. Tiếp nữa trong thời gian liên kết 50 năm, hợp đồng thể hiện rõ mỗi năm doanh nghiệp phải đóng góp cho Vườn quốc gia Ba Vì 150 triệu đồng, tổng số tiền vườn quốc gia được hưởng trong 50 năm là 7,5 tỉ đồng.

Chưa hết, những chi tiết trong điều khoản hợp đồng còn thể hiện rõ việc góp đất rừng cho doanh nghiệp có nhiều lợi ích kinh tế mà Vườn quốc gia Ba Vì được hưởng, chỉ có diện tích đất rừng bị mất và giảm.

Không chỉ có khu vực cao độ 600-700 đã được Vườn quốc gia Ba Vì liên kết với doanh nghiệp kinh doanh, ông Đỗ Hữu Thế - phó giám đốc Vườn quốc gia Ba Vì - thừa nhận cả khu vực cao độ 400 với diện tích 60ha cũng đã liên kết với doanh nghiệp để xây dựng khu nghỉ dưỡng. Theo ghi nhận, trên phần đất này có hàng chục công trình kiên cố đã được xây dựng từ nhiều năm qua, trong đó có cả những công trình xây mới như biệt thự.

“Khu cao độ 400 thì liên kết theo kiểu khác, khu này mình còn có cả cơ sở vật chất để góp vào liên kết làm du lịch, khu cao độ 600-700 thì mình chỉ góp đất, còn tiền xây dựng là của doanh nghiệp” - ông Thế lý giải.

Không giấy phép xây dựng, không tham vấn địa phương

Có mặt tại khu nghỉ dưỡng Le Mont Bavi Resort & Spa chiều 29-2, nhiều nhân viên lễ tân, phục vụ tại khu nghỉ dưỡng cho chúng tôi biết khu nghỉ dưỡng “đang trong quá trình chạy thử”.

Trong số 13 khu nhà nghỉ dưỡng có nhiều khu nhà được xây dựng mới, có khu vực còn có cả bể bơi sẵn sàng chờ phục vụ khách.

Tại khu nghỉ dưỡng còn có cả xe điện, xe đạp cho khách thuê và cũng đã có các đoàn xe đưa khách vào nghỉ. “Giá thuê cao nhất là 4 triệu đồng/phòng 70 m2/ngày đêm, thấp nhất 2,5 triệu đồng/phòng 30 m2/ngày đêm” - một lễ tân giới thiệu.

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Đỗ Hữu Thế cho biết khu vực liên kết nằm trong phân khu hành chính dịch vụ I của Vườn quốc gia Ba Vì, đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt quy hoạch chi tiết.

“Khu vực này đã xây dựng được mấy năm rồi. Việc hợp đồng liên kết giữa vườn với doanh nghiệp để kết hợp phát triển du lịch với phát triển rừng. Việc này đã được Bộ NN&PTNT cho chủ trương liên kết chứ không phải không phép hoàn toàn” - ông Thế nói.

Khi được hỏi khu vực xây dựng đã được cấp phép xây dựng chưa, ông Thế nói: “Khu vực xây dựng đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt quy hoạch chi tiết rồi nên không phải xin cấp phép xây dựng”.

Theo ông Thế, việc xây dựng các khu nhà nghỉ dưỡng bắt đầu từ năm 2014, sau thời điểm Bộ NN&PTNT phê duyệt quy hoạch chi tiết mặt bằng tổng thể phân khu hành chính dịch vụ I Vườn quốc gia Ba Vì. Tuy nhiên, theo hợp đồng liên kết giữa Vườn quốc gia Ba Vì và doanh nghiệp, thời gian mở mang xây dựng khu nghỉ dưỡng lại được ghi từ năm 2008 - 2011.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bạch Công Tiến, chủ tịch UBND huyện Ba Vì, khẳng định “chưa lần nào huyện được lấy ý kiến về việc xây dựng khu nghỉ dưỡng này”. “Đất xây dựng nằm trong vườn quốc gia thuộc thẩm quyền của Bộ NN&PTNT quản lý.

Tất cả đất đai cũng thuộc vườn quốc gia quản lý. Trước nay họ làm gì đều là thẩm quyền của họ, huyện không có thẩm quyền gì ở chỗ ấy. Vì đất đó không thuộc huyện quản lý nên họ xây dựng mình cũng đâu có quản lý gì được về trật tự xây dựng.

Họ làm thế nào họ đâu có báo cáo nên huyện không biết việc này, vì khu vực đó ở trên núi được bảo vệ nên người dân không vào được để mà biết” - ông Tiến cho hay.

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 29-2, thượng tá Hoàng Văn Quy, chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện Ba Vì, cho biết các cơ quan chức năng của quân đội đã vào cuộc kiểm tra. “Mức độ vi phạm như thế nào sẽ được kết luận sau, còn việc có báo cáo trước khi xây dựng khu nghỉ dưỡng này hay không thì khẳng định không hề có” - ông Quy cho hay.

“Chỉ là cải tạo, không phải xây mới”

Đó là khẳng định của ông Cao Chí Công - phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) - sau buổi làm việc của tổng cục với Vườn quốc gia Ba Vì chiều 29-2.

Theo ông Công, 100% hạng mục tại resort đều là cải tạo từ các phế tích cũ thời Pháp thuộc chứ không phải xây mới.

“Tất cả được cải tạo từ phế tích nằm toàn bộ trong khu dịch vụ hành chính thuộc khu bảo tồn đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt. Chứ không phải nằm trong khu nghiêm ngặt, không phải chặt bất cứ một cái cây nào, không có mét vuông đất nào thuộc đất rừng bị xâm lấn để xây mới cả” - ông Công quả quyết.

Chiều cùng ngày, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Việt Dũng - chánh thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội - cho hay ngay trong ngày đã cử lực lượng thuộc Đội thanh tra xây dựng huyện Ba Vì và đại diện thanh tra sở trực tiếp tới kiểm tra tại hiện trường.

“Theo quy định, dù cải tạo hay xây mới đều phải có giấy phép xây dựng, tuy nhiên còn phải tùy thuộc vào nguồn gốc hiện trạng đất công trình cũng như đơn vị quản lý để xác định đơn vị chịu trách nhiệm và quy trình xin giấy phép xây dựng. Điều đáng nói là đến nay, theo ghi nhận, công trình đã thi công xong” - ông Dũng cho hay.

Trong khi đó tại trụ sở chủ đầu tư, Công ty TNHH Phát triển công nghệ (CFTD) đóng tại tầng 7 của tòa cao ốc ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), dù đã xuất trình đầy đủ giấy giới thiệu, chúng tôi liên tục bị lễ tân ở đây gây khó dễ, không cho vào liên hệ làm việc.

Còn liên hệ theo số điện thoại của ông Ngọc Anh - giám đốc công ty - nhiều lần, dù chuông đổ nhưng ông Ngọc Anh không nghe máy. 

Theo Tuổi Trẻ