Việc UBS chấp thuận mua lại Credit Suisse Group AG (Credit Suisse) với mức giá 3 tỉ franc Thụy Sĩ (3,2 tỉ USD) được CNN gọi là 'thỏa thuận giải cứu khẩn cấp'.
Cuộc 'giải cứu' này đã kịp thời ngăn cuộc hoảng loạn lan rộng trên thị trường tài chính, nhưng đồng thời cũng để lại những tổn hại tới danh tiếng và vai trò trung tâm tài chính toàn cầu của Thuỵ Sĩ.
VietTimes trân trọng gửi tới độc giả bài chuyển ngữ thể hiện quan điểm của ông Beat Wittman - chuyên gia có tới 30 năm kinh nghiệm làm việc trong hệ thống ngân hàng Thụy Sĩ, gồm cả UBS và Credit Suisse, và hiện là Chủ tịch công ty tư vấn tài chính Porta Advisors có trụ sở tại Zurich - về nội dung này.
Credit Suisse đã bị đối thủ UBS mua lại sau khi gặp khủng hoảng (Ảnh: CNBC) |
Nguyên nhân sâu xa của việc Credit Suisse sụp đổ cần được phân tích kỹ lưỡng, và những hậu quả mà nó gây ra – trong đó có tầm ảnh hưởng về chính trị - sẽ là rất lớn.
Thách thức hậu sáp nhập UBS - Credit Suisse
Các điều khoản thâu tóm Credit Suisse thực sự có lợi cho UBS. Nhờ đó, UBS giành thêm thị phần và mở rộng quy mô hoạt động, đặc biệt là trong mảng quản lý tài sản.
Tuy nhiên, với sự khác biệt về văn hóa doanh nghiệp, phong cách và sự chồng lấn trong hoạt động kinh doanh, thương vụ có thể tạo ra những thách thức nan giải, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế vĩ mô toàn cầu đang biến động.
Để vươn tới thành công, hậu sáp nhập Credit Suisse, UBS cần có ban lãnh đạo đủ năng lực và đáng tin cậy.
Bài học về quản lý
Credit Suisse tự đưa mình tới sự sụp đổ bởi một ban lãnh đạo thiếu năng lực, mô hình kinh doanh thiếu bền vững và một chiến lược bị hủy hoại bởi hoạt động đầu tư. Một nguyên nhân khác là do sự thiếu sót của các cơ quan hữu trách ở Thụy Sĩ.
Có điều rõ ràng là niềm tin và sự tự tin được xây dựng theo thời gian. Điểm mấu chốt ở đây là giao tiếp một cách trung thực, đưa ra những diễn biến cùng những con số thực tế về những vật thể có thể định lượng, thay vì những câu chuyện cá nhân hay quỹ quan hệ công chúng.
Một cuộc khủng hoảng đáng giá
Một cuộc khủng hoảng sẽ để lại những bài học đắt giá. Tuy nhiên, điều đáng buồn là lịch sử của các cuộc khủng hoảng tài chính cho thấy rằng sự nhấn mạnh quá nhiều vào cuộc khủng hoảng trước đó lại vô tình trở thành “mầm mống” cho cuộc khủng hoảng tiếp theo.
Ngày nay, hầu hết những bình luận mà người ta đưa ra đều có ý nói rằng sự sụp đổ của Credit Suisse là điều khó tin và rằng nó là diễn biến không thể lường trước.
Đây là điều ngớ ngẩn và là sự biện minh để che lấp đi sự yếu kém.
Giá cổ phiếu liên tục giảm, cùng với những thước đo giá trị, và cả xếp hạng tín dụng của Credit Suisse trong những năm gần đây đều là những chỉ báo sớm cho số phận của nhà băng này.
Những bài học cần nhớ
Sau vụ sáp nhập, “gã khổng lồ” mới trong hệ thống ngân hàng của Thuỵ Sĩ nếu được quản lý một cách yếu kém sẽ gây ra một mối đe doạ thậm chí còn lớn hơn, do kích thước khổng lồ của nó khi đem so với nền kinh tế Thuỵ Sĩ.
Bởi vậy, điều cần thiết là phải áp dụng những bài học từ sự sụp đổ của Credit Suisse – giảm hoạt động nhánh ngân hàng đầu tư, tăng cường các quy định về vốn, cải cách, nâng cấp đáng kể các nguồn lực và công cụ của Finma.
Sự nhập cuộc của nhà chức trách
Những ngân hàng có tầm quan trọng hệ thống không phải là những doanh nghiệp tư nhân mà có những chức năng kinh tế, bởi vậy chính phủ có trách nhiệm với chúng.
Như trong trường hợp của Credit Suisse, chính phủ Thuỵ Sĩ buộc phải phản ứng vào phút chót thay vì giải quyết một cuộc khủng hoảng đang leo thang một cách sớm hơn.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, nếu xét đến kỳ bầu cử quốc gia ở Thuỵ Sĩ sắp diễn ra vào mùa Thu năm nay, chính phủ và các nhà lập pháp có thể chủ động đối thoại với người dân Thuỵ Sĩ rằng, sở hữu hệ thống ngân hàng toàn cầu đi kèm với trách nhiệm toàn cầu./.
UBS "chốt" mua Credit Suisse với giá 3 tỉ USD
UBS tiến gần tới việc mua lại Credit Suisse
Cú sập của Credit Suisse, SVB và 'lỗ hổng' trong hệ thống tài chính toàn cầu
Theo Finews.com