Tìm hiểu vấn đề này, nguyên nhân ngoài những bất cập về vị trí đặt trạm, lưu lượng xe lưu thông hai chiều Hà Nội – Lạng Sơn và ngược lại dồn ứ đông, nhiều lái xe, doanh nghiệp vận tải phản ứng mức thu phí quá cao, nên không đồng tình hợp tác.
Mức phí thu hoàn vốn dự án BOT cao tốc Hà Nội – Bắc Giang thấp nhất là 35.000 đồng/lượt được áp dụng đối với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 22 tấn và các loại xe buýt vận tải công cộng; mức phí cao nhất là 200.000 đồng/lượt được áp dụng đối với xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 feet.
Tuy nhiên, theo nhiều lái xe, mức thu phí phân ra nhiều chặng trên tuyến không hợp lý, quá cao. Anh Đức Long, lái xe tư nhân ở Từ Sơn cho hay: “Một đoạn đường từ Thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) hàng ngày lái xe đi làm tại KCN Ninh Hiệp hoặc Trâu Quỳ (quận Long Biên, Hà Nội) có 12 km mà chịu mức phí 35.000 đồng/lượt chung toàn , ngày đi hai chiều là quá cao, không thể chập nhận. Đề nghị chủ đầu tư dự án điều chỉnh mức phí cho lái xe trên đoạn tuyến này…”.
Qua tìm hiểu, việc đặt trạm thu phí tại Km152+080 Quốc lộ 1 (xã Phù Chẩn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) cũng khiến nhiều doanh nghiệp vận tải thắc mắc, cho rằng: Với vị trí đặt trạm thu phí chỉ cách trạm thu phí Phù Đổng cũ (thuộc địa phận huyện Gia Lâm, Hà Nội) chừng vài km, đồng nghĩa với việc, muốn vào Hà Nội hoặc đi Hà Nam, các phương tiện đi từ Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh (theo đường 1A) đều buộc phải qua trạm thu phí này. Đáng chú ý, trên tổng chiều dài toàn tuyến là 45 km, thì đã có tới 25 km thuộc đoạn Hà Nội - Bắc Ninh là đường cao tốc cũ làm từ vốn Ngân sách, chỉ được trải thảm lại. Điều này vô hình chung, chủ đầu tư đang tận thu, không xe nào thoát…”.
Trước khi thu phí chính thức ngày 25/5, từ ngày 25/4, chủ đầu tư dự án đã cho thu phí thử nghiệm trong 1 tháng. Song, nhiều lái xe vẫn bức xúc vì mức thu phí chưa tương xứng với đoạn đường đi. Cụ thể như lái xe biển kiểm soát 88C-06151 cho rằng đoạn đường từ Hà Nội đến Bắc Ninh mà mất đến 140.000 đồng, cao hơn nhiều phí xe khách là bất hợp lý. Hay lái xe container biển kiểm soát 34C-1130 bức xúc, phí xe container cao nhất 200.000 đồng/lượt khi qua trạm là quá cao và sẽ phải đi đường cũ để hạn chế mức phí.
Rõ ràng, tất cả các xe chỉ cần đi qua trạm thu phí, đóng phí, còn ra bất kỳ chỗ nào trên đường cũng bị thu một mức phí đồng đều 35.000 đồng/lượt đang khiến rất nhiều lái xe bức xúc, đặc biệt những người thường xuyên qua lại. Chưa kể, tốc độ tối đa cho phép 100 km/giờ khó đạt, vì đoạn tuyến cao tốc ngắn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.
Về vấn đề giải quyết tình trạng ùn tắc hiện nay, ông Ngô Thành Long, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư BOT Hà Nội – Bắc Giang cho biết: Công ty sẽ duy trì lực lượng thu phí trên 50 người làm việc liên tục để giảm ùn tắc vào giờ cao điểm. Ngoài việc tăng cường nhân lực cho việc duy trì 8 cửa thu phí, công ty sẽ xây thêm 2 làn để phục vụ cho công tác thu phí không dừng theo yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải; đồng thời tăng cường phối hợp với các lực lượng phân làn giao thông từ xa, lắp đặt bổ sung thiết bị đảo làn…
Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội-Bắc Giang theo hình thức hợp đồng BOT là phân đoạn trong tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT tại Văn bản 2238 ngày 18/12/2013 và Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định 113 ngày 10/01/2014.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 4.213 tỷ đồng, do liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương-Tổng công ty Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam-Công ty cổ phần đầu tư và Thương mại 319-Công ty cổ phần đầu tư Văn Phú-Invest (Liên danh OGC-VCG-319 INVEST-VANPHU INVEST) làm chủ đầu tư. Dự án thông xe kỹ thuật vào ngày 3/1/2016.
Theo Tin tức