Đó là chia sẻ của GS. Lê Thị Hương - Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng, Viện trưởng Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế công cộng Trường Đại học Y Hà Nội.
Đồng quan điểm trên, GS. Tạ Thành Văn - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y Hà Nội - cũng khẳng định vai trò quan trọng của việc đào tạo nguồn nhân lực về dinh dưỡng trong việc góp phần nâng cao tầm vóc của người Việt Nam, bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ thế hệ tương lai, nhất là trong bối cảnh tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở nước ta còn cao.
Tại hội thảo “Tham vấn về các chính sách BHYT đối với bà mẹ và trẻ em trong dự án Luật BHYT sửa đổi” do Bộ Y tế vừa tổ chức tại Hải Phòng, BS. Hà Thanh Sơn - Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Bộ Y tế - đã cho biết: Việc suy dinh dưỡng ảnh hưởng đến kết quả điều trị như làm cho bệnh nhân yếu sức; giảm miễn dịch, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn; chậm lành vết mổ, vết thương; thở máy kéo dài; tăng chi phí điều trị; dễ tử vong…
Theo BS. Hà Thanh Sơn, một nghiên cứu trên 557.348 bệnh nhi nội trú, từ 2-8 tuổi, thuộc nhiều khoa, phòng khác nhau, đã cho thấy: Dùng dinh dưỡng đường uống (ONS) trong khi nằm viện đã giúp giảm 14,8% thời gian nằm viện và giảm 9,7% chi phí điều trị.
Các nghiên cứu khác cũng cho thấy tình trạng suy dinh dưỡng ở bệnh nhân ung thư chiếm tỉ lệ cao, từ 30% đến 85%. Sau khi cho can thiệp dinh dưỡng, mức năng lượng của người bệnh nạp vào cơ thể đạt 82% so với nhu cầu khuyến nghị, tỉ lệ protein đạt 82,5%, chất béo đạt 90,4%, chất carbohydrate đạt 92%. Cân nặng tăng lên sau can thiệp dinh dưỡng chiếm 27,1%.
Việc can thiệp dinh dưỡng đúng và đủ sẽ giúp bệnh nhân giảm khả năng xảy ra biến chứng viêm loét, nhiễm trùng; giảm thời gian nằm viện, tỷ lệ tái nhập viện; giảm chi phí điều trị và nguy cơ tử vong
Theo ông Sơn, ở Nhật, Anh, Canada, Singapore, Đài Loan, bệnh nhân khi nhập viện sẽ được cung cấp bữa ăn miễn phí hoặc được cung cấp 70-90%, do bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả hoặc ngân sách nhà nước chi trả.
PGS Trương Tuyết Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia - cho biết nguy cơ tử vong của trẻ mắc bệnh suy dinh dưỡng cấp tính nặng cao gấp 5 đến 20 lần so với trẻ bình thường và có thể là nguyên nhân trực tiếp gây tử vong ở trẻ hoặc có thể đóng vai trò gián tiếp làm tăng nhanh nguy cơ tử vong ở những trẻ bị mắc các bệnh phổ biến như tiêu chảy và viêm phổi.
Các chế phẩm dinh dưỡng đặc trị được sử dụng để điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng đã giúp giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng từ 25% xuống 5%.
Theo bà Mai, WHO khuyến cáo sử dụng chế phẩm điều trị ăn liền trong điều trị trẻ mắc bệnh suy dinh dưỡng cấp tính nặng ở giai đoạn phục hồi, để giúp trẻ tái xây dựng lại các mô đã bị mất đi và tiếp tục bắt kịp tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn điều trị phục hồi.
Đại diện của WHO - bà Phạm Quỳnh Nga - thông tin: Đối với tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính, WHO khuyến nghị sản phẩm dinh dưỡng điều trị (RUTF) để đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ phục hồi. Danh sách thuốc thiết yếu của WHO hiện nay bao gồm RUTF.
Bà Nga cho biết thêm: Hiện Lào và Philipin đã đưa dinh dưỡng vào danh mục thuốc thiết yếu và ở Lào do BHYT chi trả, còn Philipine do kinh phí nhà nước chi trả.
Bà Đỗ Hồng Phương - chuyên gia Chính sách dinh dưỡng UNICEF Việt Nam - cũng nhấn mạnh: Sản phẩm dinh dưỡng điều trị được coi là thuốc. Các sản phẩm này được sáng chế dựa trên các nghiên cứu khoa học uy tín và tuân theo các quy chuẩn toàn cầu về y tế và chỉ được sử dụng theo đơn kê của bác sĩ theo phác đồ điều trị, không được bán trên thị trường mà không có đơn của bác sĩ.
Đánh giá cao vai trò của dinh dưỡng, chuyên gia của UNICEF khuyến nghị: Các bệnh liên quan đến dinh dưỡng cần được điều trị như các bệnh khác: Ưu tiên đầu tư điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng để giải quyết tình trạng tử vong trẻ và suy dinh dưỡng thấp còi.
Đại diện Cục Quản lý Khám, chữa bệnh kiến nghị cần ban hành chính sách thanh toán cho phí chế độ dinh dưỡng bệnh lý cho người bệnh, đặc biệt là người bị bệnh nặng đang nằm điều trị nội trú tại bệnh viện; đánh giá chất lượng của các sản phẩm, chế độ dinh dưỡng của các đơn vị cung cấp…Các bệnh viện cần nâng cao trình độ chuyên môn dinh dưỡng, phát hiện và can thiệp kịp thời các vấn đề dinh dưỡng của người bệnh…
PGS. Trương Tuyết Mai đề xuất: Cần đầu tư kinh phí cho hệ thống giám sát, phát hiện sớm, quản lý và điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng tại các tuyến; Tăng cường giáo dục truyền thông chăm sóc dinh dưỡng và bệnh suy dinh dưỡng cấp tính. Cần có dòng ngân sách bền vững cho việc quản lý và điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng (danh mục các dịch vụ KCB được BHYT thanh toán hiện nay chưa có dịch vụ khám, tư vấn và điều trị dinh dưỡng cho trẻ em vv…)