Điều trị hàng chục tỷ đồng, bệnh nhân 91 đang nguy kịch có bao nhiêu phần trăm hy vọng?

VietTimes – Chi phí hơn 5 tỷ đồng sau 54 ngày điều trị cho phi công người Anh, và còn tiếp tục tăng lên với can thiệp ECMO kéo dài, nếu ghép phổi sẽ tốn từ 1,5 – 2 tỷ đồng nữa, bệnh nhân 91 đang nguy kịch sẽ có bao nhiêu phần trăm hy vọng?
Bệnh nhân 91 phi công người Anh được xét nghiệm COVID-19 hàng ngày để xác định virus SARS-CoV-2 (Ảnh: BYT)
Bệnh nhân 91 phi công người Anh được xét nghiệm COVID-19 hàng ngày để xác định virus SARS-CoV-2 (Ảnh: BYT)

Phổi của bệnh nhân 91 chưa “chết” hẳn

Hôm nay 11/5, trao đổi với VietTimes, BS.TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM - nơi điều trị trực tiếp cho bệnh nhân 91, phi công người Anh cho biết bệnh nhân vẫn trong tình trạng cực kỳ nguy kịch, ngày càng diễn tiến nặng.

Sáng hôm qua 10/5, đã có buổi hội chẩn trực tuyến 3 miền về phương pháp điều trị cho bệnh nhân 91 được tổ chức giữa đại diện Bộ Y tế, BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, BV Việt Đức (Hà Nội) và BV Trung ương Huế, với các chuyên gia đầu ngành về cấp cứu, điều trị tích cực và ghép tim phổi, lồng ngực.

Chia sẻ với VietTimes, BS.TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho hay: “Kết quả hội chẩn ngày 10/5 với Bộ Y tế, BV Việt Đức và BV Trung ương Huế cho thấy hiện tại bệnh nhân 91 chưa đủ điều kiện để ghép phổi, do tình trạng nhiễm trùng chưa được khống chế và phổi chưa phải đã “chết” hoàn toàn”.

Giải pháp ghép phổi là cái phao cứu sinh cuối cùng cho bệnh nhân trước khi phải đối mặt với tử thần.

Tiên liệu về việc nếu ghép phổi thì khả năng sống của bệnh nhân 91 là bao nhiêu phần trăm vẫn đang là câu hỏi rất khó để trả lời và không ai dám khẳng định chính xác.

Bệnh nhân 91 đang phụ thuộc hoàn toàn vào kỹ thuật ECMO suốt thời gian kéo dài (Ảnh: SYT)
Bệnh nhân 91 đang phụ thuộc hoàn toàn vào kỹ thuật ECMO suốt thời gian kéo dài (Ảnh: SYT)


Một số bác sĩ trong ngành dự đoán nếu ghép phổi bệnh nhân 91 có khoảng 5% hy vọng, có người cho rằng cơ hội sống của phi công người Anh khoảng 10%, đặc biệt, một số bác sĩ dự đoán có thể khả năng sẽ lên rất cao, tới 70%.

Tuy nhiên, cần hiểu rằng giải pháp ghép phổi chỉ được thực hiện trong trường hợp phổi của bệnh nhân đã “chết” hoàn toàn. Hơn nữa, ghép xong, bệnh nhân buộc phải dùng thuốc chống thải ghép và ức chế miễn dịch suốt đời.

“Theo các bác sĩ điều trị trực tiếp cho bệnh nhân 91 thì khả năng phục hồi phổi của bệnh nhân 91 đến nay vẫn còn chưa rõ. Chúng tôi đánh giá là bệnh nhân 91 vẫn còn hy vọng có thể phục hồi phổi, chứ chưa hẳn đã phế bỏ hoàn toàn để phải ghép phổi khác” – BS. TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM thông tin.  

Vì lý do bệnh nhân 91 còn đang nhiễm trùng nặng, chưa đủ điều kiện ghép phổi nên dự kiến chuyển bệnh nhân 91 sang BV Chợ Rẫy để điều trị tích cực và đánh giá khả năng ghép phổi không thực hiện được.

“BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM sẽ tiếp tục điều trị cho bệnh nhân 91, tiến hành các xét nghiệm và thủ tục để chuẩn bị ghép tạng khi có chỉ định. Tôi vẫn hy vọng cứu được bệnh nhân này, dù phần trăm sống sót của phi công người Anh có thể là rất ít” – BS. TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu tin tưởng nói.

Không có bất cứ thân nhân nào tại Việt Nam

Phi công người Anh 43 tuổi là bệnh nhân COVID-19 nặng nhất cho tới thời điểm này. Ban đầu bệnh nhân 91 bị đông đặc một bên phổi, bây giờ thì cả hai phổi của bệnh nhân 91 đã đông đặc lại, có nguy cơ trở thành "ổ dịch" để vi khuẩn sinh sôi mạnh trong ký chủ.

Hội chẩn 3 miền về điều trị bệnh nhân 91 được tổ chức ngày 10/5 (Ảnh: TTKT)
Hội chẩn 3 miền về điều trị bệnh nhân 91 được tổ chức ngày 10/5 (Ảnh: TTKT)


Hiện bệnh nhân 91 vẫn dương tính với virus Corona, đang tiếp tục phải thở máy, lọc máu, phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO.

BS.TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết toàn bộ chi phí điều trị của bệnh nhân 91 đang do bệnh viện chi trả, đã lên tới trên 5 tỷ đồng cho 54 ngày điều trị, trong đó có 35 ngày được can thiệp ECMO.

Theo các bác sĩ điều trị thì bệnh nhân 91 có thể còn phải tiếp tục sử dụng giải pháp đắt đỏ là can thiệp ECMO thêm hàng tháng trời nữa, nên chi phí tiếp tục tăng cao.

Về chi phí cho một ca ghép phổi từ người hiến tặng đã chết não hoặc người cho còn sống là người thân của bệnh nhân sẽ từ 1,5 đến 2 tỉ đồng, tùy tình trạng, thể trạng của bệnh nhân.

BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, phi công người Anh không có bất cứ thân nhân nào tại Việt Nam.

“Ngay cả khi tìm được tạng hiến tặng hoặc bệnh nhân có người nhà từ Anh sang hiến tạng, thì các bác sĩ điều trị còn phải hội chẩn đánh giá bệnh nhân xem có thể tiến hành ghép được không, phổi người hiến tặng có hòa hợp về nhóm máu, miễn dịch, người hiến, người nhận chỉ được phép chênh lệch chiều cao, cân nặng, kích thước lá phổi không quá 20%... thì mới đủ điều kiện để ghép” – BS Châu cho biết.

Về chi phí của bệnh nhân 91, theo thông tin từ ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) thì hiện tại nhà nước Việt Nam vẫn đang chi trả khoản tiền này và sẽ sớm trao đổi với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam về vấn đề chi phí điều trị cho bệnh nhân.