Điện thoại Bphone B86 liệu có thể cạnh tranh với... Vsmart trên sân nhà?

VietTimes – Tối 10/5, tập đoàn BKAV đã ra mắt 4 phiên bản mới của dòng sản phẩm Bphone thế hệ thứ 4 trong đó chủ yếu nhấn mạnh vào hai phiên bản B86 và B86s. Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra nghi ngờ vào thành công của Bphone thế hệ này.

Một lễ ra mắt trong thời buổi dịch Covid-19 nên không có nhiều người được tham dự trực tiếp, tuy nhiên BKAV đã hợp tác với VTV24 để thực hiện truyền hình trực tiếp trên nhiều nền tảng mạng xã hội để những ai quan tâm có thể theo dõi.

Theo thông lệ ra mắt hàng năm thì Bphone thế hệ thứ 4 đáng lẽ phải được trình làng vào khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10 năm 2019. Nhưng năm ngoái, đại diện truyền thông của BKAV nói rằng mẫu điện thoại này sẽ được công bố chính thức vào tháng 2 năm 2020. Thế rồi sự xuất hiện của virus Corona tai quái đã khiến cho kế hoạch ra mắt của Bphone thế hệ thứ 4 bị trì hoãn liên tục. Nhưng chính sự trì hoãn lại càng khiến cho nhiều người tò mò và mong chờ sản phẩm của BKAV.

Đúng như những gì đã từng hé lộ trên báo chí trước đó, trong lễ ra mắt lần này, BKAV đã giới thiệu tới 4 phiên bản Bphone là B40, B60, B86 và B86s.

 Thông số kỹ thuật không ấn tượng

B40 là sản phẩm giá rẻ nhất. Nó có màn hình độ phân giải Full HD+. Máy sử dụng chip Snapdragon 636, 4GB RAM và 64GB bộ nhớ trong. Camera 12MP khẩu độ f/1.8; chuẩn chống nước IP68+. Sản phẩm này có giá bán là 5.490.000 đồng

B60 có cấu hình tương tự B40, chỉ khác con chip được nâng cấp lên thành Snapdragon 660. Sản phẩm có giá 6.990.000 đồng

B86 có kích thước màn hình 6,1 inch, độ phân giải Full HD+. Máy sử dụng chip Snapdragon 675, 4GB RAM và 64GB bộ nhớ trong. Sản phẩm có giá 8.990.000 đồng.

B86s có cấu hình tương tự nhưng bộ nhớ trong được nâng lên thành 128GB. Giá bán 9.990.000 đồng.

Cả 4 phiên bản điện thoại nói trên có điểm chung là thiết kế chỉ có duy nhất một nút bấm vật lý, chuẩn chống nước IP68+, pin 3000 mAh với công nghệ sạc Quick Charge 4.0.

Với những thông số như trên thì quả thật cả 4 mẫu điện thoại Bphone không có gì nổi bật. Đối với những người dùng ưa thích một mẫu smartphone có cấu hình cao thì Bphone sẽ không phải là sự lựa chọn.

Giá trị của Bphone nằm ở đâu?

4 mẫu điện thoại Bphone được BKAV nhắm vào phân khúc giá rẻ, trung cấp và cận cao cấp.

Chiếc Bphone B40 rẻ nhất có giá 5.490.000 đồng. Nhưng với giá tiền như vậy thì người tiêu dùng hoàn toàn có thể mua được nhiều mẫu smartphone khác trên thị trường có cấu hình cao hơn hẳn. Chẳng hạn như Oppo A9 đời 2020, Xiaomi Redmi Note 8 Pro, Huawei Y9s, Vivo S1 hay Samsung Galaxy M21. 

 

Tương tự như vậy, chiếc Bphone B86s có giá 9.990.000 đồng có cấu hình thua xa nhiều smartphone trong tầm giá 9-10 triệu như Samsung Galaxy A70 hay Xiaomi Mi Note 10 Lite. Thậm chí một chiếc smartphone có giá 7.990.000 đồng như Realme 6 Pro cũng có cấu hình ăn đứt B86s với 4 camera, trong đó có một camera chụp đêm, một camera góc rộng 120 độ ấn tượng và một camera zoom 20x khá tốt.

Nếu so về thông số chip, RAM và bộ nhớ trong, B86 thậm chí còn thua cả Vsmart Live và Vsmart Active 3 có giá dưới 4 triệu đồng. Vậy giá trị của Bphone thế hệ thứ tư nằm ở đâu, phải chăng là khả năng tìm máy bị thất lạc và công nghệ chụp ảnh "đóng băng khoảnh khắc"?

Tại lễ ra mắt Bphone thế hệ thứ 4, thứ để lại trong tâm trí người xem nhất có lẽ là những lời giới thiệu về khả năng tìm lại điện thoại bị mất. Đại diện BKAV nói rằng có tới  89% khả năng người dùng tìm lại được điện thoại bị mất nhờ cơ chế bảo mật và phân tích tâm lý người dùng mà BKAV trang bị cho Bphone. 89% là tỷ lệ mà chưa hãng nào trên thế giới đạt được.

Màn trình diễn về khả năng chụp ảnh "đóng băng khoảnh khắc" cũng thu hút người xem. Bphone B86 cho thấy nó có thể phát hiện và chụp lại được hình ảnh chuyển động đẹp nhất của vật thể. Ở phần trình diễn trên sân khấu, B86 đã chụp được khoảnh khắc khi viên đạn ở súng cao su tiếp xúc với phần bia bằng kính làm vỡ kính. Thực ra B86 đã chụp 12 tấm ảnh liên tiếp khi viên đạn tiếp xúc với tấm kính.

Một số tính năng khác của B86 mà những mẫu smartphone khác trên thị trường không có là khả năng ngâm trong nước 30 phút ở độ sâu 2 mét (IP68+) và hỗ trợ eSIM. Tuy nhiên, người dùng thường ít quan tâm đến hai tính năng này do không ai đi vứt điện thoại dưới nước lâu cả và eSIM thì cũng chưa phổ biến.

Có lẽ giá trị của Bphone nằm ở mức độ chất xám trong nghiên cứu phát triển (R&D). Trong khi VinSmart thường mua giấy phép sản xuất của nước ngoài để chế tạo và bổ sung các tính năng cho điện thoại Vsmart, thì BKAV đã rất chú trọng R&D để tạo ra thiết kế riêng, tính năng riêng. Chẳng hạn như tính năng kháng nước IP68+. Các kỹ sư của BKAV đã chụp phóng đại sản phẩm trên kính hiển vi rất nhiều lần để tìm từng khe nứt trên sản phẩm nhằm đưa ra các giải pháp kháng nước hiệu quả. Theo ông Vũ Thanh Thắng. Phó Chủ tịch phụ trách sản phẩm của BKAV, khi sản xuất, B86 phải trải qua 106 công đoạn kiểm soát và xử lý chống nước.

Áp dụng các thuật toán AI trong chụp ảnh cũng là một phần được đầu tư nhiều chất xám của Bphone. Ngoài khả năng chụp ảnh đóng băng khoảnh khắc, Bphone B86 còn được áp dụng thuật toán Nature Bokeh giúp cho các tấm ảnh xóa phông có độ chân thực cao. Các kỹ sư BKAV cũng cập nhật chức năng lấy nét khuôn mặt liên tục khi quay video, cũng như nâng cao thuật toán chụp ảnh cận cảnh SMacro. 

Các smartphone của những hãng khác cùng phân khúc cũng không có được thiết kế nguyên khối liền lạc với 2 mặt kính cường lực như B86. Chẳng hạn như Samsung A70 cũng chỉ có mặt lưng nhựa giả kính.

Bphone có bán được không?

Hiện nay tại thị trường Việt Nam, các smartphone bán chạy nhất nằm trong phân khúc giá rẻ và phân khúc cao cấp. Các sản phẩm tầm trung thường tiêu thụ chậm và ít hơn. Việc B86 và B86s được định vị ở phân khúc trung và cận cao cấp hình như là một nước cờ sai lầm của BKAV.

Trong khi đó phiên bản thấp nhất Bphone B40 có mức giá 5.490.000 đồng cũng không phải là mức giá hấp dẫn để cạnh tranh với các sản phẩm nằm trong phân khúc giá rẻ và càng ít cơ hội khi cạnh tranh với các sản phẩm tầm trung. 

Đối thủ lớn nhất của Bphone B40 và B60 có lẽ là các mẫu điện thoại Vsmart Live và Vsmart Active 3 với mức giá hơn 3 triệu đồng. Rõ ràng các mẫu điện thoại Vsmart hiện nay đang bán rất chạy do nhắm vào phân khúc người dùng phổ thông, không cần phải có quá nhiều tiền cũng có thể sở hữu được điện thoại cấu hình tốt. Không bỗng dưng mà Vsmart đã chiếm lĩnh được 16,7% thị phần điện thoại thông minh Việt Nam sau 15 tháng ra mắt - theo báo cáo của hãng phân tích GfK đưa ra vào tháng 3 năm 2020.

Có thể phán đoán rằng VinSmart đang bán điện thoại ở mức dưới giá thành sản xuất nhằm chiếm lĩnh thị phần, trong khi BKAV vẫn trung thành với triết lý dùng hàm lượng chất xám để tạo ra một mẫu điện thoại có giá trị. Không thể phủ nhận hàm lượng chất xám cao trong các mẫu điện thoại Bphone, nhưng hình như BKAV đang tạo ra "những mẫu smartphone mình thích làm thay vì các mẫu smartphone người dùng muốn".

Hơn nữa, Bphone B86 của BKAV cũng bỏ qua những công nghệ "thời thượng" hút khách khi không có màn hình AMOLED hay OLED, không có cảm biến vân tay trong màn hình.

Cuộc chiến trên thị trường smartphone Việt Nam (ngoại trừ smartphone Apple và Samsung) có nét gì đó giống như thời điểm đầu của cuộc chiến giữa các hãng xe công nghệ. Các hãng thay nhau "đốt tiền" để chiếm thị phần và kẻ nào trường vốn thì kẻ đó sẽ thắng.  

Mặc dù người viết rất khâm phục nỗ lực và tâm huyết của ông Nguyễn Tử Quảng, nhưng với thế hệ Bphone thứ tư này, tôi cho rằng BKAV đã đi một nước cờ sai lầm. 

Cuối cùng, tôi hy vọng Bphone thế hệ thứ 5 (năm 2021) sẽ là sản phẩm đáng tiền, "chất đến từng đồng" như ông Nguyễn Tử Quảng đã từng nói.