Điện mặt trời Trung Quốc cung vượt quá cầu, nhà sản xuất lớn nhất thế giới phải sa thải nhân viên

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – LONGi Green Energy, nhà sản xuất điện mặt trời lớn nhất thế giới, chính thức thông báo sẽ sa thải 5% nhân công.

Trụ sở Tập đoàn LONGi Green Energy, nhà sản xuất điện mặt trời lớn nhất thế giới (Ảnh: IN-EN)
Trụ sở Tập đoàn LONGi Green Energy, nhà sản xuất điện mặt trời lớn nhất thế giới (Ảnh: IN-EN)

Trong một tuyên bố với giới truyền thông hôm 19/3, LONGi (Công ty TNHH Công nghệ Năng lượng xanh Long Cơ hay Tập đoàn Longji), viết: "Ngành công nghiệp quang điện đang phải đối mặt với một môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Để thích ứng với những thay đổi của thị trường và nâng cao hiệu quả tổ chức, công ty chúng tôi đang tối ưu hóa lực lượng lao động của mình”.

Tuyên bố cũng khẳng định, tin tức trên mạng cho rằng công ty "sa thải 30% nhân viên" là sai sự thật; dự kiến tỷ lệ điều chỉnh nhân sự ước tính khoảng 5% tổng số lao động.

Hãng tin Bloomberg trước đó đưa tin LONGi Green Energy sẽ sa thải gần 1/3 nhân viên của mình trong nỗ lực cắt giảm chi phí trong một ngành đang dư thừa công suất và cạnh tranh khốc liệt.

Theo tin của Bloomberg, năm 2023, số lượng nhân viên của LONGi Green Energy đã đạt đỉnh, khoảng 80.000 người, nếu cắt giảm lao động theo tỷ lệ 30% như tin đồn, số lượng nhân viên bị sa thải sẽ là hơn 20.000 người.

Yinshi Finance (Ngân Thị Tài kinh), một nền tảng truyền thông tài chính trực thuộc Tập đoàn Nhật báo Chiết Giang, dẫn lời một người trong nội bộ của LONGi Green Energy cho biết: “Vào cuối mỗi năm, ngành quang điện sẽ thực hiện một số điều chỉnh hoặc tối ưu hóa dây chuyền sản xuất dựa trên tình hình sản xuất hiện tại hoặc kế hoạch năm sau; biến động về nhân sự là tương đối bình thường”.

Trong năm 2023, công suất phát điện mặt trời mới lắp đặt của Trung Quốc đạt gần 217GW, gấp gần 2,5 lần so với năm 2022, chiếm hơn một nửa công suất phát quang điện lắp đặt mới của toàn thế giới.

dien-mat-troi-du-thua-4675.jpeg
Do phát triển quá "nóng", điện mặt trời hiện đang quá dư thừa ở Trung Quốc (Ảnh: Sina)

Thua lỗ do giá giảm sâu

Ông Lý Chấn Quốc (Li Zhenguo), Chủ tịch LONGi Green Energy, vào đầu năm nay đã công khai thừa nhận nhiều công ty đã bị thua lỗ do giá cả giảm sâu. Trong quá trình này, các công ty có thực lực hùng hậu có thể vượt qua cửa ải khó khăn hiện tại. Tuy nhiên, những công ty có tỷ lệ nợ cao và công nghệ tương đối kém rất có thể không tồn tại được trong giai đoạn này.

Trang truyền thông công nghệ tài chính TMTpost đưa tin, báo cáo tài chính năm ngoái do các công ty quang điện như Hengdian DMC, Junda Technology, Canadian Solar và GCL Technology công bố cho thấy tốc độ tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận ròng đều chậm lại đáng kể. Trong đó, GCL Technology doanh thu giảm 6,21% và lợi nhuận ròng giảm 84,34% so với cùng kỳ năm trước, Junda Technology thậm chí còn lỗ tới hơn 800 triệu NDT trong quý 4.

Các nhà bình luận trong ngành cho rằng do tình trạng dư thừa công suất trong toàn bộ chuỗi ngành cùng với sự thay đổi chất bán dẫn loại “N” (n-type semiconductor), việc cải tổ ngành có thể diễn ra sớm hơn dự kiến.

Ngành công nghiệp quang điện liên quan đến “ba điều mới” trong chiến lược công nghiệp của Trung Quốc, đó là xe sử dụng năng lượng mới, pin lithium và pin mặt trời.

Các sản phẩm quang điện của Trung Quốc chiếm thị phần toàn cầu rất cao. Đánh giá từ dữ liệu năm 2022, các mô-đun quang điện Trung Quốc chiếm hơn 75% của toàn thế giới, tấm pin chiếm khoảng 80% thị phần và tấm silicon chiếm hơn 95% thị phần.

Theo một bài báo phân tích do China City News đăng hồi tháng 1 năm nay, tình trạng dư thừa công suất trong ngành quang điện là do nhiều yếu tố, bao gồm việc mở rộng sản xuất của các công ty quang điện và tình trạng dư cung, khiến tình trạng dư cung sản phẩm trở nên nghiêm trọng hơn.

Ngoài ra, công nghệ sản phẩm quang điện đang được thay đổi nhanh chóng và các công ty liên tục tung ra các sản phẩm mới khiến một số đại lý ứ đọng hàng tồn kho, mất cân đối giữa cung và cầu. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các doanh nghiệp xuyên biên giới tham gia vào ngành quang điện một cách mù quáng, không có quy hoạch và quản lý hiệu quả, điều này cũng dẫn đến tình trạng công suất quá dư thừa.

Theo Deutsche Welle