Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc đã có cuộc trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này.
Xin ông cho biết, vì sao Cục Báo chí lại có Công văn số 779 gửi tới các cơ quan báo chí yêu cầu tăng cường quản lý nội dung thông tin trên trang fanpage của facebook?
Ông Lưu Đình Phúc: Việc tích hợp nhiều loại hình báo chí hiện nay là rất phù hợp với nhu cầu của người dân, vì vậy nhiều cơ quan báo chí trong nước đã mở fanpage để đăng tải bài viết từ báo điện tử. Tuy nhiên, qua kiểm tra, theo dõi và xử lý vi phạm gần đây cho thấy, một số cơ quan báo chí mở fanpage trên facebook nhưng chưa có cơ chế kiểm duyệt chặt chẽ các ý kiến bình luận. Vì thế, một số đối tượng đã lợi dụng việc này để xuyên tạc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bôi nhọ uy tín, danh dự lãnh đạo cấp cao, gây dư luận xấu trên không gian mạng.
Mới đây nhất, một tờ báo chính thống với lượng độc giả rất lớn đã vi phạm vấn đề này và bị xử lý. Trước đó, các cá nhân và tổ chức bị xúc phạm đã có khiếu nại, qua kiểm tra thì đúng là có trường hợp như thế, vì vậy Cục đã ra công văn khuyến cáo các cơ quan báo chí cần phải quản lý chặt vấn đề này.
Nhưng thưa ông, theo một số cơ quan báo chí, việc “ngồi canh” các bình luận dưới bài viết rất khó do các bình luận được cập nhật liên tục, thậm chí được chia sẻ rất nhanh khiến các cơ quan báo chí rất khó kiểm soát?
Ông Lưu Đình Phúc: Một cơ quan báo chí nào đó chấp nhận sử dụng fanpage thì cơ quan đó phải bảo đảm thông tin của mình, có thể phải sử dụng biện pháp kỹ thuật hoặc dùng nhân sự để kiểm soát. Khi mở fanpage, công bố rộng rãi trang thông tin của mình trên mạng xã hội thì phải chịu trách nhiệm về những thông tin trên đó, không thể đổ lỗi đó là ý kiến của người khác, không thể để diễn đàn ngôn luận của mình thành nơi xâm hại tới quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác. Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận trên môi trường mạng nhưng vẫn phải tuân thủ các chuẩn mực chung về đạo đức và pháp luật của mỗi quốc gia.
Facebook là trang cho phép ẩn danh tính, có thể nói nhiều thứ và phủ nhận trách nhiệm, nhưng ở đây với tư cách là cơ quan Nhà nước, với danh nghĩa chính thức thì cơ quan đó phải chấp hành các quy định của pháp luật vì mỗi thông tin trên đó đều thể hiện quan điểm của cơ quan đó. Nếu không có cơ chế kiểm duyệt thì một số đối tượng sẽ lợi dụng các diễn đàn chính danh này để đăng các bình luận xúc phạm cá nhân, tổ chức và thông tin xuyên tạc.
Vì vậy, các cơ quan báo chí nếu không kiểm duyệt mà để thế lực xấu lợi dụng và đưa ra các quan điểm sai trái, xúc phạm cá nhân, tổ chức thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm.
Ví dụ, một bài báo được đưa lên fanpage sẽ được chia sẻ rất nhiều, thậm chí chỉ trong vòng 30 phút có thể ghi nhận hàng nghìn chia sẻ và bình luận. Tuy nhiên, với chính danh một cơ quan báo chí đưa bài lên fanpage thì chính những “comment” bên dưới cũng được hiểu như là nội dung liên quan đăng trên tờ báo đó, vì vậy, cơ quan đó sẽ phải chịu trách nhiệm.
Cụ thể, khi đưa vấn đề gì lên fanpage, các cơ quan báo chí cần lưu ý đến các bình luận, phải chủ động thông tin và kiểm soát chứ không buông lỏng được.
Không ít ý kiến cho rằng, Công văn 779 của Bộ TT&TT đang cản trở tự do ngôn luận của người dân trên các diễn đàn mạng xã hội?
Ông Lưu Đình Phúc: Đó là cách hiểu chưa đúng, một cách suy diễn, vì bất kỳ quốc gia nào cũng có quy định pháp lý để bảo vệ những cá nhân tham gia môi trường mạng. Bảo vệ ở đây là tạo điều kiện cho các cá nhân tự do ngôn luận và ở nước ta cũng vậy. Tuy nhiên, một cá nhân có thể nói nhiều thứ nhưng không được xúc phạm cá nhân, tổ chức khác. Vì vậy, Công văn này để khuyến nghị các cơ quan báo chí bảo vệ chính những người dùng các trang mạng xã hội và các tổ chức chứ không phải cản trở tự do ngôn luận.
Vậy, nếu các cơ quan báo chí để xảy ra sai phạm thì sẽ bị xử lý như nào, thưa ông?
Ông Lưu Đình Phúc: Tôi xin nhắc lại là Công văn số 779 của Cục Báo chí là nhằm khuyến cáo các cơ quan báo chí quan tâm đến vấn đề quản lý thông tin. Tuy nhiên, nếu để xảy ra sai phạm, các cơ quan báo chí sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điểm g, Khoản 3, Điều 66, Nghị định 174 ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Mức phạt có thể lên tới hàng chục triệu đồng.
Cụ thể, hành vi “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” (Điểm g, Khoản 3, Điều 66) bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng; hành vi “Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân” (Điểm a Khoản 3 Điều 64) bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng; hành vi “Chủ động cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân” (Điểm a Khoản 4 Điều 65) bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng…
Xin cảm ơn ông!
Theo Chinhphu.vn