Nhựa gia dụng: chịu nhiều cạnh tranh từ hàng nhập khẩu
Theo bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam, hiện trên cả nước có khoảng 400 doanh nghiệp, kể cả các cơ sở nhỏ, sản xuất hàng nhựa gia dụng. Trong đó, chỉ có khoảng 20-30 doanh nghiệp lớn có khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Còn các doanh nghiệp, cơ sở nhỏ chủ yếu sản xuất hàng nhựa tiêu dùng bán tại các chợ. Hàng nhựa tiêu dùng cao cấp tại Việt Nam đang chịu cạnh tranh từ hàng hóa nhập khẩu nhiều hơn hàng hóa nhắm đến phân khúc tiêu dùng thấp hơn. Hiện mẫu mã, chất lượng của sản phẩm đã được doanh nghiệp Việt Nam cải tiến nhiều, nhưng thị hiếu người tiêu dùng lại chuộng hàng nhập khẩu từ Thái Lan.
Theo bà H., phụ trách kinh doanh của một công ty sản xuất đồ nhựa tiêu dùng tại TPHCM, từ đầu năm ngoái đến nay, doanh số của công ty liên tiếp sụt giảm, đặc biệt tại thị trường TPHCM. Gần đây nhất là, trong dịp gần Tết Âm lịch năm nay, bà H. nhận thấy khách hàng không lấy hàng nhiều như trước đây.
Nguyên nhân là, tình hình kinh tế vẫn khó khăn, nên sức mua yếu. Ngoài ra, cạnh tranh với hàng nhập khẩu cũng là nguyên nhân khiến hầu hết doanh nghiệp trong ngành nhựa tiêu dùng gặp khó khăn, bà H. cho biết. Chẳng hạn, những sản phẩm như ghế nhựa nhập khẩu từ Thái Lan hiện có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, giá cả cao hơn hàng Việt Nam một chút đang được người tiêu dùng ở TPHCM ưa chuộng. Tại những tỉnh miền Tây thì người tiêu dùng vẫn thích những sản phẩm có giá rẻ hơn.
Bà H. cũng cho rằng hiện các công ty lớn hơn mới thực sự chịu sự cạnh tranh trực tiếp từ hàng nhập khẩu của Thái Lan, Malaysia, Đài Loan... Nhưng để cạnh tranh, những công ty lớn thường giảm giá bán, và điều này lại ảnh hưởng đến những công ty nhỏ hơn như công ty bà đang làm. Bà H. cho biết, nhìn chung ngành nhựa cạnh tranh rất gay gắt về giá.
Trong những năm gần đây, chất lượng sản phẩm nhựa gia dụng do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất ngày càng được cải tiến hơn, nhưng chủ yếu là các doanh nghiệp lớn, chẳng hạn như Đại Đồng Tiến (với sản phẩm hộp nhựa bảo quản thức ăn, với công nghệ Nano Silver - PV). Những công ty nhỏ thường không dám đầu tư nhiều cho cải tiến do cạnh tranh về giá khiến doanh thu ngày càng giảm, bà H.cho biết.
Hiện những sản phẩm như ghế nhựa, thau, chậu, rổ... sản xuất trong nước bị cạnh tranh bởi hàng nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia. Những sản phẩm cao cấp hơn như hộp nhựa đựng thức ăn thì bị cạnh tranh từ các thương hiệu Nhật Bản, Hàn Quốc.
Bánh kẹo: chắc chân ở phân khúc tầm trung?
Báo cáo ngành bánh kẹo do Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBankSc) công bố hồi tháng 7-2014 cho thấy, các sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất đang chiếm ưu thế trên thị trường, nắm giữ khoảng 80% thị phần nhờ lợi thế về giá cả, chất lượng và minh bạch về nguồn gốc hàng hóa. Trong đó, Kinh Đô đứng đầu về thị phần với 28%, tiếp đó là Bibica với 8%; Hải Hà nắm giữ 6% và Hữu Nghị có được 3%. 20% còn lại thuộc về bánh kẹo nhập khẩu. Hiện tại, Việt Nam có khoảng 30 doanh nghiệp sản xuất có quy mô lớn, 1.000 cơ sở nhỏ và một số công ty nhập khẩu.
Ông Phan Văn Thiện, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Bibica, cho rằng: “Tiềm năng của thị trường bánh kẹo vẫn còn khá lớn bởi mức tiêu dùng của người Việt Nam hiện vẫn thấp hơn khu vực”. Tuy nhiên, cũng theo ông Thiện, ở thời điểm hiện tại, doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới tạo ra các sản phẩm bánh kẹo ngọt truyền thống ở phân khúc tầm trung, chưa tạo ra những sản phẩm mới, lạ, độc đáo. Thị trường hàng cao cấp, có giá cao hiện đang nằm trong tay các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc. Muốn chiếm lĩnh được thị trường này, doanh nghiệp cần phải có tiềm lực lớn để đầu tư cho công nghệ, thiết bị, mà việc này không hề dễ dàng bởi đòi hỏi chi phí lớn.
Ông Lê Đức Duy, Trưởng phòng kinh doanh Công ty cổ phần Vinamit, cho rằng với sự xuất hiện của nhiều hệ thống bán lẻ Thái Lan thông qua mua bán, sáp nhập trong thời gian qua, một điều chắc chắn là hàng Thái Lan sẽ hiện diện ngày càng nhiều ở thị trường Việt Nam. Đây sẽ là những đối thủ nặng ký của các doanh nghiệp trong nước. Bối cảnh mới buộc doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có Vinamit phải đổi mới, sáng tạo để tạo ra sự khác biệt làm rào cản về thị trường, giữ được thị phần đã có, khoảng 80% như hiện nay.
Chế biến rau quả: chưa chuẩn bị cho cầu nội địa!
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), Việt Nam có thế mạnh về các sản phẩm nhiệt đới nhưng thường bán theo mùa nên những loại hoa trái tươi chỉ có thể bán ra thị trường trong một thời gian ngắn và thường có xu hướng “dội chợ”. Do đó, giải pháp là chế biến sâu bằng đóng hộp. Tuy nhiên, hiện đa phần các công ty chỉ tập trung vào xuất khẩu là chính mà ít chú đến thị trường nội địa. Giới trẻ Việt Nam có xu hướng thích dùng những sản phẩm chế biến sẵn, đóng hộp nên những công ty nào có chiến lược phát triển thị trường nội địa về lâu dài sẽ có lợi thế lớn.
Theo ông Huỳnh Quang Đấu, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco), trong năm 2014, các loại trái cây đóng hộp như xoài, mía, măng cụt, chôm chôm của công ty bán cho thị trường nội địa chiếm 17% tổng sản lượng của toàn công ty (năm 2013 là 6%). Trong năm nay, Antesco xem nội địa là một trong những thị trường chính, với mục tiêu chiếm khoảng 22% tổng sản lượng chế biến.
Ông Đấu cho biết, trước đây, sản phẩm của Antesco không thâm nhập được thị trường nội địa và thường xuyên bị bên phân phối quỵt tiền. Nhưng nay, cùng với sự mở rộng hệ thống bán lẻ các siêu thị, các cửa hàng tiện lợi mở ra tại nhiều tỉnh thành trên cả nước nên sản phẩm của Antesco có mặt ở nhiều nơi và không bị “quỵt tiền” như trước đây.
Theo TBKTSG