Dịch COVID-19 có được xem là trường hợp bất khả kháng để giảm tiền thuê mặt bằng kinh doanh?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Dịch COVID-19 có phải là trường hợp bất khả kháng trong giải quyết tranh chấp các hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh khi chính quyền áp dụng giãn cách xã hội hay không, cần có phán quyết của cơ quan tố tụng.
Luật sư Trương Công Nguyễn Anh Phiệt – Trưởng Văn phòng Luật sư Phiệt và Cộng sự
Luật sư Trương Công Nguyễn Anh Phiệt – Trưởng Văn phòng Luật sư Phiệt và Cộng sự

Dịch COVID-19 đang gây ra những hậu quả nặng nề đối với hầu hết các doanh nghiệp, trong đó, hoạt động dịch vụ, thuê mặt bằng kinh doanh là điển hình, khi các địa phương liên tiếp áp dụng các biện pháp giãn cách, khiến các doanh nghiệp phải đóng cửa, hoạt động kinh doanh bị suy giảm, kéo theo tranh chấp giữa các doanh nghiệp xảy ra.

Với thực trạng đó, nhiều ý kiến cho rằng dịch COVID-19 là trường hợp bất khả kháng, được đưa vào xem xét làm căn cứ để các bên thực hiện nghĩa vụ đã ký kết. Nhưng cũng có quan điểm cho rằng dịch COVID-19 chưa có căn cứ pháp lý để xem là trường hợp bất khả kháng gây ra những hệ luỵ trên. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, VietTimes đã có cuộc phỏng vấn luật sư Trương Công Nguyễn Anh Phiệt – Trưởng Văn phòng Luật sư Phiệt và Cộng sự.

Cần phán xét của toà án hoặc trọng tài

- Như luật sư đã biết, dịch COVID-19 gây ra những hậu quả nặng nề, tác động tiêu cực đến mọi mặt xã hội và kéo theo nhiều hệ luỵ. Trong đó có các vấn đề pháp lý liên quan đến các hợp đồng ký kết giữa các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp…. Vậy theo luật sư, dịch COVID-19 có được xem là tình huống bất khả kháng hay không?

Luật sư Anh Phiệt: Sau khi phát hiện những ca nhiễm đầu tiên tại Vũ Hán (Trung Quốc) nhận thấy đây là loại bệnh lây nhiễm thuộc nhóm A nguy hiểm đến sức khỏe, thậm chí gây chết người, Tổ chức Y tế Thế giới đã công bố đây là đại dịch trên toàn thế giới vào ngày 11/3/2020. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã có quyết định số 447/QĐ-TTg “về việc công bố dịch COVID-19”. Đây là quyết định có tính quy phạm pháp luật làm nền tảng cho tất cả các hoạt động liên quan trong phạm vi toàn quốc.

Đại dịch đã và đang diễn ra, trong chừng mực nào đó có ảnh hưởng nhất định; nhẹ thì đã làm ngưng trệ các hoạt động bình thường cũng như đời sống của tổ chức, người dân; nặng thì làm “đóng cửa” hoặc dẫn đến chấm dứt hoạt động. Đây là sự kiện pháp lý mà không ai lường trước được mức độ, phạm vi, thời gian kéo dài, v.v. như thế nào. Đến nay, còn nhiều ý kiến trái ngược nhau về sự kiện dịch bệnh COVID-19 có phải là tác nhân của sự kiện bất khả kháng hay không.

Để xác định chính xác thì nhận định này cần được tòa án (hoặc trọng tài) xem xét và quyết định. Trường hợp các bên cho rằng vẫn chưa có căn cứ pháp luật thì tòa án có thể thỉnh cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích pháp luật làm căn cứ để giải quyết tranh chấp theo quy định tại khoản 2, điều 74, Hiến pháp năm 2013 như sau: “Ra pháp lệnh về những vấn đề được Quốc hội giao; giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh”.

Xe taxi ở Đà Nẵng nằm phơi nắng, mưa do lệnh giãn cách phòng dịch COVID-19

Xe taxi ở Đà Nẵng nằm phơi nắng, mưa do lệnh giãn cách phòng dịch COVID-19

- Chúng ta có thể căn cứ vào đâu để có thể “chứng minh” dịch COVID-19 là một trường hợp bất khả kháng, thưa ông?

Luật sư Anh Phiệt: Pháp luật dân sự tại khoản 1, điều 156 Bộ luật dân sự 2015 cũng đã định nghĩa về sự kiện bất khả kháng như sau: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được, mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.

Các nhà làm luật đã thiết lập điều luật có đầy đủ 2 vế, thiếu đi một vế thì chưa đủ để áp dụng. Một là, do sự kiện khách quan xảy ra và hai là, các bên tham gia giao dịch dân sự (bao gồm nhưng không giới hạn) đã cùng cố gắng khắc phục bằng mọi biện pháp và khả năng cho phép nhưng không thể tiếp tục như trước đây – tức trước thời điểm xảy ra sự kiện đã nêu.

Cần chứng minh không phải lỗi do mình

- Liệu các doanh nghiệp có thể “vin cớ”dịch bệnh để chối bỏ trách nhiệm pháp lý của mình với đối tác hay không? Ví dụ như việc tranh chấp trong hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh chẳng hạn, khi thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra khiến đơn vị kinh doanh không thể khai thác được mặt bằng do các lệnh phong toả từ chính quyền đưa ra?

Luật sư Anh Phiệt: Khi quyền lợi của mình bị thiệt hại thì một trong các bên có thể viện dẫn ra một lý do nào đó mà không xuất phát từ chính mình hoặc đối tác, để giảm thiểu thiệt hại cho lợi ích của mình. Dĩ nhiên, ngay lúc đó, họ phải có nghĩa vụ chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ pháp luật.

Trong trường hợp cụ thể là hoạt động có thu nhập từ việc cho thuê mặt bằng để phục vụ kinh doanh; tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh dẫn đến phải ngừng hoạt động làm giảm hoặc mất thu nhập, từ đó quyền và nghĩa vụ đã thay đổi và tranh chấp có thể xảy ra; nếu trong quá trình thực hiện hợp đồng, sự kiện bất khả kháng đã được thỏa thuận giữa hai hoặc nhiều bên thì theo đó mà làm; nếu không thỏa thuận về sự kiện bất khả kháng thì căn cứ vào pháp luật để thực hiện hoặc yêu cầu cơ quan tài phán (tòa án hoặc trọng tài) xem xét, quyết định.

Pháp luật quy định về trách nhiệm dân sự tại khoản 2, Điều 351. Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ: “2. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.

Như vậy, đối với bên thuê mặt bằng (thường là bên bị thiệt hại) muốn được giảm hoặc không bị thu tiền thuê từ khoản đặt cọc trước cho chủ nhà (chủ cho thuê) thì phải thực hiện các bước mà pháp luật quy định, trong đó có nghĩa vụ chứng minh là hoạt động kinh doanh đã không xảy ra không phải lỗi của mình và đây là sự kiện bất khả kháng trong đó người thuê đã làm mọi cách để việc kinh doanh hoạt động bình thường lại nhưng không được; và bên đi thuê không phải trả tiền phần tiền thuê mặt bằng cho bên cho thuê.

Hàng quán ở Đà Nẵng đóng cửa, ngưng hoạt động do thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch COVID-19

Hàng quán ở Đà Nẵng đóng cửa, ngưng hoạt động do thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch COVID-19

- Trong thời gian qua, luật sư đã từng thụ lý xử lý tranh chấp giữa các bên có liên quan đến dịch COVID-19 hay không? Và quan điểm giải quyết vụ việc của luật sư đối với các vụ kiện này như thế nào?

Luật sư Anh Phiệt: Tại Đà Nẵng, dịch bệnh vẫn đang diễn ra và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tranh chấp có lẽ chưa gay gắt để các bên phải giải quyết bằng con đường tố tụng và có lẽ, người Đà Nẵng đã và đang san sẻ với nhau những khó khăn do giảm thu nhập đối với các bên mà hệ lụy từ dịch COVID-19 gây ra. Các bên cũng thấu hiểu khó khăn xảy ra làm ảnh hưởng đến lợi ích không phải do ý chí chủ quan giữa các bên chủ thể tham gia giao dịch gây ra, mà do sự kiện xảy ra một cách khách quan.

- Nếu giữa các cá nhân, doanh nghiệp xảy ra tranh chấp mà việc không thể hoàn thành nghĩa vụ đã ký kết do dịch COVID-19 gây ra thì theo luật sư, các bên nên làm gì?

Luật sư Anh Phiệt: Tranh chấp xảy ra, các bên không hòa giải được để đảm bảo các quyền của mình thì có thể yêu cầu giải quyết theo pháp luật tại tòa án, hay trọng tài có thẩm quyền. Các bên cần chuẩn bị cho chính mình một bộ hồ sơ đầy đủ điều kiện cần và đủ đã nói, trong đó, chứng minh rằng mình đã “không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.

Cơ quan tài phán sẽ căn cứ vào tài liệu, chứng cứ mà các bên đương sự tham gia chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ để xem xét quyết định.

- Xin cảm ơn!