Đến lượt Vinacomin “đáp trả” về dự án bauxite

Sau khi Bộ Công Thương đưa ra ý kiến về những tranh cãi quanh dự án bauxite tại Tây Nguyên thì ngày 31/3/2015, Vinacomin – chủ đầu tư dự án cũng đã có những phản hồi “đáp” lại nhận định của giới chuyên gia đưa ra tại Hội thảo ngày 28/3.
Đến lượt Vinacomin “đáp trả” về dự án bauxite

Trong văn bản phản hồi báo chí, Vinacomin khẳng định, các dự án đang được thực hiện theo đúng kế hoạch, tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành. Các dự án khai thác bauxite - sản xuất alumina của Vinacomin tại Lâm Đồng và Đắk Nông là các dự án công nghiệp luyện kim lớn, đầu tư từ nguồn vốn tự có của Vinacomin và nguồn vốn vay.

Từ năm 2007 đến 2008, Vinacomin đã chuẩn bị và tổ chức thành công việc đấu thầu rộng rãi quốc tế gói thầu EPC công trình nhà máy Alumina thuộc Dự án Tổ hợp bauxite-nhôm Lâm Đồng theo đúng các quy định của Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11 ngày 29/11/2005 và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Đấu thầu có liên quan.

 Quy trình đấu thầu đúng luật

Cụ thể, Vinacomin khẳng định đã lập và phê duyệt kế hoạch đấu thầu, tổ chức đăng báo công khai kế hoạch đấu thầu được duyệt, trong đó hình thức lựa chọn nhà thầu được duyệt là đấu thầu rộng rãi quốc tế, phương thức đấu thầu hai giai đoạn, có sơ tuyển.

Trong giai đoạn sơ tuyển, Vinacomin có tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời quan tâm; đăng báo thư mời quan tâm; phát hành hồ sơ mời quan tâm; tổ chức đóng thầu, mở thầu, đánh giá các hồ sơ quan tâm theo đúng quy định của hồ sơ mời quan tâm; phê duyệt danh sách các nhà thầu vượt qua giai đoạn sơ tuyển.

 Kết quả là có 7 nhà thầu nộp hồ sơ quan tâm cụ thể như sau: Nhà thầu ABB Switzerland Ltd (Thụy Sỹ); Nhà thầu liên danh JGC – TECHNIP (Nhật-Pháp); Nhà thầu MACMAHON CONTRUCTION (Úc); Nhà thầu MCC Overseas Ltd (Úc); 3 Nhà thầu Trung Quốc: Nhà thầu liên danh NFC-CNTIC, Nhà thầu CHALIECO, Nhà thầu liên danh giữa Tập đoàn Luyện kim Vân Nam(CYMG) và một số thành viên khác. Các nhà thầu tham gia có quốc tịch khác nhau như Thụy Sỹ, Nhật, Pháp, Úc và Trung Quốc.

 Sau quá trình xét sơ tuyển thì có 3 nhà thầu vượt qua bước sơ tuyển là Nhà thầu Chalieco, Nhà thầu liên danh NFC-CNTIC, Nhà thầu liên danh giữa CYMG và một số thành viên khác. Qua đấu thầu giai đoạn 2, nhà thầu Chalieco (Trung Quốc) thắng thầu và được mời vào đàm phán thương thảo hoàn thiện hợp đồng EPC.

Trong Hồ sơ mời thầu của dự án Tân Rai, công suất yêu cầu của Nhà máy Alumina là 600.000 tấn Alumina/năm. Theo Vinacomin, trong quá trình đấu thầu, nhà thầu Chalieo Trung Quốc đã chào với công suất thiết kế 600.000 tấn Alumina/năm, theo đúng yêu cầu của Hồ sơ mời thầu. Trong quá trình đàm phán thương thảo Hợp đồng EPC, hai bên đã thống nhất công suất thiết kế là 650.000 tấn Alumina/năm và công suất bảo đảm vận hành là 630.000 tấn Alumina/năm.

Năm 2014, sau một năm vận hành, Nhà máy Alumina đã sản xuất được 485.000 tấn Alumina, đạt 75% công suất thiết kế và bằng 77% công suất bảo đảm vận hành. Năm 2015 Vinacomin giao kế hoạch sản xuất cho Công ty Nhôm Lâm Đồng là 540.000 tấn Alumina, bằng 83% công suất thiết kế, Công ty đang phấn đấu để đạt sản lượng cao hơn kế hoạch giao. Dự kiến năm 2016 Nhà máy sẽ đạt công suất thiết kế.

 Tập đoàn cho rằng, nhiều Nhà máy Alumina trên thế giới, sau khi đạt công suất thiết kế, đã tiếp tục cải tiến, hoàn thiện quy trình công nghệ, mỗi năm nâng thêm được sản lượng từ 3-5% so với công suất thiết kế. Bằng cách này, sản lượng Alumina có thể tăng tới 20- 30% so với công suất thiết kế (chưa tính đầu tư mở rộng Nhà máy).

 Vinacomin khẳng định, Trung Quốc với sản lượng Alumina sản xuất hàng năm lớn nhất thế giới (gần một nửa sản lượng của thế giới), Alumina được sản xuất bằng cả hai loại quặng: Quặng bauxite Diaspro khai thác trong nước và quặng Gipsit nhập khẩu từ các nước Indonexia, Úc... Do vậy Trung Quốc có đầy đủ các công nghệ sản xuất Alumina: Bayer Châu Mỹ, Bayer Châu Âu, Thiêu kết.

 Trong điều kiện Việt Nam chưa bao giờ làm Alumina, do đó, để có thể tiến hành đấu thầu rộng rãi quốc tế, thì việc điều chỉnh từ công nghệ hạn hẹp của Pechiney (Pháp) sang công nghệ Bayer Châu Mỹ đang được sử dụng phổ biến trên thế giới là rất cần thiết.

 Vì vậy Vinacomin đã lập thủ tục và phê duyệt điều chỉnh Dự án tổ hợp bauxite-nhôm Lâm Đồng theo hướng sử dụng công nghệ hòa tách theo công nghệ Bayer Châu Mỹ. Những nội dung này Tập đoàn đã báo cáo Bộ Công Thương, Chính phủ, Quốc hội. 

Doanh thu dự án thí điểm ước 3.500 tỷ đồng năm 2014

 Tại văn bản này, Vinacomin cho rằng, cũng như đối với nhiều dự án công nghiệp lớn, trong giai đoạn đầu thường bị lỗ vài năm (có thể gọi là lỗ kế hoạch – lỗ đã được tính trong dự án) do ban đầu chưa phát huy công suất, chi phí chuẩn bị sản xuất, chi phí vốn (lãi vay), khấu hao thiết bị giai đoạn đầu còn cao.

Đối với dự án Tân Rai, hiện tại đang thực hiện ở giai đoạn lỗ kế hoạch như dự án đã tính toán, còn cả đời dự án sẽ đảm bảo hiệu quả kinh tế với thời gian lỗ kế hoạch là 4 năm và thời gian thu hồi vốn là 11,5 năm; dự án Nhân Cơ đang tiến hành xây lắp. Tập đoàn cho rằng, việc một số người lấy việc dự án sẽ lỗ trong giai đoạn đầu để đánh giá hiệu quả kinh tế cho cả đời của dự án là không đúng bản chất.

Theo khẳng định của Vinacomin, cả hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ đều có hiệu quả kinh tế, hoàn trả được vốn vay, đóng góp cho Ngân sách. Dự án Tân Rai lỗ kế hoạch 4 năm đầu, do phải trả nợ các khoản vay đến hạn và thời gian đầu dự án chưa đạt công suất thiết kế. Dự án Nhân Cơ lỗ 5 năm đầu, do cung độ vận tải sản phẩm Alumina xuống cảng biển xa hơn và hạ tầng khó khăn hơn. Chính vì vậy, việc năm 2015 và một vài năm tiếp theo, các khoản lỗ mang tính chất lỗ kế hoạch theo dự kiến là chuyện bình thường.

 Năm 2013, Công ty Nhôm Lâm Đồng-TKV sản xuất được 208.000 tấn Alumina. Năm 2014 sản xuất được 485.000 tấn Alumina, đạt 75 % công suất thiết kế.

Phần lớn sản phẩm Alumina của Nhà máy được xuất khẩu, hiện Vinacomin đã ký hợp đồng bán Alumina với 11 khách hàng từ các nước Thuỵ Sỹ, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông… Sản lượng Alumina xuất khẩu trong năm 2014 là 490.000 tấn, đem lại nguồn thu ngoại tệ xấp xỉ 160 triệu USD. Giá bán Alumina đầu năm 2014 ở mức 300-310USD/tấn, cuối năm ở mức 350-360 USD/tấn, bình quân cả năm 2014 đạt: 326,5 USD/tấn, cao hơn so với tính toán của dự án cho năm 2014 là 325 USD/tấn. “Sản phẩm Alumina do Nhà máy sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, không có hàng tồn kho” – phía Vinacomin cho hay.

 Cũng theo báo cáo của Tập đoàn, dự án thí điểm bước đầu đã có kết quả tích cực, doanh thu của Dự án năm 2014 ước đạt 3.500 tỷ đồng; nộp ngân sách địa phương 211 tỷ đồng (luỹ kế đến hết 2014 đã nộp ngân sách địa phương 338 tỷ đồng). Vincomin đã và đang thực hiện đúng các cam kết với địa phương, như đào tạo nghề và tuyển dụng trực tiếp trên 1.200 công nhân công nghiệp (lao động địa phương), tạo việc làm ổn định cho khoảng 12.000 lao động liên quan, nâng cao đời sống người dân khu vực Dự án, đóng góp đáng kể cho GDP của tỉnh Lâm Đồng.

 Hơn 1.450 lao động của Công ty nhôm Lâm Đồng có việc làm ổn định và thu nhập bình quân 6,6 triệu đồng/người/tháng (năm 2015 dự kiến 7,4 triệu đồng/người/tháng). Công ty đã thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống và điều kiện sinh hoạt đi lại, nhà ở, ăn công nghiệp… cho cán bộ công nhân.

 Dự án Nhà máy sản xuất Alumina Nhân Cơ hiện đã hoàn thành trên 90% khối lượng công việc đầu tư xây dựng. Tổng giá trị thực hiện đầu tư xây dựng lũy kế từ khi khởi công đến cuối tháng 3/2015 ước khoảng 13.782,8 tỷ đồng. Dự kiến cuối năm 2015 dự án sẽ hoàn thành công tác đầy tư, đi vào vận hành có sản phẩm Alumina.

 Từ ngày 1/10/2013, Dự án Tân Rai đã hòan thành công tác đầu tư xây dựng, chạy thử và đi vào vận hành thương mại. Vinacomin đã giao Công ty Nhôm Lâm Đồng-TKV quản lý vận hành toàn bộ Dự án. Nhà thầu EPC Chalieo Trung Quốc đã bàn giao hạng mục Nhà máy Alumina cho Vincomin và đã rút hầu hết nhân lực về nước, chỉ để lại bộ phận nhỏ làm công tác nghiệm thu, thanh toán và bảo hành.

Theo Dân trí