Đề xuất tài xế “say xỉn” bị thu xe, có vi phạm Hiến pháp?

Nhiều luật sư cho rằng đề xuất tịch thu phương tiện khi vi phạm an toàn giao thông là vi phạm quyền bảo hộ tài sản của công dân trong Hiến pháp.TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp cho rằng đề xuất không phù hợp với pháp luật hiện hành.
Ông Khuất Việt Hùng
Ông Khuất Việt Hùng

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vừa có văn bản đề xuất nâng mức xử phạt đối với hành vi xe chở quá tải, lái xe say rượu, đi xe máy, xe thô sơ... trên đường cao tốc với mức phạt cao nhất là tịch thu phương tiện.

Sau khi đề xuất trên đưa ra, nhiều ý kiến cho rằng đây là ý tưởng tốt để giảm thiểu tai nạn giao thông song chưa tính đến quyền sở hữu tài sản của người dân.

Thậm chí, nhiều luật sư cho rằng đề xuất tịch thu phương tiện nói trên đã vi phạm quyền bảo hộ tài sản của công dân trong Hiến pháp 2013.

Nói về vấn đề này tại tọa đàm tối 5/3Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc  gia Khuất Việt Hùng khẳng định, trong quá trình xây dựng đề xuất đã nghiên cứu kỹ cơ sở pháp lý.

“Quy định về vấn đề sở hữu tài sản trong Hiến pháp rất rõ, nhưng trong điều 26 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 có quy định rõ về việc Tịch thu phương tiện của những người cố tình vi phạm những hành vi uy hiếp an toàn xã hội cao”, ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, trong Luật xử phạt vi phạm hành chính cũng quy định rất rõ thẩm quyền khi triển khai vấn đề tịch thu phương tiện như thế nào. Như vậy, chúng ta đã có cơ sở pháp lý để thực hiện việc này.

Trong khi đó, theo TS. Tô Văn Hòa -  Trưởng khoa Khoa Luật Hành chính, Đại học Luật Hà Nội cho rằng: Xét về góc độ pháp lý, cần phân biệt rõ một bên là giá trị cao của tài sản có thể bị tịch thu, một bên là quyền tài sản đó được bảo hộ tới đâu trong pháp luật.

Khi đưa ra vấn đề này, theo ông Hòa, có lẽ yếu tố giá trị tài sản không được cân nhắc ở đây.

“Đúng là trong Hiến pháp sửa đổi năm 2013, việc bảo hộ tài sản cá nhân, của nhà dầu tư, doanh nghiệp rất được đề cao, nhưng điều đó không có nghĩa là loại trừ khả năng pháp luật có những biện pháp chế tài liên quan đến tịch thu tài sản đối với các tài sản vi phạm mà không kể tới giá trị của nó thế nào”, ông Hòa nói.

Ông Khuất Việt Hùng cũng nhấn mạnh thêm: Trong Luật xử phạt vi phạm hành chính đã quy định chế tài này rồi, nên không nhất thiết cứ phải gây án mới tịch thu phương tiện.

“Về mặt thẩm quyền, tổng cục trưởng Tổng Cục đường bộ hay chủ tịch UBND tỉnh, Cục trưởng Cục CSGT đủ thẩm quyền để tịch thu phương tiện gây ra hành vi uy hiếp an toàn xã hội đến mức chúng ta quy định phải tịch thu phương tiện”, ông Hùng nói.

* Trao đổi với phóng viên Dân trí, TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp lo ngại, nếu kiến nghị tịch thu phương tiện khi trong máu hoặc khí thở của người điều khiển có nồng độ cồn trên 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1ml khí thở được thông qua, sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp cho xã hội.

Trước tình hình trật tự an toàn giao thông diễn biến phức tạp, đặc biệt là số người tử vong dịp Tết vừa qua tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia vừa đề xuất Chính phủ cho phép tịch thu phương tiện đối với tài xế “nặng” hơi men. Theo ông biện pháp này có quá “nặng tay” với người tham gia giao thông?

Để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, ngăn chặn tai nạn giao thông thì xử nặng người uống quá chén là cần thiết. Tuy nhiên, liên quan đến việc tịch thu phương tiện, cụ thể ở đây là ô tô thì phải nghiên cứu cho kỹ. Thực tế, tịch thu tài sản hợp pháp của người dân không đơn giản như vậy.

Theo TS Đinh Xuân Thảo, không đơn giản để tịch thu ô tô hợp pháp của người dân
Theo TS Đinh Xuân Thảo, không đơn giản để tịch thu ô tô hợp pháp của người dân

Ngay cả Hiến pháp và Luật Dân sự quy định rõ ràng về quyền sở hữu tài sản của công dân, theo đó không ai có quyền tước đoạt tài sản của người khác. Vậy, theo ông đề xuất tịch thu phương tiện của tài xế say xỉn có được cho là vi hiến hay không?

Trước tiên phải phân biệt rõ loại tài sản nào, sử dụng vào việc gì. Nếu như cái xe dùng để gây án thì là chuyện khác, nó còn nghiêm trọng hơn cả việc tịch thu phương tiện. Nghĩa là không chỉ tịch thu xe mà người dùng nó còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Còn ô tô, xe máy được mua từ thu nhập hợp pháp của người dân, có đăng ký đàng hoàng, được Nhà nước bảo hộ thì không thể tùy tiện tịch thu được. Do vậy, rõ ràng đề xuất như vậy là không phù hợp với pháp luật hiện hành.

Ô tô, xe máy không chỉ là phương tiện lưu thông trên đường mà còn là “cần câu cơm”, tài sản lớn của người dân. Ông có lo ngại nhiều hệ lụy sẽ phát sinh nếu xe của dân bị tịch thu?

Phương tiện sở hữu hợp pháp của người dân là khối tài sản lớn, do vậy không thể nghĩ đơn giản là người điều khiển vi phạm nồng độ cồn sẽ bị tịch thu, đấu giá đưa tiền vào công quỹ được. Ngay cả việc xe bị tịch thu đưa vào kho bãi dẫn đến hỏng hóc, xuống cấp thì thế nào, ai chịu trách nhiệm? Nói tóm lại thì tịch thu tài sản của người dân sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp khác. Còn việc tịch thu, liên quan đến luật pháp thì Quốc hội phải làm, phải bàn chứ không chỉ một vài văn bản hướng dẫn mà áp dụng ngay được.

Thực tế nhiều người điều khiển ô tô, xe máy nhưng không chính chủ (mượn, thuê) uống rượu bia quá chén. Nếu phương tiện đó bị thu hồi thì sao?

Không phải trường hợp nào đi xe cũng chính chủ và pháp luật cũng không cấm người này cho người kia mượn xe. Đây cũng là quyền dân sự bình thường của người dân, do vậy tịch thu tài sản không phải của người điều khiển phương tiện là không được.

Trường hợp này anh chỉ có thể phạt nặng người điều khiển phương tiện, thậm chí bỏ tù người vi phạm. Điều đó có nghĩa là ai vi phạm thì trừng phạt người đó, như thế mới công bằng, đúng pháp luật.

Có thể người đề xuất quy định này nghĩ đơn giản tịch thu phương tiện để buộc người vi phạm luật giao thông phải đền cho chủ xe. Theo tôi, nghĩ như vậy cũng không được vì cơ quan chức năng chỉ có thể xử lý người trực tiếp vi phạm chứ không thể tịch thu tài sản của người khác. Trong trường hợp người vi phạm không đủ điều kiện đề bồi thường, đến bù cho chủ xe thì sao?

Xin cảm ơn ông!

Theo Bizlive/Dân trí