Trả lời phỏng vấn với Bloomberg, ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết Việt Nam sẽ nới lỏng các quy định, mở rộng đối tượng được tham gia bảo hiểm tự nguyện và hỗ trợ một phần trong khoản đóng góp của người lao động. Mục tiêu là nhằm củng cố hệ thống quỹ hưu trí tự nguyện, đồng thời khuyến khích nhiều người lao động tham gia hơn để giảm bớt gánh nặng cho quỹ BHXH.
“Chúng tôi muốn khuyến khích mọi người tham gia nhiều hơn, từ người bán hàng rong cho đến người nông dân đều có thể có khoản tiết kiệm tốt hơn khi về già” – ông Lợi cho biết bên lề Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân 2015. Dự thảo về những thay đổi trong quỹ hưu trí tự nguyện sẽ được trình Thủ tướng vào cuối năm nay.
Việt Nam đang nỗ lực củng cố lại hệ thống quỹ lương hưu trong bối cảnh Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cảnh báo, quỹ này có thể sẽ thâm hụt từ năm 2021 và đối mặt nguy cơ đổ vỡ vào 2034.
Hồi đầu tháng này, hàng chục nghìn người lao động đã tổ chức đình công để phản đối quy định mới về việc ngừng thanh toán bảo hiểm xã hội 1 lần sau khi nghỉ việc.
Sau sự kiện này, Chính phủ Việt Nam cho biết sẽ trình Quốc hội thông qua việc điều chỉnh quy định trên trong Luật mới ban hành. Những thay đổi đối với quỹ lương hưu tự nguyện (có hiệu lực vào 1/1/2018) sẽ hạ mức yêu cầu về thu nhập tối thiểu để cho phép thêm nhiều người lao động tham gia, đồng thời chính phủ cũng sẽ hỗ trợ, đóng góp từ 10%-30% số tiền người lao động phải đóng - ông Lợi cho biết.
Khi đưa ra các quy định để thu hút người tham gia bảo hiểm tự nguyện, chính phủ Việt Nam đang nhắm tới khoảng 37 triệu lao động trong khu vực phi chính thức - tương đương 2/3 lực lượng lao động cả nước. Những ý kiến trước đây về việc chính phủ tham gia hỗ trợ đóng góp với người lao động đã được gác lại do lo ngại thâm hụt ngân sách.
Theo đánh giá của ông Alan Phạm – chuyên gia kinh tế trưởng của Tập đoàn VinaCapital, việc bắt đầu với tỉ lệ đóng góp từ 10-30% vẫn là tham vọng.
Vị này đưa ra khuyến nghị, tỉ lệ đóng góp khởi điểm chỉ nên từ 3-5% và dần dần nới mức đóng góp này lên, song song với tính minh bạch trong quản lý quỹ nhằm khiến người người lao động trở nên tự tin hơn.
Theo thống kê của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tính đến năm 2010, các chương trình hưu trí bắt buộc đã có sự tham gia của 9,3 triệu người Việt Nam, chiếm 20% lực lượng lao động. Trong khi đó, hệ thống bảo hiểm tự nguyện mới chỉ thu hút được 62.000 người tham gia.
Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất đối mặt với khủng hoảng quỹ lương hưu. Nhiều quốc gia châu Á khác cũng tồn tại tình trạng tương tự.
Chẳng hạn, Hàn Quốc cũng đã yêu cầu doanh nghiệp nước này đệ trình kế hoạch chi trả lương hưu cho người lao động, sau khi nước này nhận thấy nguy cơ đổ vỡ quỹ hưu trí năm 2060 khi dân số độ tuổi sau 65 tăng lên gấp 3.
Hay như Chính phủ Singapore cũng đã bắt buộc các công ty nước này phải tăng thêm 3 năm làm việc cho những người đến độ tuổi 62, độ tuổi nghỉ hưu chính thức ở nước này, và kế hoạch tăng lên 5 năm vào năm 2017.
Trong khi đó, những nỗ lực nhằm tăng tuổi hưu trí của Việt Nam trong vòng hai năm trước đã không được Quốc hội thông qua.
Theo Bloomber/Dân trí