* Vì sao ông lại đề nghị việc này, thực tế trong lịch sử hoạt động, Quốc hội chưa từng thành lập ủy ban lâm thời về bất cứ việc gì?
- Vậy thì phải đặt lại câu hỏi là vì sao luật cho phép Quốc hội lập ủy ban lâm thời để xem xét về các vụ việc nổi cộm mà chúng ta chưa bao giờ làm? Tôi cho rằng khi có sự việc nghiêm trọng thì phải làm.
Tôi ủng hộ quan điểm nên thành lập Ủy ban lâm thời xem xét, điều tra các vấn đề môi trường nổi cộm. Trước mắt là tập trung vào trường hợp Formosa. Sau đó là các dự án tương tự.
Vấn đề Formosa không chỉ là chuyện hôm nay mà của cả 70 năm tới. Dự án 70 năm nhưng ngay trong giai đoạn đầu đã thấy xuất hiện nhiều vi phạm, thể hiện sự coi thường luật pháp Việt Nam, coi thường quyền lợi của người dân Việt Nam.
* Từ câu chuyện Formosa, phải chăng công tác giám sát hoạt động của Quốc hội với các cơ quan hành pháp phải được chú trọng hơn?
- Đúng là việc giám sát của Quốc hội đối với các cơ quan hành pháp cần phải nỗ lực hơn, sâu sát hơn và kiên quyết hơn. Nhiệm kỳ này phải rút kinh nghiệm nhiệm kỳ trước về việc này.
Trong Quốc hội, chúng ta còn có hiện tượng cả nể. Do đó các ủy ban phải làm đúng vai trò của mình hơn. Các đại biểu Quốc hội khi đã là đại biểu dân cử rồi thì phải đặt trách nhiệm dân cử lên cao hơn và tránh tình trạng nể nang.
Chính tình trạng nể nang này làm cho việc giám sát không đến nơi đến chốn. Khi cần làm thì không làm.
Với những hành vi như đã được phanh phui trên công luận, có thể thấy công tác hành pháp đã sơ hở. Có lúc tôi có cảm giác như cơ quan quản lý nhà nước đã bất lực trước những sai phạm đó, kể cả ở cấp trung ương và cấp địa phương.
* Khi sự việc vỡ lỡ ra, hay có câu “đã làm đúng theo quy trình”. Vậy theo ông có phải xem lại quy trình?
- Sau đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 việc chấn chỉnh công tác cán bộ được tiến hành mạnh mẽ. Nổi lên một điều là phải xem lại cái gọi là quy trình, bởi vì quy trình do con người đặt ra do con người xây dựng nên và do con người thông qua.
Nhưng tôi cho rằng nếu là con người mà lại là con người tốt, con người có trách nhiệm cao thì dù quy trình chưa chặt chẽ thì người ta cũng sẽ bổ túc bổ sung, đề nghị hoàn thiện. Còn nếu con người không tốt thì dù quy trình chặt chẽ người ta vẫn tìm cách để lách, bỏ qua.
Đã đến lúc phải rà lại tất cả các quy trình để xem có đủ sức để gạn lọc ngăn cản được những tiêu cực của những người có trách nhiệm xây dựng cũng như là phê chuẩn những quy trình hay không.
Nếu như quy trình chưa hoàn thiện thì chúng ta bổ sung bổ túc bằng luật pháp, bằng những quy định của Chính phủ, của Đảng. Còn nếu quy trình chặt chẽ rồi thì phải xem lại công tác cán bộ. ví dụ người đó được giao gác cổng thì đêm anh lại mở cổng cho trộm vào.
Đó là vấn đề con người chứ không phải là quy trình nữa. Phải xử lý cả hai khâu con người, và quy trình mới giải quyết được.