Đe dọa tính mạng nhà báo sẽ phải chịu hình phạt như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho nhà báo, phóng viên trong quá trình tác nghiệp, các hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí sẽ bị xử phạt tùy theo mức độ vi phạm.
Mọi hành vi cản trở trái phép hoạt động báo chí đều bị xử phạt.
Mọi hành vi cản trở trái phép hoạt động báo chí đều bị xử phạt.

Đây là nội dung trong Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản. Theo đó, các hành vi trái pháp luật gây ảnh hưởng đến quá trình hoạt động báo chí sẽ bị xử phạt hành chính, nghiêm trọng hơn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Các cá nhân mạo danh nhà báo, phóng viên để hoạt động báo chí, lợi dụng tư cách nhà báo can thiệp, cản trở hoạt động đúng pháp luật của tổ chức, cá nhân hoặc sử dụng thẻ nhà báo đã bị sửa chữa để hoạt động sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng. Các trường hợp lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên để trục lợi bất chính sẽ bị phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng.

Đối với các hành vi cản trở trái phép hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên, mức phạt được quy định từ 10 – 60 triệu đồng tùy theo mức độ.

Cụ thể, các trường hợp cản trở hoạt động báo chí thông thường sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng. nếu có hành động thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng.

Mức phạt 30 - 40 triệu đồng sẽ áp dụng đối với một trong các hành vi như xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp hoặc hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên.

Đối với người có lời nói, hành động đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 40 - 60 triệu đồng.

Đồng thời, cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ phải công khai xin lỗi nhà báo, phóng viên cũng như hoàn trả toàn bộ phương tiện, tài liệu thu giữ trái phép trong các trường hợp nêu trên.