ĐBQH nêu bài học nhãn tiền về Hoàng Sa để nhắc nhở tình hình Biển Đông

“Chúng ta đã có bài học nhãn tiền, năm 1974 mất Hoàng Sa vì nhiều lý do, trong đó theo tôi có lý do “tin bạn mất bò”…” - đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Vũ Công Tiến nói.
ĐBQH Vũ Công Tiến nhắc lại bài học nhãn tiền về Hoàng Sa để nêu lên lo lắng trước vấn đề Biển Đông.
ĐBQH Vũ Công Tiến nhắc lại bài học nhãn tiền về Hoàng Sa để nêu lên lo lắng trước vấn đề Biển Đông.

Sáng 1/4, tại phiên thảo luận ở hội trường về tình hình phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2011-2015), ĐBQH Vũ Công Tiến (Lâm Đồng) nêu quan điểm trước việc Trung Quốc lại đưa giàn khoan vào Biển Đông sau một thời gian im ắng.

Chia sẻ với ông Vũ Công Tiến, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cũng bày tỏ sự quan ngại về tình hình chủ quyền biển đảo đang bị đe doạ.

Trong khi đó đề cập tới vấn đề an ninh quốc phòng, ĐBQH Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên Huế) bày tỏ, trong 5 năm qua (2011 - 2015) dù còn nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước đã có quan tâm, đầu tư các trang bị chiến lược, xây dựng lực lượng vũ trang đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc.

Ông Nghĩa cũng đề nghị 5 năm tới Chính phủ cần quan tâm, tăng cường xây dựng thế trận Quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, cụ thể: Tập trung xây dựng thế trận các tỉnh thành, trong đó ưu tiên xây dựng thế trận phòng thủ các tỉnh biên giới, ven biển kể cả về nhân lực, vật lực; Tập trung nguồn lực xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển, tăng cường phòng thủ biển đảo;

Về tổ chức lực lượng trên biển, cần xây dựng các nghiệp đoàn có tàu lớn, lấy dân quân biển, dự bị động viên làm nòng cốt và cùng với các lực lượng xây dựng các thế trận liên hoàn biển đảo để bảo vệ vững chắc trên biển;

Tăng cường trang bị cho các đồn biên phòng ven biển, nhất là các loại tàu ở vùng khơi, vùng gần bờ; 

Thể chế hóa hơn nữa để tăng cường quản lý Nhà nước về quốc phòng, nhất là quốc phòng, nhất là quốc phòng kết hợp với làm kinh tế.

“Cần phòng chống diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, không để xảy ra khủng bố”- ĐBQH Đặng Ngọc Nghĩa lưu ý.

Theo ông Nghĩa, đi cùng với các vấn đề trên là phát động toàn dân, trong đó, lực lượng công an là nòng cốt để bảo đảm tốt hơn, lập lại trật tự an toàn xã hội, giảm thiểu tội phạm ở các thành phố lớn.

Tình hình Biển Đông đang khiến các ĐBQH quan ngại khi mới đây Cục Hải sự Trung Quốc ra thông báo cho biết giàn khoan Hải Dương-943 của nước này sẽ hoạt động tại giếng LD 11-1-1, ở vị trí có tọa độ 17°47’28,8’’ vĩ bắc/108°46’00’’ kinh Đông, từ 25.3 - 31.7. Đây là một động thái cần theo dõi và phân tích.

Theo thông báo này, giàn khoan cách TP. Tam Á ở đảo Hải Nam 50 hải lý về phía tây nam, vị trí giàn khoan này nằm trong khu vực chồng lấn chưa được phân định giữa Việt Nam và Trung Quốc ở ngoài cửa vịnh Bắc bộ.

Hải Dương-943 là giàn khoan tự nâng, có thể hoạt động ở độ sâu tối đa 122 m và có thể khoan sâu đến 10.668 m. Đây là chuyến tác nghiệp đầu tiên của giàn khoan này sau khi được chuyển giao cho Công ty cổ phần dịch vụ mỏ dầu Trung Hải (COSL) vào tháng 1.

Theo TS. Trần Công Trục, với cự ly khoảng cách của vị trí này thì có thể thấy đây là vị trí được Trung Quốc tính toán, lựa chọn khá kỹ để, một mặt, dễ bề áp đặt quan điểm có lợi cho mình trong khi hai bên đang tiến hành đàm phán phân định vùng biển chồng lấn ở cửa vịnh Bắc Bộ. Mặt khác, để giăng bẫy pháp lý nhằm giành sự mặc nhiên thừa nhận việc giải thích và áp dụng sai các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 khi đưa ra yêu sách phi lý trong việc xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa đối với quần đảo Hoàng Sa mà họ đánh chiếm của Việt Nam  từ năm 1974.

Theo Infonet