Một số nội dung liên quan Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 Luật: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án được đặt lên bàn nghị sự tại phiên họp hôm nay (10/1) của Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất.
Các đại biểu Quốc hội cho rằng việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 Luật nêu trên là cần thiết, điều này xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
“Việc xây dựng và ban hành Luật là hết sức cần thiết, sẽ đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn liên quan tới hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp; công tác bảo vệ an ninh mạng; thi hành án dân sự; thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư vào hệ thống truyền tải điện quốc gia; khuyến khích đầu tư sản xuất” - đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) bày tỏ.
Các đại biểu cũng nhấn mạnh yêu cầu, việc sửa đổi, bổ sung phải bám sát tinh thần sửa đổi những vấn đề cấp bách, đã rõ, được thực tế kiểm nghiệm, có sự đồng thuận cao để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn; tăng cường phân quyền đồng thời bảo đảm sự kiểm soát chặt chẽ nguồn lực của đất nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận toàn thể trực tuyến của Quốc hội |
Đề cập đến các nội dung cụ thể, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TP.HCM) đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần xây dựng quy định riêng về đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, qua đó góp phần thúc đẩy mua sắm các thiết bị y tế, tháo gỡ những khó khăn hiện nay về đấu thầu trang thiết bị y tế trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) chỉ ra thực tiễn công tác mua sắm, đấu thầu trong thời gian qua đã đặt ra yêu cầu phải sửa đổi bổ sung quy định của pháp luật đấu thầu để đáp ứng đòi hỏi cấp bách trong việc mua sắm phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh, cần tiếp tục cải tiến quy trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; đề nghị trong Luật đấu thầu nên có chương riêng dành cho lĩnh vực y tế; có quy định riêng cụ thể để việc mua sắm trang thiết bị, thuốc men, sinh phẩm được rõ ràng trong tình hình dịch bệnh.
Ngoài ra, theo đại biểu Trần Khánh Thu, điểm ưu việt trong dự thảo Luật sửa đổi lần này đó là việc phân cấp phân quyền cho các địa phương rõ ràng. Tuy nhiên cần nên có gắn thêm trách nhiệm cụ thể hơn. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm các quy định về hậu kiểm để đánh giá giám sát.
Đại biểu lấy ví dụ, như tại Luật Đấu thầu hiện hành chưa quy định đầy đủ về quy trình kiểm tra giám sát xử lý vi phạm đặc biệt là công tác kiểm tra kết quả thực hiện, kết quả thanh tra kiểm tra giám sát mà mới chỉ tập trung quy định về chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm của nhà thầu, chủ đầu tư, chưa có quy định cụ thể về chế tài xử lý vi phạm đối với bên mời thầu, chủ đầu tư, người có thẩm quyền…