ĐBQH đề xuất khối hành chính, giáo dục làm việc muộn hơn, nghỉ trưa ngắn hơn

VietTimes – Cho rằng đời sống công nghiệp như hiện nay, thời giờ làm việc ảnh hưởng nhiều đến yếu tố gia đình, ĐBQH đề xuất Chính phủ cho nghiên cứu đánh giá tính hiệu quả của việc thay đổi khung giờ làm việc đối với khối hành chính, dịch vụ công và khối giáo dục công lập ở các đô thị.
ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn ĐBQH Bình Định.
ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn ĐBQH Bình Định.

Phát biểu tại hội trường, ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) phân tích: “Nếu bắt đầu từ 8-9h thì chúng ta không phải bố trí làm việc lệch giờ để giải quyết vấn đề giao thông. Mọi người trong gia đình có đủ thời gian để đi học, đi làm cùng lúc mà không gây ùn tắc. Chưa kể, điều này còn giúp tiết kiệm thời gian và chi phí”.

Cùng với đó, theo ĐB Cảnh, hiệu quả của phương tiện giao thông công cộng cũng tăng lên đáng kể, do số lượng xe buýt sẽ tăng lên gấp rưỡi hoặc gấp đôi.

Cùng với đó, các nghiên cứu khuyến khích việc nghỉ trưa ngắn, khoảng 20 - 30 phút sẽ giúp hồi phục năng lượng, tỉnh táo, cải thiện trí nhớ, nâng cao hiệu quả làm việc.

Theo đó, “nếu thực hiện việc làm muộn, gia đình có đủ thời gian trong buổi sáng. Cha mẹ sẽ lo cho con cái ăn uống đầy đủ, có thời gian quan tâm đến tình hình học tập, vui chơi, sinh hoạt của con ở trường”, ĐB đoàn Bình Định nêu ý kiến.

Đề xuất làm cổng thông tin cho trẻ em

Bên cạnh đó, ĐB Nguyễn Văn Cảnh còn cho rằng hiện nay, do sự phát triển của mạng xã hội và các thông tin trên mạng, nhiều vấn đề liên quan đến trẻ em cũng là do xuống cấp của đạo đức, xã hội, thông tin thiếu kiểm soát. Do đó cần có một cổng thông tin với nội dung chọn lọc dành riêng cho trẻ em. Kênh thông này sẽ bổ sung kiến thức cho trẻ em vui chơi, học tập, rèn luyện kỹ năng sống, trau dồi đạo đức, hoàn thiện bản thân.

Ngoài ra, liên quan đến chăm sóc trẻ em, phát triển gia đình Việt, một số ĐB nhận định do nhu cầu công việc, cuộc sống bận rộn, trẻ em và người chưa thành niên bị xao nhãng ngay trong gia đình, không có cơ hội được sống chung với cha mẹ, hoặc phải sống trong gia đình có người thân vi phạm pháp luật.

Việc này đặt ra vấn đề cần bảo đảm quyền của trẻ em và người chưa thành niên từ trong gia đình.

Hiện nay, chưa có con số thống kê chính thức, nhưng thực trạng này tương đối phổ biến. Nhiều vị phụ huynh đi làm ăn xa, xuất khẩu lao động, làm công nhân, làm nghề tự do tại các thành phố lớn, làm thêm giờ, v.v., không có điều kiện chăm sóc con nên đã gửi con sống cùng với ông bà hoặc người giúp việc gia đình.

Do có sự cách biệt về tâm lý, quan điểm sống giữa các thế hệ và nhiều yếu tố khác đã tác động, ảnh hưởng xấu khiến một bộ phận trẻ em và người chưa thành niên không có cơ hội được chăm sóc, giáo dục và bảo vệ một cách tốt nhất.

Đây là một trong những nguyên nhân gia tăng số trẻ em tham gia tệ nạn xã hội, nghiện game và phát triển không lành mạnh hoặc không bình thường. Do đó, các ĐBQH đề nghị Chính phủ trong các chính sách về kinh tế và xã hội của Nhà nước ta năm 2020 và các năm tiếp theo cần dành đầu tư hơn cho phát triển nền tảng gia đình.