Tại hội thảo “Đà Nẵng-20 năm quy hoạch và phát triển đô thị”, do các Hội Quy hoạch phát triển đô thị, Kiến trúc sư, Xây dựng, KHKT Cầu đường Đà Nẵng đã phối hợp tổ chức, nhiều chuyên gia khuyến cáo Đà Nẵng cần cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng hơn nữa việc đầu tư 1.500 tỉ đồng hình thành hệ thống xe buýt nhanh BRT để tránh gây lãng phí. Nhất là Dự án đang được UBND TP Đà Nẵng chuẩn bị triển khai vài năm 2017 với vốn đầu tư lên đến 7,2 triệu USD từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB).
TS.KTS Nguyễn Thành Tiến, Phó trưởng Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng đánh giá cao việc Đà Nẵng đã tập trung đầu tư tương đối hoàn chỉnh hệ thống giao thông trục và giao thông vành đai. Tuy nhiên ở khu vực nội đô vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể. Và với mật độ đô thị như hiện tại thì việc Đà Nẵng tìm giải pháp tổ chức giao thông khu vực nội đô một cách căn cơ là khó thực hiện.
Và TS.KTS Nguyễn Thành Tiến cho rằng, việc lãnh đạo Đà Nẵng đưa ra quyết định đầu tư hệ thống xe buýt nhanh BRT vào năm 2017 khó có thể giải quyết triệt để vấn đề giao thông cho nội đô vì phương án báo cáo chưa đánh giá hết được khả năng chiếm dụng lòng đường hay một số vấn đề về kỹ thuật; Việc chia sẻ một phần diện tích đường cho hệ thống BRT cũng chưa được tính toán kỹ lưỡng. Vì vậy, việc triển khai giải pháp BRT trong giai đoạn này có nhiều vấn đề cần phải đánh giá lại.
Cũng theo ông Nguyễn Thành Tiến, đối với Đà Nẵng, khi đã đưa ra giải pháp vận tải công cộng thì cần phải hiện đại và hiệu quả chứ không thể làm theo kiểu “đầu tư quá độ” như ở một số nơi khác mà nếu không tính toán kỹ sẽ trở nên lãng phí. Đồng thời cảnh báo Đà Nẵng không nên chạy theo Hà Nội, TP.HCM và cũng bỏ ra 1.500 tỉ như thế để đầu tư hệ thống BRT với tuổi thọ rất ngắn thì liệu có hiệu quả? Và đánh giá lại cũng như tìm ra giải pháp vận tải công công hiệu quả nhất.
Đồng quan điểm với TS.KTS Nguyễn Thành Tiến, ông Trần Dân, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Đà Nẵng cho rằng, với quy mô TP 1 triệu dân thì xe buýt nhanh là tốt và cần phải có. Tuy nhiên, cần phải có làn đường riêng, nếu chạy chung với đường dân sinh dành cho ô tô, xe máy... là bất hợp lý vì xe buýt nhanh có kích thước to, dài và cần nhiều điểm trạm. "Để hình thành xe buýt nhanh, Đà Nẵng cần phải có làn đường riêng thì mới phát huy được hiệu quả. Vì vậy Đà Nẵng cần xem xét lại trước khi đổ tiền vào làm để tránh gây lãng phí", ông Trần Dân nói.
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến chuyên gia cũng khuyến cáo Đà Nẵng cần cân nhắc quyết định đầu tư hệ thống BRT vì những vấn đề đặt ra đối với loại hình giao thông này và tránh đầu tư lãng phí.