Tuổi của kẻ thủ ác tăng cao, tuổi của nạn nhân nhỏ lại
Nhà báo Hòa Bình: - Tạp chí điện tử VietTimes xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới luật sư Trần Thị Ngọc Nữ và bác sĩ Nguyễn Lan Hải đã đến tham dự buổi tọa đàm về nạn xâm hại tình dục trẻ em đang diễn ra nóng bỏng.
Rất nhiều vụ việc dâm ô và xâm hại tình dục đang diễn ra tràn lan, mà gần nhất là vụ ông Nguyễn Hữu Linh sẽ được đưa ra xét xử tại Tòa án Nhân dân quận 4 với tội danh dâm ô với người dưới 16 tuổi, hay em bé 3 tuổi nghi bị xâm hại tình dục ở huyện Nhà Bè, rồi mới nhất là bệnh nhân 13 tuổi đi khám bệnh ở Sơn La, nghị bị bác sĩ chụp X quang cưỡng bức và còn rất nhiều vụ xâm hại tình dục ở trẻ em đang diễn ra ở các quận Tân Bình, Củ Chi, Nhà Bè, Thủ Đức... Chúng ta đã có rất nhiều cơ quan bảo vệ trẻ em, vậy tại sao nạn xâm hại tình dục vẫn diễn ra mạnh mẽ khắp nơi, thưa luật sư Trần Thị Ngọc Nữ và bác sĩ Nguyễn Lan Hải?
LS Trần Thị Ngọc Nữ: - Năm 2019 là năm phát động chương trình an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Với tư cách là Chi hội trưởng Chi hội luật sư (Hội bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM), đúng là tôi thấy rất đau lòng. Chúng ta có bộ Luật trẻ em 2016 đã có hiệu lực từ ngày 1/6/2017, trẻ em được hưởng 25 quyền và 5 bổn phận. Quyền sống còn tức là sống trong một môi trường an toàn, nhưng hiện tình trạng xâm hại ở trẻ em lại nổi cộm lên ở TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành.
Vấn đề là không chỉ người lạ mà chính người thân, hàng xóm thân quen lại chính là đối tượng xâm hại các em. Đây là một vấn đề rất cần cảnh báo tới công chúng. Cần tìm ra nguyên nhân gốc rễ, chứ không phải mỗi khi có em bị xâm hại chúng mới lại ngăn chặn. Đề nghị việc xử lý phải mạnh, đủ sức răn đe.
Gần đây nhất, vụ dâm ô trong thang máy được Tòa án nhân dân quận 4 thụ lý và chuẩn bị đưa ra xét xử. Đây là một tín hiệu đáng mừng vì đã bảo vệ trẻ em và xử lý thích đáng những người xâm hại trẻ em.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (giữa ảnh) đề nghị cần xử lý mạnh các vụ xâm hại tình dục trẻ em
|
BS Nguyễn Lan Hải: - Đáng buồn là những vụ xâm hại trẻ em càng ngày càng tăng lên về số lượng, và còn buồn hơn là tuổi của đối tượng càng ngày càng cao, tuổi của nạn nhân càng ngày càng nhỏ, chứ không phải thu hẹp ở những em bé tuổi dậy thì, hay những phụ nữ yếu thế, những người ít học.
Theo báo cáo của ủa Bộ Công an tại hội nghị lần đầu tiên về xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam, chỉ riêng năm 2018 đã có hơn 1.700 vụ xâm hại trẻ em, với số lượng lớn vụ xâm hại tình dục trẻ em như thế, thì có bao nhiêu vụ đã được lôi ra ánh sáng và thủ phạm đã nhận hình phạt răn đe đúng mức?
Ở góc độ chuyên môn của mình, tôi thấy có tín hiệu đáng mừng là các phụ huynh, những nhà làm luật và các thầy cô giáo, cộng đồng xã hội gần đây đều rất quan tâm đến vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em. Nhất là cộng đồng mạng sẵn sàng đấu tranh. Nhưng tôi cũng nhìn thấy khía cạnh tiêu cực. Phải chăng luật pháp còn chậm trễ, hoặc có những lỗ hổng cho nên cộng đồng mới phải lên tiếng mạnh mẽ để đòi công lý?
Bác sĩ Nguyễn Lan Hải nhấn mạnh vào độ tuổi của kẻ thủ ác tăng cao trong khi độ tuổi nạn nhân càng lúc càng giảm
|
Nhà báo Hòa Bình: - Trong trường hợp của ông Nguyễn Hữu Linh, cộng đồng có vẻ quá khích và đã có nhiều hành vi diễn ra: đến tận cổng nhà ông Linh sơn xịt chất bẩn, sơn hình của ông lên nhiều xe ô tô, căng băng rôn khẩu hiệu, đứng ngay ngã tư đường phố treo biển: “Ấu dâm là tội ác”, “Thành phố đáng sống phải không có ấu dâm”… Nhưng có phải chăng ở trong những hành vi quá khích này, đã thể hiện lên nguyện vọng, bức xúc, ức chế của xã hội về hành vi ấu dâm, xâm hại tình dục trẻ em?
Trong đó có những trường hợp đánh vào sự thương cảm rất lớn của cộng đồng như vụ em bé 3 tuổi ở Nhà Bè nghi bị xâm hại. Bất cứ người thân nào cũng rất đau lòng khi phải đọc bản kết quả giám định pháp y của cơ quan Công an trả về. Và còn đau lòng hơn khi kết quả đó thể hiện lên là “có tế bào nam tại các vùng nhạy cảm nhưng không đủ để đối chiếu với đối tượng nam” khiến vụ án đi vào ngõ cụt. Em bé 3 tuổi này có rất nhiều biểu hiện bất thường, đó có phải là dấu hiệu của xâm hại tình dục, thưa bác sĩ Lan Hải?
BS Nguyễn Lan Hải: - Biểu hiện của nạn nhân nghi bị xâm hại tình dục cũng có thể bộc phát ngay sau khi xảy ra, nhưng nhiều trường hợp diễn biến âm thầm, qua một thời gian sau thì mới quan sát thấy được, đó là xâm hại thứ phát. Riêng em bé 3 tuổi ở Nhà Bè thì có những biểu hiện rất rõ như: bé sợ hãi, khóc lóc, từ chối tiếp xúc ngay cả với luật sư là nam giới, đặc biệt sợ các ông già, có những biểu hiện bạo lực, với người thân và cả sự nổi loạn, tự làm đau chính mình… Tất cả những biểu hiện của tâm lý không ổn định đó, thật đau lòng là đều cho thấy em bé này đang bị sang chấn tâm lý.
Tuy nhiên, lời khai của một em bé còn ở tuổi chưa đi mẫu giáo thì cũng có nhiều điều rất mơ hồ, khiến cho vụ án trở nên bế tắc, khiến cho chúng ta hoang mang, bối rối, trong việc nhận định đối tượng xâm hại, mặc dù vụ việc đã được xử lý rất đúng quy trình.
Tiếc thay, có thể do quá thương con, do sơ suất không biết con có biểu hiện bị xâm hại nên chính gia đình đã tắm rửa, vệ sinh rất kỹ cho cháu bé, xóa mờ đi những dấu vết đáng ra sẽ còn lưu lại trong vòng 24h.
Xâm hại không chỉ có hiếp dâm - Im lặng là tội ác
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ: - Mỗi năm, Hội bảo vệ Quyền trẻ em nhận được tố cáo của hàng trăm vụ hiếp dâm và xâm hại tình dục trẻ em, nhưng chỉ có thể đưa ra xét xử từ 10-20 vụ, do không đủ chứng cứ, các em nói với người thân muộn quá, hoặc gia đình thỏa hiệp, không muốn tố cáo.
Vấn đề nhiều khi lại nằm ở gia đình, phải mạnh dạn tố cáo, bởi im lặng là tội ác. Tất cả các hành vi xâm hại tình dục trẻ em là tội ác. Là cha, là mẹ thấy con mình bị như vậy, hãy mạnh dạn tố cáo vì còn phải bảo vệ cho những người thân, hàng xóm, bạn bè… và cũng phải đòi công bằng cho con mình. Thậm chí, không tố cáo tội phạm cũng có thể bị khởi tố. Mọi thông tin liên quan đến trẻ bị xâm hại điều được bảo mật bởi chúng tôi là những người bảo vệ trẻ.
Cha mẹ người thân của các bé hết sức lưu ý giữ chứng cứ để hỗ trợ điều tra. Chúng tôi đã bảo vệ thành công nhiều vụ việc khác nhau, mang lại công lý cho trẻ em. Nhưng nhiều vụ khó bảo vệ các em vì thiếu chứng cứ.
Chẳng hạn vụ việc ở quận Phú Nhuận, anh kia dẫn một bé đang học cấp ba vào khách sạn và xâm hại bé một lần, rồi khi anh này đang tắm rửa, em học sinh tìm cách thoát thân, nhưng vừa bước ra khỏi cửa, có tiếng cửa đóng cái “cụp”, anh này lại lao ra, nắm áo đầm của em bé kéo lại. Khi đối chất ở cơ quan công an, chi tiết đã mặc đồ và thoát thân ra cửa, rồi bị kéo lại, được chúng tôi đấu tranh là như vậy tức là đã ra khỏi địa điểm gây án và bị kéo lại, buộc phải tính đây là hai lần gây án chứ không phải một. Cáo trạng của tòa án cuối cùng là đối tượng đã phạm tội hai lần, nằm trong khung hình phạt lên tới 7 năm tù chứ không phải 3 năm.
Khi tố cáo bị hiếp dâm, em học sinh đã bị sang chấn tâm lý nặng nề, từ học sinh giỏi tụt xuống học sinh trung bình. Nhưng khi ra tòa, nghe các luật sư đấu tranh thành công, tâm lý của em thoải mái hơn và học lực trở lại tốt như trước.
Luật sư nhấn mạnh: "Im lặng là tội ác" |
BS Nguyễn Lan Hải: - Khi nói đến xâm hại tình dục trẻ em, người ta chỉ nghĩ đến quan hệ nam nữ, mà là những trường hợp đã xâm hại, còn nếu chưa thành công thì còn không được tính. Nhưng những trường hợp xâm hại trẻ em mà không có đụng chạm, chỉ bằng lời nói, ánh mắt, tác động về tâm lý, hoặc cởi đồ khỏa thân trước trẻ con, cho trẻ nhìn những tấm hình không đúng với tuổi của cháu, chia sẻ cho trẻ những đường link để xem ảnh nóng, phim ảnh sex… thì sao?
Chính vì quan niệm cũ cứ ngỡ rằng hiếp dâm là phải đưa cả "dụng cụ gây án" vào trong cơ thể theo đường truyền thống, nên những vụ án lệch lạc tình dục như việc thầy giáo ở Hưng Yên đã dùng tay để gây án với rất nhiều học sinh nữ cũng gặp nhiều khó khăn khi xử lý.
Các phụ huynh hãy cẩn trọng khi tiếp cận thông tin, giữ nguyên những vật phẩm để tiến hành kiểm tra pháp y. Bởi chính phụ huynh trong nhiều trường hợp đã xóa bằng chứng một cách đáng tiếc.
Chẳng hạn một bà mẹ thấy con là thiếu nữ đang xem phim sex. Người mẹ rất giận dữ còn đứa con hồn nhiên đưa ra mảnh giấy ghi đường link của chú hàng xóm cho, với lời nhắn “xem không hiểu gì thì cứ hỏi chú”. Người mẹ giận dữ giật lấy tờ giấy chạy sang nhà hàng xóm đối chất, trong lúc tranh cãi người đàn ông đã chụp tờ giấy để xé, rồi đưa vào miệng nhai nuốt mất chứng cứ.
Có trường hợp khác, mẹ thấy con đi bơi về kêu đau, khó chịu và không muốn nói chuyện, chỉ vào nhà tắm rồi đóng cửa lại. Mẹ cũng quan tâm con nhưng khi thấy quần đùi con có dính máu mẹ lại nghĩ rằng: “Tội nghiệp, mấy hôm nay nóng quá, chắc con bị táo bón”. Vậy là đem đi giặt giũ sạch sẽ. Mãi sau này mẹ mới biết rằng con mình đã bị lạm dụng tình dục ở bể bơi.
Bác sĩ cho rằng phải phá bỏ những quan niệm "truyền thống" về xâm hại tình dục
|
Trẻ bị xâm hại tình dục để lại hệ lụy trầm trọng
LS Trần Thị Ngọc Nữ: - Mấy hôm nay Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM cũng vừa tiếp nhận một trường hợp đau lòng: bé gái bị cậu ruột xâm hại, có thai được 17 tuần. Bé mới 13 tuổi, còn nhỏ quá, không thể để cái thai lại được, bác sĩ bảo phải lấy thai ra để mang đi giám định, thì cơ quan điều tra mới có thể ra lệnh bắt người gây án.
Đây là một sự thực rất đau lòng vì không ai muốn phải đưa các bé đi phá thai cả, nhưng cũng không thể để em bé mang bầu và sinh ra một em bé khác. Nhiều trường hợp thai lớn quá buộc phải để, Hội cũng đã tiếp nhận và hỗ trợ nhiều trường hợp trẻ em sinh ra trẻ em rồi.
Xử lý các vụ việc tương tự rất khó. Các bé gái khi siêu âm có thai, bác sĩ chỉ định ngậm thuốc để phôi ra, các em ngậm thuốc xong mắc tiểu, vào nhà vệ sinh đi tiểu, phôi chạy ra, các em không biết giật bồn cầu, vậy là mất chứng cứ gây án.
Như trường hợp em bé 13 tuổi vừa rồi, thương lắm, bé mới vừa lên nhận danh hiệu học sinh giỏi xong thì hôm sau phải đi lên bệnh viện để lấy thai ra. Mẹ em còn không biết chữ, Hội phải đỡ đầu làm mọi thủ tục, hỗ trợ luôn cả tiền mua tã bỉm, các cán bộ điều tra của cơ quan Công an phối hợp chặt chẽ theo dõi khi cho bé ngậm thuốc, tiểu trong cái bô để lấy được cái phôi, đưa đi giám định pháp y.
Quả thật, để thành công trong từng vụ bảo vệ trẻ em là nạn nhân xâm hại tình dục đều đẫm mồ hôi và đầy nước mắt. Nỗi niềm khiến chúng tôi trăn trở, là vụ xâm hại tình dục nào cũng vô cùng độc ác đối với nạn nhân.
Như việc buộc phải lấy cái thai của em bé 13 tuổi vừa rồi. Hoặc một vụ em bé ở Thủ Đức mới hơn 2 tuổi bị xâm hại đến nỗi thủng cả trực tràng, đồng thời bị cắn nát hai môi, phải phẫu thuật nhiều lần mới mang lại cho em được gương mặt bình thường.
Mạnh dạn đề nghị giải pháp thiến hóa học với kẻ thủ ác
|
Vừa rồi, may mắn được tham gia một chương trình trực tuyến với Thủ tướng Chính phủ, đại diện cho Hội bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM, chúng tôi đã kiến nghị thiến hóa học đối với kẻ thủ ác, để tăng tính răn đe.
Tại sao nước ngoài làm được như vậy? Ở nhiều nước, chỉ rờ trẻ em đã bị bắt vào tù hoặc được tại ngoại nhưng phải đeo chip, hễ xuất hiện ở chỗ nào gần trẻ em, con chip sẽ báo động và đẩy người đó ra xa các trẻ em.
Chúng tôi nghĩ đề nghị thiến hóa học không phải là tàn ác mà là biện pháp bắt buộc phải sử dụng để đủ sức răn đe, ngăn chặn tình trạng xâm hại tiếp tục diễn ra.
BS Nguyễn Lan Hải: - Cho dù có bỏ tù, thiến hóa học những kẻ thủ ác, thì tuổi thơ hoặc thanh xuân của các nạn nhân xâm hại tình dục đã bị bầm dập. Nói đến hệ lụy hậu xâm hại tình dục đều là những sang chấn tâm lý rất nặng nề. Các bé nhỏ có thể quên được, nặng nhất là ở lứa tuổi vị thành niên. Khi đã biết được giá trị thân thể của mình, phân biệt được giới tính thì xâm hại tình dục khiến các em lớn lên với tâm sinh lý méo mó.
Tôi đã thấy những nạn nhân “diễn lại” cảnh xâm hại tình dục với những bạn khác hoặc các em nhỏ hơn. Bởi đó cũng là một cách để nạn nhân “chữa lành” những “vết thương” trong tâm hồn, và còn vì tâm lý muốn xem thử nếu một bạn khác rơi vào hoàn cảnh ấy thì sẽ làm gì; để trả lời câu hỏi xem bản thân có lỗi không trong chuyện chính mình là nạn nhân?
Chưa hết, theo số liệu thống kê có 60% trong số những nạn nhân bị xâm hại trở thành người nghiện tình dục. Mặc dù rất ghét, ghê tởm nhưng các em lớn lên vẫn tìm đến chính hành vi đó để trả thù đời. Một số khác trở thành phụ huynh trong tương lai, nhưng có suy nghĩ lệch lạc, giữ con bo bo để con không bị như mình hồi trước, hoặc ngược lại, “thả nổi” luôn vì coi chuyện thân thể không quan trọng.
Chúng tôi luôn luôn khuyến cáo các phụ huynh không may có con bị xâm hại là đừng bao giờ chửi những kẻ xâm hại trước mặt trẻ. Những câu như: “Đồ súc vật, súc sinh, đồ lợn, đồ chó…” đều làm cho đứa trẻ bị tổn thương tinh thần nhiều hơn, khiến cho nỗi đau bị xâm hại tiếp tục “sưng tấy” trong tâm hồn và cơ thể trẻ.
Bác sĩ Nguyễn Lan Hải chính là tác giả của quy tắc 5 ngón tay
|
Quy tắc vàng cần nhớ - Hãy cảnh giác ngay cả với người quen
Nhà báo Hòa Bình: - Rất nặng nề khi phải nói về vấn nạn ấu dâm, xâm hại tình dục trẻ em trong ngày 1/6. Nhưng đó là một thực tế mà xã hội chúng ta phải đối mặt. Mong bác sĩ Nguyễn Lan Hải và luật sư Trần Thị Ngọc Nữ chia sẻ thêm với độc giả về những quy tắc vàng nào mà các em và cha mẹ cần hướng dẫn con phải nhớ để phòng tránh cho những trường hợp có thể xảy ra trong tương lai?
LS Trần Thị Ngọc Nữ: - Trước hết, mong các bậc phụ huynh luôn luôn quan tâm, gần gũi với con em chúng ta. Lỡ chẳng may nếu con em chúng ta bị xâm hại thì hãy xem đó là một tai nạn, cần thương yêu, đừng la mắng các em.
Thứ hai, chúng ta cần lắng nghe các em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động. Khi trẻ đến những nơi vắng vẻ thì phụ huynh nên đi kèm, không chỉ ở trong thang máy chung cư, mà ở bể bơi, nhà vệ sinh của các khu vui chơi công cộng trong các ngày lễ...
BS Nguyễn Lan Hải: - Có năm báo động nguy hiểm, trẻ em nên nhớ để tránh bị xâm hại: báo động nhìn, báo động nói, báo động chạm, báo động một mình, báo động ôm.
Các bé từ 2-3 tuổi đã có thể hiểu được, nhớ được quy tắc về vùng kín của mình, những nơi không bất cứ ai được phép xâm phạm. Cha mẹ phải giúp con nắm vững và nhớ kỹ quy tắc đồ bơi, để trẻ hiểu không được để ai nhìn, sờ, đụng chạm vào vùng đồ bơi của em, dù bên trong hay bên ngoài.
Hãy dạy cho trẻ cách tự vệ với 3 quy tắc tóm gọn: No, go, tell. No – tức là nói không với tất cả những vùng riêng tư, cho dù ở bên ngoài hay bên trong và ngược lại, trẻ cũng không được tiếp xúc vùng riêng tư của bất cứ ai. Go – Khi gặp nguy hiểm, các em phải bỏ chạy. Tell - Em cần kể lại cho người lớn biết, kể càng sớm càng tốt với những biểu hiện xâm hại. Bởi đa số những vụ chìm xuống đều do các em không kể lại, hoặc kể quá trễ, tất nhiên cũng có thể các em bị đe dọa, và tâm lý sợ hãi. Chính vì thế, phụ huynh hãy giúp con nắm vững và hiểu rõ về quyền của mình, để tố cáo đúng thời điểm.
Tôi chính là tác giả của nguyên tắc 5 ngón tay. Rất mừng là nguyên tắc này đã được phổ biến ở khá nhiều trường tiểu học trên cả nước. Ngón cái chính là tâm của vòng tròn: dành riêng cho những người ruột thịt như cha mẹ, ông bà, anh chị… có thể tiếp xúc gần.
Ngón trỏ là vòng tròn thứ hai, bao gồm thầy cô giáo, họ hàng ruột thịt. Em bé có quyền cho những người này nắm tay, vuốt tóc, vỗ vai, vỗ lưng. Ngón giữa là vòng thứ 3: người quen như bạn bè của cha mẹ, hàng xóm… Ngón áp út là vòng thứ 4: người xa lạ, bé chỉ vẫy tay chào. Cuối cùng là ngón út, vòng thứ 5: người “đáng ngại”. Đối tượng người “đáng ngại” không chỉ là người lạ mà có thể là bất cứ đối tượng nào đã nhắc ở 4 vòng trước như ông nội, cha dượng, thậm chí là cha ruột… Nếu bé thấy bất an, không tin tưởng thì bé được quyền xua tay, không tiếp xúc. Hãy dạy bé hiểu quyền của mình.
Trong khảo sát về những nạn nhân bị xâm hại tình dục, có tới 21% đối tượng xâm hại tình dục là do người yêu gây ra; 11 % do bạn trai cũ; 10% do bạn cũ, bạn đồng hương, người quen, bạn hẹn hò trên mạng; chỉ có 2% là do người lạ. Như vậy, có thể thấy tỷ lệ người quen, người thân xâm hại tình dục cao gấp 10 lần so với người lạ, mà từ trước tới giờ chúng ta chỉ dạy em bé phải cảnh giác với người lạ, quên mất phải cảnh giác cả với người quen.
LS Trần Thị Ngọc Nữ: - Phụ huynh hãy luôn nhắc các em 3 nguyên tắc vàng: Một là cơ thể của các con là của các con. Hai là phải tránh xa 1 mét. Ba là có dấu hiệu bị xâm hại thì phải la lên.
Hãy luôn nhớ gọi Tổng đài quốc gia 111 để tố cáo những hành vi xâm hại tình dục trẻ em hoặc gọi theo đường dây nóng của Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM: 18009069. Với ba cấp độ: Phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp, Hội sẽ luôn đứng cạnh các em!
Chúng tôi muốn có lời kết gửi tới quý vị phụ huynh: “Hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em!”
Bác sĩ Nguyễn Lan Hải: - Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai! Nhân ngày quốc tế thiếu nhi 1/6, chúc các em có một cuộc sống thật đầy đủ, khỏe mạnh cả về vật chất lẫn tinh thần!
Tạp chí điện tử VietTimes tặng hoa và cảm ơn hai khách mời của tọa đàm
|
Mời độc giả xem toàn bộ cuộc Tọa đàm về nạn xâm hại tình dục trẻ em:
Tổ chức thực hiện: Tạp chí điện tử VietTimes
Ekip hình ảnh: YourTV
Biên tập: Hòa Bình
Ảnh: Phạm Nguyễn