Đâu là trường quốc tế “xịn” ở Đà Nẵng?

VietTimes – Trả lời VietTimes về vấn đề cơ sở giáo dục mang tên “quốc tế”, Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng một lần nữa khẳng định không có quy định nào về trường quốc tế, cũng như không có tiêu chuẩn cụ thể nào cho những trường mang danh "quốc tế", ngoại trừ các cơ sở giáo dục có yếu tố đầu tư nước ngoài sử dụng chương trình đào tạo từ nước ngoài, tên gọi có cụm từ “quốc tế”.
Đà Nẵng có bao nhiêu cơ sở giáo dục tự "gắn mác"  trường quốc tế như trường Sky-Line?
Đà Nẵng có bao nhiêu cơ sở giáo dục tự "gắn mác" trường quốc tế như trường Sky-Line?

Đâu là tiêu chuẩn về trường “quốc tế”?

Ngày 10/9, Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng cho biết, hệ thống cơ sở giáo dục trên địa bàn Đà Nẵng hiện có 207 trường mầm non (trong đó, công lập 71, dân lập 01, tư thục 135); 99 trường Tiểu học (có 99 trường trong đó công lập 98, tư thục 1); 57 trường THCS công lập; 20 trường THPT công lập; 13 trường nhiều cấp (gồm 1 trường công lập là THCS và THPT Nguyễn Khuyến; và 12 trường tư thục); 3 trung tâm giáo dục thường xuyên TP.

 Sở GDĐT Đà Nẵng cũng đã tham mưu cho UBND TP trong việc quản lý các trường Đại học tư thục trên địa bàn gồm: Đại học Đông Á, Đại học Duy Tân, Đại học Kiến trúc. 

Về loại hình trường, bà Lê Thị Bích Thuận - Giám đốc Sở GDĐT TP Đà Nẵng - cho biết, trong các văn bản pháp luật hiện nay, không có quy định nào về trường quốc tế và cũng không có tiêu chuẩn cụ thể nào cho những trường mang danh "quốc tế”.

Theo Điều 48 của Luật Giáo dục 2005 (đang có hiệu lực), nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức theo các loại hình: Trường công lập do Nhà nước thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên; Trường dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động; Trường tư thục do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động bằng vốn ngoài ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, Luật Giáo dục 2019 cũng quy định các loại hình nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân (Điều 47) gồm: Trường công lập do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và đại diện chủ sở hữu; Trường dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở gồm tổ chức và cá nhân tại thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, xã, phường, thị trấn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm điều kiện hoạt động. Loại hình trường dân lập chỉ áp dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non; Trường tư thục do nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động.

“Như vậy, trong Luật Giáo dục không có quy định riêng nào về loại hình "trường quốc tế"”-bà Lê Thị Bích Thuận nhấn mạnh.

Trường liên cấp Sky-Line với thông tin quảng cáo là trường quốc tế và hành động chặn đường tổ chức khai giảng gây phản cảm
Trường liên cấp Sky-Line với thông tin quảng cáo là trường quốc tế và hành động chặn đường tổ chức khai giảng gây phản cảm

Cũng theo Sở GDĐT TP Đà Nẵng, Nghị định 86 năm 2018 của Chính phủ định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục qui định, việc đặt tên cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động dưới hình thức trường hoặc trung tâm được đặt tên theo quy định: "Trường" - "Cấp học hoặc trình độ đào tạo" và tên riêng.

Đối với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, tên phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: "Trung tâm giáo dục hoặc đào tạo", "Ngành hoặc nhóm ngành đào tạo chính" và tên riêng.

Đối với phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, thì tên phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: "Phân hiệu", "Tên cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài" và "tại tỉnh, thành phố".

Tên riêng của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài không được đặt trùng, hoặc gây nhầm lẫn với tên của cơ sở giáo dục đã đăng ký, với tên của doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư; không sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.

Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài có tên giao dịch bằng tiếng Việt và tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh (hoặc bằng một ngôn ngữ nước ngoài thông dụng khác) với nội dung tương đương...

Đối với trường có nhiều cấp học, Thông tư số 12/2011 quy định tên gồm: Trường trung học cơ sở (hoặc: trung học phổ thông; tiểu học và trung học cơ sở; trung học cơ sở và trung học phổ thông; tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông; trung học phổ thông chuyên) + tên riêng của trường; Tên trường được ghi trên quyết định thành lập, con dấu, biển tên trường và giấy tờ giao dịch...

Trường Mầm non Quốc tế Little Giants, có vốn sở hữu nước ngoài, sử dụng chương trình giảng dạy tiếng Anh trong độ tuổi từ 2-6
Trường Mầm non Quốc tế Little Giants, có vốn sở hữu nước ngoài, sử dụng chương trình giảng dạy tiếng Anh trong độ tuổi từ 2-6

“Như vậy, hiện nay, khi một trường được thành lập mà có những yếu tố nước ngoài như chương trình giảng dạy là chương trình nước ngoài đã được Bộ GDĐT phê duyệt, đối tượng học là người nước ngoài, các gói dịch vụ trường cung cấp theo chuẩn nước ngoài,... thì các đơn vị thường gắn thêm cụm từ quốc tế, để khẳng định sự khác biệt nhằm thu hút người học”- lãnh đạo Sở GDĐT TP Đà Nẵng thông tin.

Ở Đà Nẵng, trường nào là trường “quốc tế”?

Trả lời VietTimes, Sở GDDT TP Đà Nẵng cho biết, hiện trên địa bàn có các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài sau:

1. Trường Mầm non Quốc tế Little Giants (địa chỉ tại số 4 Chế Lan Viên, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), do Công ty TNHH RAVAI làm chủ sở hữu, sử dụng chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh trong độ tuổi từ 2-6 tuổi.

2. Trường Mầm non Cohas Đà Nẵng (địa chỉ số 16 Lý Thường Kiệt, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, Đà Nẵng), do Công ty TNHH COHAS Việt Nam (Nhật Bản) làm sở hữu, sử dụng chương trình giáo dục mầm non bằng tiếng Việt để giảng dạy;

3. Trung tâm Chăm sóc và giáo dục mầm non OneSky - Đà Nẵng (số 2 Lê Công Kiều, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) do Trung tâm chăm sóc và giáo dục mầm non Onesky - Đà Nẵng (Mỹ) làm chủ sở hữu, sử dụng chương trình chăm sóc giáo dục mầm non bằng tiếng Việt để giảng dạy;

4. Trường liên cấp quốc tế Singapore tại Đà Nẵng (địa chỉ Vùng Trung 3, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), do Công ty cổ phần Kinderworld tại Việt Nam làm chủ sở hữu, sử dụng chương trình giảng dạy của Singapore bằng tiếng Anh để giảng dạy;

5. Trường TH&THCS Quốc tế Việt Nam Singapore (địa chỉ Vùng Trung 3, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), do Chi nhánh công ty cổ phần Kinderworld tại Đà Nẵng làm chủ sở hữu, sử dụng chương trình giảng dạỵ của Singapore và Việt Nam, bằng tiếng Anh và tiếng Việt để giảng dạy;

6. Trường Quốc tế Hoa Kỳ APU (địa chỉ số 299 Trần Đại Nghĩa, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), Công ty TNHH Phát triển giáo dục APU làm chủ sở hữu, sử dụng chương trình giáo dục bằng tiếng Anh của Hoa Kỳ để giảng dạy.

Trường St.Nicolas tự gắn thêm cụm từ “quốc tế” là không đúng với quy định.
Trường St.Nicolas tự gắn thêm cụm từ “quốc tế” là không đúng với quy định.
Tường St.Nicolas có tên gọi là “Trường MN, TH, THCS, THPT St.Nicholas” không gắn kèm chữ “quốc tế”, nhưng trên trang web cũng như thực tế trường này đã tự gắn thêm cụm từ “quốc tế”
Tường St.Nicolas có tên gọi là “Trường MN, TH, THCS, THPT St.Nicholas” không gắn kèm chữ “quốc tế”, nhưng trên trang web cũng như thực tế trường này đã tự gắn thêm cụm từ “quốc tế”

Sở GDĐT TP Đà Nẵng khẳng định, trên địa bàn Đà Nẵng không có trường quốc tế, chỉ có 3 trường có vốn đầu tư nước ngoài trong tên gọi có cụm từ quốc tế, bao gồm: Trường mầm non quốc tế Little Giants; Trường liên cấp quốc tế Singapore tại Đà Nẵng; Trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Quốc tế Hoa Kỳ APU – Đà Nẵng.

Ngoài ra, còn có 1 trường tư thục trong tên gọi có cụm từ quốc tế là Trường Trung học và Trung học cơ sở Quốc tế Việt Nam – Singapore. Các trường này đều có vốn đầu tư từ nước ngoài, có sử dụng chương trình đào tạo của nước ngoài và học sinh đến từ các quốc gia khác.

Như vậy, chỉ có thể gọi các trường này là các trường có yếu tố nước ngoài, chứ không nên gọi là trường quốc tế, vì luật chưa quy định loại hình này.

“Việc quản lý các trường có yếu tố nước ngoài (không gọi là trường quốc tế) được UBND TP và UBND các quận, huyện phân cấp quản lý như các trường ở các loại hình khác.

Tuy nhiên, việc quản lý các trường này cũng có những khó khăn nhất định do các nhà đầu tư cung cấp không đầy đủ các thông tin về các hoạt động giáo dục của trường trong các báo cáo định kỳ cũng như đột xuất; công tác sinh hoạt chuyên môn theo cấp học đối với đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên các trường này cũng gặp khó khăn nhất là đối với các trường giảng dạy chương trình nước ngoài”- lãnh đạo Sở GDDT TP Đà Nẵng cho biết thêm.

VietTimes sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.