Đánh giá chi tiết Samsung Galaxy M20: được ít nhưng mất nhiều
Hoàng Thanh
Galaxy M20 được đánh giá là con 'át chủ bài' của Samsung để cạnh tranh với các đối thủ trong phân khúc giá rẻ. Nhưng thực tế liệu M20 có phải là lựa chọn giá hời mà người dùng có thể chọn?
Thời lượng pin: Nếu người dùng cần tìm cho mình một chiếc smartphone giá rẻ có thời lượng pin dài thì chắc chắn Samsung Galaxy M20 sẽ là lựa chọn đầu bảng. Có thể nói đây là chiếc smartphone có dung lượng pin lớn nhất của Samsung cho đến nay, đó là 5.000 mAh.
Thử nghiệm thực tế khi sử dụng nặng thường xuyên như Google Maps, nghe nhạc với kết nối Bluetooth, chơi PUBG Mobile, duyệt web, sủ dụng mạng xã hội, sử dụng camera để chụp ảnh … thì Galaxy M20 vẫn còn khoảng 40 đến 50% vào cuối ngày khi sạc đầy 100% để sử dụng vào buổi sáng sớm.
Như vậy với những người dùng sử dụng ở mức trung bình thì chắc chắn Galaxy M20 hoàn toàn đáp ứng 2 ngày dùng dễ dàng. Thêm vào đó đi kèm máy còn có bộ sạc nhanh 15W và chỉ cần 1 giờ 50 phút là sạc đầy, đó là ấn tượng hơn nhiều so với ZenFone Max Pro M2, cũng có pin 5.000 mAh nhưng cần tới 3 giờ để sạc đầy.
Hiệu năng đủ dùng: Samsung trang bị cho Galaxy M20 con chip tám nhân Exynos 7904, kết hợp với RAM 3GB và bộ nhớ trong 32GB, có hỗ trợ khe cắm thẻ nhớ mở rộng microSD tối đa 512GB, sử dụng khay riêng với khay SIM kép.
Thử nghiệm trên các bài benchmark thì Exynos 7904 của Samsung không thể so được với các smartphone trong tầm giá sử dụng chip Snapdragon 660 hoặc Snapdragon 636, nhưng trải nghiệm thực tế thì Galaxy M20 lại làm khá tốt vài trò của mình.
Máy hoạt động tốt và mượt mà khi thực hiện các tác vụ thông thường hàng ngày, nhưng bắt đầu nhận thấy độ trễ khi tôi mở nhiều ứng dụng hoặc một trò chơi nặng như PUBG Mobile đang chạy trong nền. Nhưng nếu sử dụng thông thường và ít sử dụng các ứng dụng nặng thì độ trễ là rất hiếm gặp.
Xét về hiệu năng chơi game, chip đồ họa Mali-G71 MP2 trong Galaxy M20 khi chạy với game nặng và phổ biến là PUBG Mobile, theo mặc định thiết lập đồ họa trong game là trung bình, vì vậy trải nghiệm không được tốt lắm. Hiện tượng trễ và tụt giảm khung hình xảy ra làm người dùng cảm thấy khó chịu.
Mọi thứ được cải thiện tốt hơn khi hạ thiết lập đồ họa trong PUBG Mobile về mức thấp, nhưng đó không phải là trải nghiệm mượt mà nhất mà người dùng mong đợi. Tuy nhiên với game như Liên Quân thì máy lại đáp ứng tốt, mượt mà và khá hài lòng.
Thử nghiệm với game Asphalt 9 trên Galaxy M20, trong đó đồ họa trong game tự động được đặt ở mức thấp. Máy vẫn chạy tốt, nhưng thời gian khởi động vào game thì hơi lâu một chút, thi thoảng có độ trễ xuất hiện trong những cảnh va chạm, cháy nổ, nhưng đó không phải là một vấn đề lớn.
Nhìn chung, hiệu năng trên Galaxy M20 chỉ ở mức trung bình, nếu so với Redmi Note 7 và ZenFone Max Pro M2 , cả hai đều sử dụng Snapdragon 660 thì điện thoại Samsung không thể sánh được. Tuy nhiên đó chính là điều mà người dùng phải đánh đổi khi sở hữu các máy của Samsung.
Màn hình: Trước đây chỉ có các mẫu smartphone giá rẻ của Samsung mới sử dụng màn hình với tấm nền PLS TFT cho chất lượng hiển thị không thật sự tốt. Tuy nhiên trên Galaxy M20, mặc dù vẫn được Samsung sử dụng tấm nền loại này nhưng đã được cải tiến rất nhiều nên chất lượng hiển thị cũng rất tốt.
Samsung Galaxy M20 sử dụng thiết kế màn hình giọt nước hay còn gọi là màn hình Infinity V theo cách gọi của Samsung chắc chắn giúp cho mặt trước của máy rất đẹp, nổi bật và phù hợp với xu thế mới hiện nay. Màn hình M20 có kích thước lớn 6,3 inch, độ phân giải Full HD+ (1080 x 2340 pixel), tỷ lệ hiển thị 19.5:9 và mật độ điểm ảnh đạt 409 ppi.
Về lý thuyết màn hình sử dụng tấm nền PLS TFT không thể so sánh với màn hình LCD IPS, nhưng khá bất ngờ khi màn hình Galaxy M20 lại rất tuyệt. Hình ảnh hiển thị sống động, góc nhìn rất tuyệt, độ chi tiết cao, độ tương phản tốt và mặc dù không phải là màn hình sáng nhất trong tầm giá, nhưng khi sử dụng ngoài trời nắng vẫn khá ổn.
Trong khi rất nhiều smartphone trong tầm giá 5 triệu có thiết kế bắt mắt với mặt kính thì Galaxy M20 của Samsung có ngoại hình không thật sự hấp dẫn hay nói cách khác là thiếu cá tính. Máy sử dụng vỏ nhựa giả kính, nhưng không phải kiểu nhựa bóng hay đổi màu mà đơn giản chỉ là nhựa một màu, khá nhàm chán.
Thành thật mà nói thiết kế của Galaxy M20 ở thời điểm này nhìn khá lạc hậu so với hầu hết các đối thủ, bên cạnh đó cảm biến vân tay ở mặt lưng khá nhỏ nên sử dụng sẽ gặp một chút khó khăn. Khả năng nhận diện vân tay cũng không thật sự tốt, lúc thì làm việc khá nhanh, nhưng đôi khi phải chạm 2 đến 3 lần mới được.
Camera: Trước đây các mẫu smartphone giá rẻ của Samsung vẫn được đầu tư rất kỹ về khả năng chụp hình, tuy nhiên trên Galaxy M20 người dùng sẽ phải đánh đổi điều này. Máy đi kèm cụm camera kép ở mặt sau với cảm biến phụ là cảm biến góc rộng mới lạ mà không phải là ống kính tele xóa phông. Camera chính 13MP khẩu độ f/1.9, kết hợp camera phụ 5MP khẩu độ f/2.2.
Ở điều kiện đủ sáng, camera của M20 cho chất lượng ảnh đẹp, màu sắc nổi bật, các chi tiết đủ tốt nhưng vẫn có một số ảnh có vấn đề về cân bằng trắng, nhưng nhìn chung chất lượng là rất hài lòng với mức giá.
Khi chụp thiếu sáng, khẩu độ f/1.9 của camera M20 không thật sự làm tốt nhiệm vụ như người dùng kỳ vọng, ảnh có độ chi tiết thấp với nhiễu nhiều.
Trong khi ảnh chụp góc rộng với camera thứ hai chắc chắn sẽ giúp người dùng có được những bức ảnh phong cảnh đẹp hơn, thu được nhiều không gian trong ảnh hơn so với ống kính thông thường.
Mặc dù không có ống kính tele nhưng ứng dụng camera trên Galaxy M20 cũng có chế độ Live focus hay còn gọi là chế độ chân dung (Portrait mode) và nó hoạt động tốt. Hầu hết các ảnh chụp ở chế độ chân dung đều đẹp, mặc dù vẫn có một số ảnh có hiện tượng xóa phông lẹm vào cả chủ thể, nhưng đây là điều hoàn toàn có thể chấp nhận được.
Về camera selfie trên Galaxy M20, thật sự người dùng không nên mong đợi nhiều từ camera 8MP khẩu độ f/2.0. Thực tế ảnh chụp selfie chỉ cho chất lượng ở mức trung bình, ảnh chụp thiếu chi tiết, màu sắc nhạt, khả năng làm mịn da không tự nhiên và độ tương phản thấp.
Chuyển sang video, Galaxy M20 chỉ hỗ trợ quay video 1080p ở tốc độ 30 fps và các video có xu hướng đẩy màu hơi quá mức. Thêm vào đó, khả năng tự động lấy nét không hoạt động tốt khi quay video và các vấn đề cân bằng trắng cũng có mặt ở đây.
Nhìn chung, camera của Galaxy M20 là phù hợp với một chiếc điện thoại bình dân và không thật sự nổi bật so với các đối thủ trong phân khúc giá.
Với mức giá khoảng 5 triệu đồng, người dùng Galaxy M20 sẽ có được thời lượng pin tốt, màn hình đẹp, sạc nhanh, cổng USB –C, camera góc rộng thú vị và điện thoại thương hiệu Samsung. Đổi lại người dùng sẽ bị cắt giảm hiệu năng, camera và thiết kế một cách không thương tiếc.