Đằng sau chủ đầu tư khu phức hợp Nhà Rồng - Khánh Hội

VietTimes -- Chủ đầu tư đã được công nhận của dự án Khu phức hợp Nhà Rồng - Khánh Hội là Ngọc Viễn Đông. Cổ đông giữ cổ phần lớn tại Ngọc Viễn Đông hiện là Bến Nghé IDC. Đằng sau Bến Nghé IDC là Khasuco...
Chuyển biến bên trong dự án Khu phức hợp Nhà Rồng - Khánh Hội
Cuối năm 2016, UBND TP. Hồ Chí Minh đã chấp thuận cho Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đô thị Ngọc Viễn Đông (Ngọc Viễn Đông) làm chủ đầu tư dự án Khu phức hợp Nhà Rồng - Khánh Hội.

Và như VietTimes đã đề cập, Công ty TNHH Phát triển hạ tầng Bến Nghé (viết tắt: Bến Nghé IDC) là cổ đông nắm giữ cổ phần lớn tại Ngọc Viễn Đông.

Chuyển biến tại Bến Nghé IDC

Được thành lập ngày 24/11/2010, Bến Nghé IDC đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại số 8 Nguyễn Huệ, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. HCM. Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật là ông Võ Văn Hưng, sinh năm 1985.

Trải qua 4 năm hoạt động, Bến Nghé IDC có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, với sự tham gia góp vốn của 2 thành viên là: Công ty TNHH Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) sở hữu 94% và ông Trần Sơn Hà (sinh năm 1983) với 6% vốn điều lệ.

Không chỉ là nhà đầu tư, ông Trần Sơn Hà còn được biết đến trên vai trò Giám đốc kiêm người đại diện của Công ty TNHH Nhựa Toàn Sơn Hà, có địa chỉ tại đường 3/2, Phường 12, Quận 11, Tp. HCM.

Còn Vạn Thịnh Phát, như đã biết, là một “đại gia” bất động sản lớn bậc nhất tại TP. HCM. Trong quá trình lên kế hoạch chuyển đổi công năng khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội, Vạn Thịnh Phát và nhiều “ông lớn” bất động sản khác từng được cho là đã ngỏ ý muốn đầu tư vào dự án. Tuy nhiên, khi thực hiện đàm phán với Cảng Sài Gòn, tập đoàn này đã bất ngờ xin rút lui. Sự việc này cũng một thời tốn nhiều giấy mực của truyền thông, nhất là thời điểm diễn ra phiên tòa.

Đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 15/1/2014 của Bến Nghé IDC thể hiện việc thoái vốn triệt để của Vạn Thịnh Phát. Nhận chuyển nhượng lại số cổ phần của tập đoàn này là 2 nhà đầu tư tổ chức: CTCP Đầu tư Bất động sản Panorama (Panorama Corp) và CTCP Elysees Garden (Elysees Garden) với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 75% và 19% vốn điều lệ.

Tương tự Bến Nghé IDC, Panorama Corp cũng là nhà đầu tư bất động sản còn nhiều bí ẩn. Dữ liệu của VietTimes cho thấy, công ty này được thành lập từ năm 2005, đăng ký địa chỉ trụ sở tại Tầng 5, Tòa nhà SongDo, 62A Phạm Ngọc Thạch, Phường 6, Quận 3, TP. HCM. Ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng nhà các loại.

Nhà đầu tư Elysees Garden nắm giữ cổ phần Bến Nghé IDC gần 2 năm, trước khi thực hiện chuyển nhượng cho Công ty TNHH Đầu tư Minh Hòa Phú vào tháng 10/2015. Cơ cấu cổ đông của Bến Nghé IDC không có biến động cho tới đầu tháng 7/2017.

Trong khoảng thời gian này, vị trí Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Bến Nghé IDC cũng được thay thế, do ông Nguyễn Công Thành (sinh năm 1973) đảm nhiệm.

Bắt đầu từ tháng 02/2017, trụ sở Công ty TNHH Phát triển hạ tầng Bến Nghé được chuyển về địa chỉ này, tại một căn nhà rất bình thường trên con phố Hồ Huấn Nghiệp, Quận 1. Căn nhà nhìn thẳng sang khách sạn Grand Hotel, và mất ít bước đi bộ để tới tòa nhà Saigon Times Square.
 Bắt đầu từ tháng 02/2017, trụ sở Công ty TNHH Phát triển hạ tầng Bến Nghé được chuyển về địa chỉ này, tại một căn nhà rất bình thường trên con phố Hồ Huấn Nghiệp, Quận 1. Căn nhà nhìn thẳng sang khách sạn Grand Hotel, và mất ít bước đi bộ để tới tòa nhà Saigon Times Square.

Theo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cấp ngày 6/7/2017, tất cả các cổ đông trên đã thực hiện thoái vốn, chủ sở hữu của Bến Nghé IDC là một pháp nhân mới - CTCP Đường Khánh Hội. Trước đó không lâu, địa chỉ trụ sở chính của Bến Nghé IDC được chuyển về số 22 Hồ Huấn Nghiệp (Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. HCM).

Tới ngày 22/3/2018, ông Zhu Qiang (sinh năm 1979, quốc tịch Trung Quốc) đã thay thế ông Nguyễn Công Thành giữ vị trí Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Bến Nghé IDC. 

Đáng chú ý, ông Zhu Qiang cũng đăng ký nơi ở cùng địa chỉ trụ sở chính của Bến Nghé IDC. 

Tham vọng của Khasuco

CTCP Đường Khánh Hội ghi ngày thành lập là 29/11/2006, nhưng thực tế nó có lịch sử lâu đời hơn, thời điểm vừa nói chỉ là ngày chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần; địa chỉ trụ sở chính tại 180 Nguyễn Tất Thành, Phường 13, Quận 4, TP. HCM.

Công ty này có tên tiếng Anh là “Khanh Hoi Sugar Joint Stock Company”, viết tắt: Khasuco. Từ “Sugar” phần nào diễn tả được ngành nghề chính của Khasuco là công nghệ thực phẩm, hay cụ thể hơn là “kinh doanh đường”. Khasuco từng là một thành viên của Tổng Công ty Mía Đường II (Vinasugar II). 

Sau khi Vinasugar II thực hiện thoái vốn, Khasuco cũng "chuyển hướng", dù vẫn để tên gọi và thương hiệu như cũ. Thay vì mía đường, Khasuco tham gia đầu tư, phát triển bất động sản và hạ tầng giao thông quy mô lớn.

Trong số đó, có thể kể đến việc hợp tác giữa Khasuco và CTCP Logistics Vinalink (Mã CK: VNL) nhằm thực hiện dự án bất động sản tại khu đất rộng hơn 9.397 m2 ở số 145 - 147 Nguyễn Tất Thành (Phường 13, Quận 4, TP. HCM).

Theo đó, hai bên đã ký kết các hợp đồng khai thác kinh doanh và nguyên tắc đền bù di dời vào tháng 11/2014. Cụ thể, VNL sẽ góp vốn bằng toàn bộ tài sản theo hiện trạng văn phòng, thực hiện bàn giao cho Khasuco “toàn bộ tài sản trên khu đất" và "từ chối mọi quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến tài sản trên khu đất bao gồm cả quyền quản lý, khai thác khu đất khi cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương cho CTCP Khasuco được làm chủ đầu tư dự án”.

Việc di dời dự kiến sau 24 tháng sau ngày ký kết hợp đồng. Tuy nhiên, đến ngày 30/6/2018, Khasuco vẫn chưa có thông báo thời gian triển khai dự án cụ thể, do đó, VNL vẫn chưa thực hiện di dời hoạt động sang nơi khác.

Nếu được cấp phép làm chủ đầu tư, Khasuco sẽ bổ sung trực tiếp cho quỹ đất của mình thêm một khu đắc địa trên đường Nguyễn Tất Thành, chạy dọc bờ sông Sài Gòn. Và thực ra, ý tưởng hợp tác này còn được tính rộng hơn thế.

Kho hàng một thời của Khasuco đã được chấp thuận chủ trương hợp khối với hai khu đất bên cạnh nhằm chuẩn bị cho những kế hoạch xa.
 Kho hàng một thời của Khasuco đã được chấp thuận chủ trương hợp khối với hai khu đất bên cạnh nhằm chuẩn bị cho những kế hoạch xa.

Tháng 5/2014, tức là khoảng 6 tháng trước ngày VNL và Khasuco ký hợp đồng, UBND TP.HCM đã có văn bản chấp thuận chủ trương hợp khối các khu đất số 145-147, 147 bis Nguyễn Tất Thành và số 10 Ngô Văn Sở, Phường 13, Quận 4.

Mà khu đất 147 bis Nguyễn Tất Thành, nên nhớ, là kho hàng cũ của Khasuco. Từ cuối thập niên 2000s, Khasuco đã từng có ý định phát triển ở đây một dự án bất động sản bề thế, có tên khu thương mại-văn phòng-căn hộ Harmony Point.

Dĩ nhiên, việc hợp khối các khu đất số 145-147, 147 bis Nguyễn Tất Thành và số 10 Ngô Văn Sở, Phường 13, Quận 4 sẽ mang đến cho Khasuco nhiều sự lựa chọn hơn, với dự án quy mô hơn, ấn tượng hơn, giá trị hơn.

Và hãy tiếp tục hình dung, rộng hơn! Cách đó không xa là khu Cảng Nhà Rồng - Khánh Hội. Cảng này đã được quy hoạch để chuyển đổi công năng thành khu đô thị cao cấp với tên gọi Khu phức hợp Nhà Rồng - Khánh Hội.

Sau khi chuyển đổi công năng, khu đất Cảng Nhà Rồng - Khánh Hội có được "hợp khối"?!
 Sau khi chuyển đổi công năng, khu đất Cảng Nhà Rồng - Khánh Hội có được "hợp khối"?!

Cuối năm 2016, Ngọc Viễn Đông trở thành chủ đầu tư dự án Khu phức hợp Nhà Rồng - Khánh Hội. Như đã phân tích, Khasuco sở hữu Bến Nghé IDC - cổ đông nắm giữ cổ phần lớn tại Ngọc Viễn Đông.

Liệu khu phức hợp trên của Ngọc Viễn Đông có được "hợp khối" các khu đất số 145-147, 147 bis Nguyễn Tất Thành, số 10 Ngô Văn Sở, và... các khu đất khác nữa?!

Khả năng này chưa thể loại trừ. Nhất là khi đâu đó đã xuất hiện những ý tưởng thiết kế như “The Saigon Riverfront: A New Vision for Ho Chi Minh City’s Historic Port”.

Và nếu kịch bản "hợp khối" quy mô lớn này xảy ra thì chủ đầu tư của siêu dự án hậu hợp khối này, không loại trừ sẽ là Khasuco. Trước tiên là bởi những bước "chạy đà" sẵn có như đã đề cập. Sau nữa là những động thái có thể có liên quan khác.

Chẳng hạn, tháng 8/2017, Khasuco đã từng được đề cập tới trong liên danh nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Nguyễn Tất Thành (TP. Hồ Chí Minh) theo hình thức PPP, với quy mô dự kiến 4.669 tỷ đồng.

Hay là câu chuyện tăng vốn rất đáng chú ý sau đây của Khasuco.

Một phối cảnh trong ý tưởng thiết kế “The Saigon Riverfront: A New Vision for Ho Chi Minh City’s Historic Port”. (Nguồn: architech.vn; inla.cn; ndh.vn)
 Một phối cảnh trong ý tưởng thiết kế “The Saigon Riverfront: A New Vision for Ho Chi Minh City’s Historic Port”. (Nguồn: architech.vn; inla.cn; ndh.vn)

Vốn điều lệ: 11.775 tỷ đồng

Bóng dáng khu phức hợp ven sông Sài Gòn nhìn từ một bức hình minh họa

Trong những năm gần đây, quy mô vốn của của Khasuco gia tăng nhanh chóng. 

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, ngày 26/9/2016, Khasuco thực hiện tăng quy mô vốn điều lệ từ 452 tỷ đồng lên mức 2.570 tỷ đồng.

Chỉ một năm sau, tới tháng 7/2017, quy mô vốn điều lệ của công ty này tăng gấp 4,5 lần và đạt mức 11.775 tỷ đồng.

Trong một diễn biến đáng chú ý, đầu tháng 3/2018, ông Zhu Qiang đã trở thành Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Khasuco, thay thế cho ông Châu San Phàm (sinh năm 1984) - người mới vừa chỉ được bổ nhiệm trước đó 6 tháng.

Ngoài ra, như VietTimes đã đề cập, ông Zhu Qiang còn là người đại diện theo pháp luật đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc tại CTCP Blue Pearl và Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Eastern View. Các công ty này đều có số vốn điều lệ đăng ký “khủng” lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Cần thiết phải nhắc rằng, Tổng Giám đốc CTCP Khasuco - ông Zhu Qiang - là một doanh nhân quốc tế, đang đồng thời đảm nhiệm nhiều trọng trách quan trọng tại SRE Group Limited - một công ty địa ốc lớn, đang thực hiện niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong./.