Góp ý cho báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội sáng 28/3, đại biểu Lê Nam cho rằng, vai trò của đại biểu trong xây dựng pháp luật còn hạn chế vì nhiều mong đợi của nhân dân, nhiều bức xúc của cuộc sống, nhiều trí tuệ và tâm huyết đã không được đưa vào. Đó chính là nguyên nhân cơ bản của việc pháp luật không đi vào cuộc sống; luật thì nhiều nhưng nhân dân lo lắng về bệnh nhờn luật và một bộ phận trong xã hội đang đứng lên trên pháp luật.
Đại biểu Nam kể, cho ý kiến về luật đất đai, nhiều đại biểu tha thiết đề nghị thay đổi trong giao đất nông nghiệp, thừa nhận sở hữu tư nhân đối với đất ở của người dân nhưng không được chấp nhận. "Đến khi giám sát việc nông dân bỏ ruộng và trả ruộng, chúng tôi mới thấm câu ca đã có từ lâu đại biểu phát biểu thì rất hay, nhưng tiếp thu thì rất gay, nên xin giữ như dự thảo", ông Nam nói.
Đại biểu tỉnh Thanh Hoá nhấn mạnh, nhiều đảng viên tha thiết đề nghị cần có luật về hoạt động của tổ chức Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền, nhà nước pháp quyền. Hay nhân dân rất ủng hộ và theo dõi từng bước đi của Bí thư thành uỷ TP HCM Đinh La Thăng vì hơn lúc nào hết nhân dân khao khát sự đổi mới trong phương thức lãnh đạo của Đảng.
"Nhân dân chán lắm rồi những cán bộ chỉn chu và chau chuốt với những ngôn từ tăng cường, đẩy mạnh, nâng cao. Nhân dân và cán bộ đảng viên cần những người Bí thư lăn vào cuộc sống, những Bí thư có đủ quyền hành nhưng cũng có đủ những ràng buộc, công khai và minh bạch, được đảm bảo cho họ bằng pháp luật, để những hi sinh, cống hiến của họ được đến với nhân dân", ông nói.
Đảng hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật, vì vậy theo đại biểu Lê Nam, Quốc hội cần coi đó là trách nhiệm của chính Quốc hội trong việc xây dựng Đảng và không nên chỉ chờ đến khi được giao nhiệm vụ thì mới thực hiện.
Trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao, ông cho rằng Quốc hội đã làm được nhiều việc, có những việc rất tốt, mặc dù trong báo cáo chưa thấy khen và chê ai. Nhưng bức tranh tổng kết nhiệm kỳ có xung đột không với "một miền Tây Nam bộ trù phú và hiền hoà đang lùi vào dĩ vãng, một Tây Nguyên khô khát giữa tháng 3, một hệ thống chính trị cồng kềnh đến không chịu nổi với tham nhũng và quan liêu, với ngân khố nợ nần, với thanh niên Việt Nam hình như ngày càng còi cọc và Biển Đông cũng chưa ngừng gợn sóng".
"Tôi đề nghị những trăn trở âu lo đó cần phải được thể hiện đầy đủ hơn trong tổng kết nhiệm kỳ mặc dù nó chỉ còn ý nghĩa để bàn giao lại khoá sau. Xin mượn lời Thủ tướng, kính chúc các vị đại biểu khóa 13 luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc và luôn là người tử tế", vị đại biểu xứ Thanh nêu.
Trước đó, cũng phát biểu về đề cập chức năng giám sát của quốc hội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đại biểu Trương Thị Huệ chỉ ra thực tế trong các phiên chất vấn có hàng ngàn câu hỏi về trách nhiệm, nhưng câu trả lời rõ ràng về trách nhiệm còn rất ít.
Theo bà Huệ, quy trách nhiệm là không dễ, nhưng đó là trách nhiệm của cả Chính phủ, Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Cá nhân tổ chức làm sai, quyền lực Nhà nước chưa được thực thi đầy đủ, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến yếu kém, bà Huệ nhấn mạnh.
Bàn về việc công tác xây dựng luật, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng, đại biểu Huỳnh Nghĩa thẳng thắn đề đề nghị cần phải có chế tài xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan soạn thảo luật không có tính khả thi.
Bên cạnh đó, ông Nghĩa cũng nêu hạn chế trong việc lấy phiếu tín nhiệm - lần đầu tiên được tiến hành tại Quốc hội.
Theo vị ĐBQH này, việc quy định ba mức tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp là còn “lập lờ”, nên chưa thể có cơ sở để đánh giá cán bộ.
“Chỉ nên quy định hai mức: tín nhiệm và không tín nhiệm, thì mới tạo đột phá, quyền lực của Quốc hội được nâng lên và nhân dân càng tin tưởng”, ông Nghĩa kiến nghị.