Đại dịch COVID-19 có thực sự làm giảm đáng kể lượng khí thải?

VietTimes –  Ứng phó với đại dịch COVID-19, nhiều quốc gia thực hiện cách ly, hạn chế đi lại. Điều này đã góp phần làm giảm lượng khí thải nhưng theo các chuyên gia, lượng giảm này không đáng kể.
Đại dịch COVID-19 có thực sự làm giảm đáng kể lượng khí thải? Ảnh: Internet
Đại dịch COVID-19 có thực sự làm giảm đáng kể lượng khí thải? Ảnh: Internet

Thông tin từ tờ Zing, ngay sau thời gian tiến hành nhiều biện pháp cách ly, tình hình ô nhiễm môi trường tại Trung Quốc được cải thiện bất ngờ. Từ ngày 1-20/1, các hình ảnh thể hiện nồng độ NO2 cao nhưng từ ngày 10-25/2, mức độ NO2 trở nên khó nhận ra.

Đồng thời, chỉ số ô nhiễm không khí tháng 2 ở nhiều thành phố Trung Quốc cũng giảm xuống thấp nhất trong 6 năm trở lại đây. Nasa cho hay mức độ giảm lớn nhất được ghi nhận tại Vũ Hán - nơi được xem là khởi phát và trung tâm của đại dịch này.

Tuy nhiên, thông tin từ tờ Tuổi trẻ Online, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho rằng tổng lượng khí thải nhà kính toàn cầu giảm trong năm nay do dịch COVID-19 chỉ khoảng 8%. 

Tháng 5/2020, lượng khí thải CO2 mà Đài quan sát Mauna Loa (Hawaii) đo được là 418,12 phần triệu, so với cuối năm 2019 là 415 phần triệu thì con số giảm là không đáng kể. Hiện lượng CO2 trong khí quyển vẫn đang đạt mức cao, đồng nghĩa thế giới vẫn đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu.

Dự báo ô nhiễm không khí sẽ trầm trọng hơn sau dịch COVID-19. Ảnh: Internet
Dự báo ô nhiễm không khí sẽ trầm trọng hơn sau dịch COVID-19. Ảnh: Internet

Tất cả những hoạt động giãn cách xã hội hiện nay chỉ là tạm thời. Khi thế giới đẩy lùi được COVID-19, các hoạt động thường ngày lại tiếp tục, sản xuất ồ ạt hơn trước, nguy cơ ô nhiễm môi trường có thể còn tăng cao hơn trước khi có đại dịch.

Trung Quốc là quốc gia đầu tiên thực hiện cách ly xã hội khi COVID-19, chất lượng không khí tại nước này được cải thiện đáng kể vào thời điểm dịch bệnh đạt đỉnh. Nhưng đến tháng 5, bầu không khí lại ô nhiễm như cũ vì kinh doanh, sản xuất trở lại.

Thậm chí, khi chính phủ và quan chức các địa phương thúc đẩy gia tăng sản xuất thì tình trạng ô nhiễm sẽ càng nghiêm trọng hơn.

Tại Mỹ, trong bối cảnh đại dịch, nhiều đơn vị sản xuất phải xin viện trợ từ chính phủ nhưng các ngành nhiên liệu hóa thạch, nhựa, hàng không, ô tô, dầu khí đang chiếm lợi thế. Khi những ngành công nghiệp này sản xuất trở lại, bầu khí quyển sẽ có nguy cơ bị ô nhiễm thêm.

Chính phủ các nước khác cũng thực hiện nhiều cải cách để đẩy mạnh sản xuất, du lịch,... sau dịch bệnh. Khi kinh tế khởi sắc, môi tường cũng bị ô nhiễm hơn.