Ngày 12.3, thông tin ngư dân đầu tiên của Quảng Nam được vay vốn đóng tàu tại Ngân hàng Đầu tư và phát triển VN (BIDV) trở thành sự kiện lớn được truyền thông rầm rộ. Đó là tin vui đối với ông Phan Thu (H.Thăng Bình) khi ông được vay 11,7 tỉ đồng thời hạn 11 năm đóng tàu vỏ sắt công suất 822 CV.
Cả huyện chỉ 1 hồ sơ được vay
Tuy nhiên, đó cũng là nỗi buồn cho ngư dân khác đang ngày đêm mòn mỏi dài cổ chờ đến lượt mình. Bởi kể từ ngày 7.7.2014 (từ khi Nghị định 67/2014/NĐ-CP có hiệu lực), Bộ NN-PTNT phân bổ chỉ tiêu cho 28 địa phương 2.079 tàu khai thác và 205 tàu dịch vụ hậu cần nhưng đến nay mới có một số UBND tỉnh, thành chấp thuận cho vài trăm trường hợp đủ khả năng tài chính, điều kiện để vay vốn ngân hàng (NH).
Thực tế còn đáng lo ngại hơn, khi các NH cũng chỉ mới giải ngân cho được vài trường hợp, tổng giá trị vài chục tỉ đồng. Ngày 15.3 trao đổi với Thanh Niên, ngư dân Nguyễn Sáu, thôn Thạnh Bình 1, xã Phổ Thạnh, H.Đức Phổ (Quảng Ngãi) vui mừng khoe sau một thời gian dài chạy ngược chạy xuôi ông cũng được vay 4,4 tỉ đồng đóng tàu vỏ gỗ công suất 675 CV, hiện được giải ngân hơn 3 tỉ đồng. Tuy nhiên, khi được hỏi ở huyện này còn ai được vay như ông không, ông Sáu buồn rầu nói: “Ở cả cái huyện này chỉ có mỗi mình tôi thôi, còn lại bao nhiêu hồ sơ bị đình lại hết. Chính sách gì mà yêu cầu nguồn vốn đối ứng lớn quá, như tôi phải vay mượn khắp nơi mới đủ 1,9 tỉ đồng. NH họ nói theo quy định phải có giấy tờ, chứng từ thanh toán mua vật tư mang đến thì mới giải ngân”.
Vẫn theo phản ánh của các ngư dân, ngay cả các thủ tục để xét duyệt đối tượng đủ điều kiện được vay vốn tại địa phương cũng đang diễn ra nhiêu khê, rườm rà. Hồ sơ được tổ chỉ đạo, tư vấn ở xã xét duyệt; xã chuyển lên huyện, huyện chuyển lên tỉnh, tỉnh họp ban chỉ đạo liên ngành để quyết. Nhưng NH vốn là “nút thắt” quan trọng để xét duyệt cho vay lại không nằm trong các tổ tư vấn, chỉ đạo từ cấp xã và huyện mới dẫn đến tình trạng khi ngư dân đủ tiêu chí được vay lại không đảm bảo năng lực tài chính nên bị loại.
Ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng kinh tế ngành, NH Nhà nước thừa nhận tiến độ đang khá chậm. Vừa rồi mới có thêm một số tỉnh phê duyệt được danh sách cho vay đợt hai. Vẫn theo lãnh đạo này, vì NH phải chờ danh sách chuyển lên sẽ mất thời gian và không thẩm định được chính xác. Do đó, NH Nhà nước vừa có công văn gửi tới 28 UBND tỉnh, thành đề nghị để các NH được tiếp cận đối tượng ngay từ đầu, đưa vào ban chỉ đạo, tổ tư vấn, thẩm định của tỉnh. Tuy nhiên, điều mà ông Đông thừa nhận là khi chính sách đi vào thực tiễn, phần lớn ngư dân không đáp ứng được nguồn vốn đối ứng.
“Đóng một con tàu 5 - 7 tỉ đồng nên ngư dân rất lo lắng. Nó quá lớn so với khả năng tài chính của họ. Trong khi nhà nước chỉ bao cấp phần lãi thôi còn gốc thì họ phải trả. Một con tàu 7 tỉ đồng, 10% đối ứng phải là 700 triệu đồng, ngư dân tích lũy không dễ. Vốn đối ứng đang là vấn đề rất gay go”, ông Đông nói.
Vẫn theo lãnh đạo này, ngoài vốn, rào cản hiện nay do việc thiết kế mẫu tàu cũng chưa phù hợp. Ngư dân muốn tàu đa năng, thiết kế theo từng chủng loại lưới vây, lưới quét, máy tàu mua cũ cho rẻ hơn... tàu vỏ sắt sử dụng không quen, chi phí đầu tư lớn. Còn theo quy định hiện tại máy đầu tư cho công suất lớn phải là máy mới. “Khó khăn nên vừa rồi Chính phủ chỉ đạo Bộ NN-PTNT phải có ý kiến chính thức về thiết kế mẫu tàu”, ông Đông cho biết thêm.
“Ông hăng hái, ông lại vật vờ thì không được”
Một chủ trương lớn, cả hệ thống chính trị vào cuộc để giúp đỡ ngư dân đổi đời, vừa mang mục đích thiêng liêng góp phần bảo vệ chủ quyền mà triển khai ì ạch thì theo chuyên gia tài chính TS Ngô Trí Long không thể chấp nhận được. Ngay từ ban đầu, người làm chính sách đã “mắc” phải sự chủ quan lớn khi không khảo sát kỹ lưỡng nhu cầu, thực tiễn đời sống của ngư dân mới dẫn tới gần 100 mẫu tàu đưa ra đều không phù hợp. “Người làm chính sách thường dễ áp đặt sự chủ quan, không lên tàu ra ngư trường với ngư dân thì làm sao biết được họ cần mẫu tàu như thế nào. Khi nhận ra khuyết điểm thì sửa quá chậm, như vậy thì làm sao mà vốn không tắc, ngư dân không mòn mỏi ngồi chờ”, ông Long nói và đề xuất, các NH phải đảm bảo an toàn khi cho vay nhưng cũng nên thông thoáng hơn, chủ động vào cuộc tư vấn hỗ trợ cho ngư dân. Đặc biệt, nguồn vốn đối ứng phải kiến nghị Chính phủ xem xét lại.
Nguyên Thống đốc NH Nhà nước, TS Cao Sĩ Kiêm đánh giá, chủ trương là hoàn toàn đúng đắn nhưng đáng tiếc chính sách đưa ra lại chưa phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, khâu xét duyệt đối tượng được vay mất cả tháng trời tại các địa phương, rồi mới chuyển hồ sơ qua các NH là quá lâu. “Chúng ta thấy ngư dân thiếu vốn cứ ào ào tìm cách để lo vốn mà quên đi các điều kiện khác dẫn tới thủ tục thì rối rắm, mẫu tàu không đạt”, TS Kiêm nhận định.
Tuy nhiên, với một chính sách lớn, nòng cốt như trên, điều đáng phải suy ngẫm nhất theo TS Kiêm là sự vào cuộc quá chậm của các ban, ngành; sự phối hợp lệch pha, không thống nhất. Ông đề xuất, khi đã sai thì phải sửa ngay cho phù hợp với thực tiễn. “Ông hô hào, ông lại vật vờ ngãng ra. Không chịu ngồi lại với nhau bàn bạc tháo gỡ thì ngư dân cũng chán nản. Bây giờ chính sách ra nhưng cứ hô hào rồi để đấy thì cũng bằng không”, ông Kiêm khuyến cáo.
Người làm chính sách thường dễ áp đặt sự chủ quan, không lên tàu ra ngư trường với ngư dân thì làm sao biết được họ cần mẫu tàu như thế nào. Khi nhận ra khuyết điểm thì sửa quá chậm, như vậy thì làm sao mà vốn không tắc, ngư dân không mòn mỏi ngồi chờ
TS Ngô Trí Long