Đại biểu QH lo Dự án cao tốc Bắc Nam bị đội vốn

VietTimes -- Nhiều đại biểu lo ngại dự án lớn, phải triển khai trong thời gian dài và trên diện rộng nên sẽ có nhiều phát sinh và cần phải tính toán cụ thể.
Ảnh minh họa - Nguồn: BGTVT
Ảnh minh họa - Nguồn: BGTVT

Chiều 8/11, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về chủ trương đàu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Tại phiên họp, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP. HCM) đánh giá tờ trình của Chính phủ về nguồn vốn cho dự án này là khả thi. Nguồn vốn có hạn trong khi nhu cầu đầu tư lớn nên chỉ đầu tư 654km đối với các dự án BOT, đầu tư công là hợp lý. Tuy nhiên, ĐB Ngân bày tỏ băn khoăn về con số phát sinh của dự án. Ông cho rằng, dự án làm trong thời gian dài, diễn ra trên diện rộng, sẽ có nhiều phát sinh và điều này cần phải tính toán kỹ.

Cùng quan điểm trên, ĐB Phạm Phú Quốc, TGĐ Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước Tp. HCM cho rằng, mức đầu tư với dự án này thấp hơn mức do Bộ Xây dựng công bố và thấp hơn nhiều so với các dự án khác đã triển khai.

Đại biểu Quốc nhận định mức đầu tư dự án thấp nên cần phải tính toán dự phòng đến việc đội vốn. Bởi theo ông đây là dự án trọng điểm quốc gia, nếu đội vốn thì buộc phải ra QH để xin điều chỉnh, như vậy sẽ rất rườm ra, mất thời gian.

Bên cạnh những ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Minh Đức (Đoàn Tp. HCM) lại đặt vấn đề về tác động khi dự án này hoàn thành. Ông đặt câu hỏi những con đường hiện tại hiệu quả hoạt động sẽ ra sao.  Vì nếu làm đường cao tốc, rồi đường sắt cao tốc ra đời thì Quốc lộ 1, đường sắt hiện tại sẽ ra sao.

Ông Đức dẫn chứng việc cao tốc Hà Nội – Hải Phòng sau khi hoàn thành thì vắng người đi, để hoàn vốn thì phí phải cao nên xe đi càng vắng, phương tiện dồn hết sang Quốc lộ 5. “Như thế là không hiệu quả” – ĐB Đức đánh giá. Vì vậy, vị đại biểu đoàn TP. HCM đề nghị Chính phủ cần tính kỹ, vì theo tờ trình chỉ có 3 tuyến là đầu tư công, còn lại là hợp tác công tư BOT.