Ngày 13/6, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận tại Hội trường về Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Theo Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, “đây là dự án luật rất quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn, tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế xã hội và nhận được sự quan tâm, kỳ vọng lớn của nhân dân”.
Tuy nhiên, ông Lưu cũng lưu ý “đây cũng là một dự án luật khó, có nhiều chính sách mới phức tạp, qua thảo luận tại tổ đại biểu Quốc hội vẫn còn nhiều nội dung đang còn ý kiến khác nhau như những vấn đề về mở rộng hay thu hẹp đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập, cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản thu nhập, xử lý tài sản thu nhập kê khai không trung thực, tài sản thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc..”
Nộp thuế thu nhập cá nhân 1 năm chỉ một vài triệu liệu có mua được nhà, được xe?
Trong phần thảo luận buổi sáng, nhiều đại biểu quan tâm đến quy định đánh thuế thu nhập cá nhân 45% đối với tài sản kê khai không trung thực, tài sản tăng thêm mà không giải trình được nguồn gốc.
Đại biểu Mùa A Vảng, đoàn Điện Biên đặt vấn đề: “thực tế có thể xảy ra trường hợp tài sản tăng thêm không phải do phạm tội mà có như thừa kế tài sản, cho, tặng. Trường hợp này, người kê khai tài sản đã giải trình nguồn gốc tài sản hợp lý. Tuy nhiên, cơ quan kiểm soát tài sản cũng có lý do không chấp nhận vì tài sản thiếu giấy tờ chứng minh”. Nên theo đại biểu Vảng, khi đó chấp nhận hay không lại có phần thuộc về chủ quan của cơ quan kiểm soát nhưng cũng không chứng minh được tài sản do phạm tội mà có.
Đại biểu Bế Minh Đức , đoàn Cao Bằng - Ảnh: QH
|
Cùng quan điểm, đại biểu Bế Minh Đức, đoàn Cao Bằng nêu thực trạng ”ở nước ta hiện nay việc quản lý toàn bộ thu nhập từ đầu vào của công chức là hết sức khó khăn, cán bộ, công chức ngoài tiền lương còn có nhiều khoản thu nhập hợp pháp khác như thu từ thù lao giảng dạy, làm báo cáo viên kiêm nhiệm, tham gia nghiên cứu khoa học, tham gia thị trường bất động sản, chứng khoán v.v... đã giúp họ thu về những khoản lợi nhuận gấp nhiều lần tiền lương”.
Tuy nhiên, đại biểu Đức cho rằng, vì nhiều lý do họ có thể che giấu không kê khai đầy đủ để trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế và việc che giấu không kê khai này là sai, trái với quy định nhưng theo quan điểm luật học cũng không thể quy kết đó là tài sản không hợp pháp.
“Mặc dù ai cũng có quyền nghi vấn về thu nhập, tài sản vượt trội của cá nhân đó nhưng ở góc độ pháp luật chúng ta không thể nhìn nhận tài sản, thu nhập đó là bất hợp pháp, chừng nào chưa chứng minh được tài sản của họ có được là bất hợp pháp thì nguyên tắc vẫn phải suy đoán tài sản đó là hợp pháp” – đại biểu Đức nhấn mạnh.
Trái với những quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, đoàn An Giang lại cho rằng “hầu hết thu nhập cá nhân hiện nay từ lương, thưởng, buôn bán, trúng vé số, cho, tặng, thừa kế những tài sản lớn đều phải kê khai thuế thu nhập cá nhân”.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, đoàn An Giang
|
“Không có lý do gì mà thu nhập thuế cá nhân một năm chỉ có khoảng 1 đến 2 triệu mà người đấy vẫn có thể mua được nhà, xe” – ông Hiếu lập luận.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, đoàn Quảng Bình chia sẻ, khi đọc phần này (điều 59 xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc thu nhập thêm có nghĩa vụ kê khai), ông trả lời báo chí là đồng tình phương án xử phạt thu 45% trở lên, nhưng khi nghiên cứu kỹ các trường hợp này ông thấy “những điều quy định như vậy không đúng pháp luật”.. Trong Luật Hình sự cũng quy định 2 hình thức: một là truy tố hình sự; hai là xử lý kỷ luật, cách chức, cảnh cáo, v.v....”.
Cơ quan kiểm soát độc lập tài sản liệu có cần thiết?
Dành nhiều thời gian để bày tỏ quan điểm của mình về thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập tại điều 32 của dự luật, đại biểu Cao Thị Xuân, đoàn Thanh Hóa cho rằng “Điều 32 của dự thảo luật xây dựng hai phương án về vấn đề này cho thấy rằng dữ liệu để so sánh hai phương án là không đồng nhất.”
Bà Xuân phân tích, trong phương án 1, không xuất hiện giả thiết về các cơ quan đặc thù như Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị xã hội như nêu tại khoản 4, khoản 5 của phương án 2. Nếu theo phương án này, Thanh tra Chính phủ không thể bao phủ hoạt động lên cả các cơ quan tư pháp, kiểm toán và các cơ quan của Quốc hội.
Ngược lại, phương án 2 tuy nêu khá đầy đủ, rành mạch nhưng một số quy định lại khiến tính minh bạch của các điều khoản trước đó rơi vào bế tắc. Vì không định hình nổi đây là cơ quan, tổ chức nào.
Nên theo bà Xuân, cần xem xét hình thành một cơ quan độc lập chuyên trách về vấn đề này.
Ấn tượng với lập luận của đại biểu Xuân, đại biểu Nguyễn Văn Pha, đoàn Nam Định xin tranh luận.
Theo đó, đại biểu Pha đánh giá ý kiến của đại biểu Xuân là “hết sức sắc sảo” khi cho rằng cả 2 phương án về cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập đều khiếm khuyết, muốn đề xuất cơ quan độc lập cho việc này.
Tuy nhiên, ông lo lắng nếu thế sẽ tăng bộ máy, tăng biên chế, như vậy sẽ trái với chủ trương chung.
Nhưng đại biểu Pha cũng nói với việc hệ trọng thế này thì việc thành lập cơ quan mới cũng đáng để đầu tư, nhưng không làm tăng biên chế.
“Hiện nay ở nước ta đang có 3 cơ quan phòng, chống tham nhũng cấp cục, đó là ở Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an. Nếu chúng ta quyết tâm thành lập một cơ quan mới như chị Xuân đề nghị hoàn toàn có thể lấy người 3 cơ quan đó vừa có chuyên môn, kinh nghiệm mà không tăng biên chế” – ông Pha đặt vấn đề.
Ông lấy dẫn chứng từ thực tế một số nước trên thế giới như: Bungari và Rumani. Ở đó Quốc hội thành lập 2 cơ quan, một cơ quan về kiểm soát tài sản của công chức, một cơ quan chống tham nhũng hoạt động rất hiệu quả.
“Tôi đề nghị Quốc hội nên thành lập một cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập của cán bộ, công chức và chịu sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”- vị đại biểu đoàn Nam Định đề xuất.
Đại biểu đề xuất có danh hiệu “dũng sĩ diệt tham nhũng” Trong phần trình bày của mình, đại biểu Nguyễn Bắc Việt, đoàn Ninh Thuận cho rằng, trong luật chỉ nói đến xử lý vi phạm, nói về khen thưởng đối với những người có thành tích trong phòng, chống tham nhũng có nêu ở Điều 76 nhưng chưa rõ. Theo ông, trong chống Mỹ ta có danh hiệu "dũng sĩ diệt Mỹ thì bây giờ nên có danh hiệu "dũng sĩ diệt tham nhũng”. “Điều này thể hiện quyết tâm của Đảng và chúng ta mong muốn phát huy vai trò của nhân dân trong cuộc chiến này’ – ông Việt nhấn mạnh. |