HĐXX tiến hành xét hỏi nhiều bị cáo. Trong đó, bị cáo Ngô Hải Nam, Giám đốc chi nhánh Quảng Ninh khai, chủ trương chi lãi suất ngoài bị cáo tiếp nhận qua một cuộc họp giao ban, có Chủ tịch, sau khi tiếp nhận bị cáo triển khai đến các trưởng phòng, các trưởng phòng sẽ làm đầu mối và chuyển cho các cán bộ. Tổng số tiền chi nhánh chăm sóc khách hàng của chi nhánh là 15 tỷ, có 4 khách hàng tổ chức nộp lại với tổng số tiền 287 triệu đồng.
Bị cáo Ngô Hải Nam trình bày trước tòa: Thực ra khi bị truy tố bị cáo mới biết điều 165 và tìm hiểu. Trong bối cảnh như thế bị cáo phải làm chắc các anh chị đã giải thích cho quý Toà. Tuy nhiên, xin quý tòa xem xét yếu tố là trong gần 4 năm chi nhánh gần 15 tỷ chăm sóc khách hàng nhưng cũng trong thời gian đó, chi nhánh đạt lợi nhuận 88 tỷ.
Bị cáo Nguyễn Thị Kiều Liên – cựu GĐ chi nhánh Vũng Tàu khẳng định không nhận bất kỳ khoản tiền nào để chi lãi ngoài. Mà trong thời gian 2011 – 2014, chi nhánh đã chi 45 tỷ đồng tiền chăm sóc khách hàng và việc chi này là theo chỉ đạo của Chủ tịch Hà Văn Thắm.
Trong số các doanh nghiệp nhận "chăm sóc khách hàng", bị cáo Liên liệt kê có một số doanh nghiệp ngành dầu khí như Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro, PVOIL Vũng Tàu…
Bị cáo Liên đề nghị HĐXX xem xét vì trong hoàn cảnh khó khăn của lĩnh vực tín dụng thời gian đó, áp lực huy động vốn của cán bộ ngân hàng rất lớn. Bị cáo Liên cho biết, giai đoạn này ông Hà Văn Thắm từng nói: “Nếu anh chị nào không làm được thì đứng sang một bên cho người khác làm. Và thực tế thì đã có nhiều anh chị đã phải “đứng sang một bên”.
Bị cáo Nguyễn Quốc Chiến, Giám đốc Chi nhánh Sài Gòn khai tiếp nhận chủ trương thu lãi suất ngoài thông qua email, chat Skype từ Hội sở về việc chi lãi ngoài. Bị cáo mong VKS, HĐXX xem xét có cái nhìn khoan dung đối với hoàn cảnh của các bị cáo, mong 227 người khác được xử lý hành chính, các Giám đốc Chi nhánh ở đây không hình sự hóa để các bị cáo được cống hiến cho xã hội.
Còn bị cáo Hoàng Bích Vân, Giám đốc chi nhánh TP.HCM khai bị cáo chỉ là người làm công ăn lương, chủ trương thu phí thì bị cáo không biết. Theo cáo trạng số tiền chi chăm sóc khách hàng của chi nhánh là 21,8 tỷ đồng nhưng bị cáo không biết về mảng cá nhân vì bị cáo không phụ trách mảng này, bị cáo chỉ phụ trách mảng doanh nghiêp. Mảng doanh nghiệp là 8,2 tỷ, trực tiếp bị cáo chi 2,5 tỷ.
Bị cáo khai chỉ là người làm công ăn lương không hưởng lợi gì, 4 năm mang về cho ngân hàng hơn 260 tỷ, bị cáo không có suy nghĩ gì, chỉ nghĩ là làm lợi cho ngân hàng, không biết nguồn tiền chi ngoài từ đâu ra.
TAND Thành phố Hà Nội triệu tập bà Võ Thị Thanh Xuân, vợ của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên TGĐ OceanBank đến để trả lời các câu hỏi liên quan đến tài sản của Nguyễn Xuân Sơn.
Bà Võ Thị Thanh Xuân khai không nhận và chuyển tiền cho chồng là Nguyễn Xuân Sơn, cũng không liên quan gì đến các hoạt động đầu tư của Sơn ngoài việc cá nhân bà Xuân có đầu tư hơn 3 tỷ đồng vào dự án StarCity Lê Văn Lương do OceanGroup làm chủ đầu tư, sau đó bà Xuân đã rút lại tiền do giá cao.
Quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã kê biên một số tài sản liên quan đến hai vợ chồng Sơn, trong đó có một căn nhà trên đường Xuân Diệu và một căn nhà tại KĐT Ciputra. Bà Xuân khai ngôi nhà này hiện do bố chồng mình quản lý.
Đối với căn hộ phòng 2006 tại KĐTM Dịch Vọng, bà Xuân khai “có nghe loáng thoáng” chồng mình nói đến, ngoài ra không biết gì hơn vì hai vợ chồng gần như độc lập về kinh tế.
HĐXX hỏi ngoài ra có ngôi nhà nào khác, bà Xuân khai do bản thân là nhà đầu tư BĐS nên cứ mua đi bán lại, tại thời điểm này chỉ có 2 căn. Đối với hoạt động đầu tư chứng khoán, bà Xuân khai do thường thua lỗ nên đã dừng đầu tư. “Còn anh Sơn có đầu tư hay không thì tôi không biết, nhưng chắc là có” - bà Xuân nói.
Tại Tòa, vợ của Nguyễn Xuân Sơn khóc và xin được hủy bỏ việc kê biên đối với căn nhà mà bà và mẹ chồng đang ở. Bà nói: “Đối với căn nhà tại Ciputra, nó có nguồn gốc từ thời bố mẹ chồng tôi, hiện UBND Phường đã chứng nhận mẹ tôi sinh sống tại đó từ năm 1991. Tôi tha thiết xin quý Toà không kê biên căn nhà mẹ chồng tôi và tôi đang ở tại Ciputra”.