Đúng lịch hẹn, 3h30’ chiều Chủ nhật (26/02/2017), tôi có mặt tại một khách sạn nhỏ trên đường Hai Bà Trưng. Có vài người đã ngồi chờ sẵn chỗ quầy lễ tân. Tôi không nhận ra họ, và họ cũng chỉ ngờ ngợ đoán ra tôi. Cuộc hẹn mới chỉ được lên lịch, theo một cách hú họa, cách đó ít tiếng. Trước đó, tôi với họ chưa từng biết và chưa từng liên hệ với nhau.
Họ từng là Giám đốc, Phó Giám đốc các chi nhánh và phòng giao dịch lớn trên khắp cả nước của một ngân hàng. Từ nhiều tháng trước, họ đã bị chuyển xuống làm chuyên viên. Họ bị cách chức.
Nhưng tôi tin, chuyện chức tước lúc này có lẽ chẳng còn làm họ mảy may, kể cả có xảy ra một kịch bản xấu hơn nữa, là bị sa thải hay thất nghiệp.
Sáng sớm mai, tức là còn khoảng hơn chục tiếng đồng hồ, họ sẽ rời khách sạn, cuốc bộ chéo sang bên kia đường. Điểm đến là số 43 – Đường Hai Bà Trưng – Phường Trần Hưng Đạo – Quận Hoàn Kiếm, trụ sở Tòa án Nhân dân Tp. Hà Nội.
Thứ Hai ngày 27/02/2017, tại đó, TAND TP Hà Nội sẽ đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án Hà Văn Thắm cùng 47 bị cáo tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank).
Họ, đáng tiếc, lại có tên trong danh sách 48 bị cáo của đại án được đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng và lớn bậc nhất trong lịch sử tố tụng ngân hàng Việt Nam.
Theo cáo trạng, trên cương vị Giám đốc, người đứng đầu các chi nhánh, phòng giao dịch, các bị cáo, đã tiếp nhận chủ trương chi lãi ngoài đối với khách hàng gửi tiền từ lãnh đạo OceanBank, Giám đốc các Khối nghiệp vụ. Sau đó phân công, chỉ đạo các nhân viên tại Chi nhánh thực hiện chi tiền ngoài lãi suất huy động cho khách hàng. Những việc làm này vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước về trần lãi suất huy động, gây thiệt hại lớn cho OceanBank. Cơ quan điều tra xác định vai trò của 34 bị can này là đồng phạm giúp sức tích cực cho ông Hà Văn Thắm thực hiện hành vi phạm tội.
Họ bị đề nghị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự.
“Họ nghĩ tôi được chia phần, được nhiều tiền lắm”
“Thật ra đến giờ phút này chúng tôi vẫn chưa hiểu thế nào là “cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng”. Tôi đã phải hỏi rất nhiều người, rằng tội ấy là như thế nào. Chúng tôi chỉ là những người làm công, thực hiện theo chỉ đạo, chúng tôi chăm sóc khách hàng, để huy động vốn. Chúng tôi muốn làm lợi cho ngân hàng…”, tiếng nấc cắt ngang câu chuyện của người phụ nữ từng một thời là Giám đốc Chi nhánh của OceanBank.
Một đồng nghiệp khác, bình tĩnh hơn: “Tôi cứ tự hỏi giai đoạn đấy, liệu chúng tôi không làm như vậy có được không? Lạm phát thực tế lên đến 18%, 19%, trong khi trần lãi suất là 14%, OceanBank lại là ngân hàng nhỏ. Không chăm sóc khách hàng (huy động với lãi suất vượt trần- NV), không huy động được tiền gửi mới đã đành, khách hàng đang gửi tiền cũng sẽ rút tiền đi gửi nơi khác. Áp lực thanh khoản, không chăm sóc khách hàng, ngân hàng không thể tồn tại”.
“Thực tế là các chi nhánh vẫn đảm bảo hoạt động và có lợi nhuận. Chúng tôi chỉ nỗ lực vì sự tồn tại của ngân hàng. Ngoài đồng lương, chúng tôi không tư lợi cái gì. Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ… Kể cả sau khi anh Thắm bị bắt, tôi cũng chưa từng nghĩ mình sẽ bị khởi tố…”, tiếng nấc lại chẹn lời.
Một người trong số họ, nhắc lại một chi tiết trong kết luận điều tra, để khẳng định cho việc “không tư lợi”: Trong quá trình điều tra các bị can thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với Cơ quan điều tra thu thập tài liệu, chưa phát hiện tài liệu thể hiện họ nhận tiền hay lợi ích vật chất cá nhân, các bị can đều có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu. Vì vậy trong quá trình truy tố, xét xử đề nghị xem xét giảm nhẹ trách nhiệm.
Lại một vị khác: “Nhiều người - thậm chí là cả người thân, bạn bè - thấy báo chí viết rằng, đây là vụ án tham nhũng, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng, còn gọi điện cho tôi hỏi”.
“Họ nghĩ tôi được chia phần, được nhiều tiền lắm”, nơi khóe mắt đỏ sọc vì thiếu ngủ của người đàn ông bỗng lóng lánh đầy cay đắng.
Những câu nói ngắt quãng
Trời Hà Nội về chiều càng hanh buốt, người phụ nữ ngồi cạnh tôi – từng phụ trách một chi nhánh phía Nam của Ocean Bank, có lẽ không quen với cái rét miền Bắc, thi thoảng lại rùng mình.
Tôi hỏi họ - những người mà ít giờ nữa sẽ lần đầu đừng trước vành móng ngựa, rằng lúc này họ đang nghĩ gì (?).
“Trống rỗng”, “bất an”, “hoang mang”, “lo lắng”, “sợ” . Họ đã đáp lại tôi bằng những tính từ như vậy và đại loại vậy. Những gương mặt thất thần.
Họ biết ngày này sẽ đến. Có người bảo còn chờ ra trước Tòa. Trong số họ, người nhận quyết định khởi tố sớm nhất là vào tháng 1/2016 – một cán bộ thuộc Hội sở. Còn các giám đốc Chi nhánh, như họ kể, hầu hết bị khởi tố bị can sau đó 3 tháng.
“Chúng tôi thực sự bàng hoàng. Chúng tôi chưa từng nghĩ Ocean Bank có thể bị như vậy. Định kỳ 2 năm có một cuộc kiểm tra của cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng nhà nước, định kỳ một năm cơ quan thuế kiểm tra một lần, kiểm toán độc lập mỗi năm một lần, chưa kể ban kiểm soát nội bộ, rồi ban kiểm soát của Đại hội đồng cổ đông… Nhưng suốt nhiều năm, chúng tôi không nhận được cảnh báo bất thường nào trong hoạt động của OceanBank. Chúng tôi không được cảnh báo rằng mình đang làm sai”, một cán bộ phụ trách khối trên Hội sở OceanBank chia sẻ.
Kể về những ngày đã qua, họ nói: “Mỗi ngày, tôi đều phải nghĩ ra thật nhiều việc để làm. Tôi muốn mình thật bận”; “Tôi không thể ngủ nổi”; “Con gái tôi hỏi: Sao bố không đi làm”;…
Cuộc sống của những con người này và gia đình họ đã đảo lộn hoàn toàn sau biến cố. “Bố tôi mới mất, ông cụ sốc quá. Còn mẹ tôi thì bỏ vào Lâm Đồng, theo tu ở một ngôi chùa”; “Nhà tôi vốn là một gia đình có truyền thống. Mẹ tôi là giảng viên, ông ngoại tôi chính là người được giao trọng trách trong “tuần lễ vàng” năm 1945. Vậy mà…”; “Tôi đã phải đi viện mấy lần. Tôi vẫn chưa hết sốc”… Vẫn là những câu nói ngắt quãng.
“Các anh chị ở Hà Nội, nhà nào biết nhà nấy, còn đỡ. Chúng tôi ở tỉnh… miệng lưỡi thế gian. Chắc sau này, nhà tôi phải chuyển đi nơi khác”, một người đàn ông nói với ánh mắt trũng sâu. Dường như ông định nói thêm gì đó, nhưng rồi lại thôi, mắt đăm đăm ngước lên trần nhà như vô hồn.
Không ai bảo ai, câu chuyện lại quay về những đứa con. Tôi thoáng thấy môi họ mím lại. “Con gái tôi vừa vào đội tuyển học sinh giỏi thành phố, cháu sắp đi thi quốc gia”; “Mọi chuyện đột ngột quá, tôi vốn là lao động chính, rồi sẽ ra sao”; “Em phải chuyển cho con sang uống loại sữa khác. Dù gì thì cũng phải tính toán, không như trước được nữa”;…
Họ có trách ông Hà Văn Thắm?
Khá bất ngờ, khi những con người này, ở trong tình cảnh này vẫn giữ một ánh nhìn thiện cảm với người chủ cũ của họ, ông Hà Văn Thắm.
“Chúng tôi rất tôn trọng sếp Thắm. Tôi ở chi nhánh, không tham gia và không biết những việc khác mà sếp Thắm đã làm, đúng sai ra sao rồi đây Tòa sẽ làm rõ. Nhưng như cảm nhận của tôi, sếp là người rất cởi mở và dễ chịu với nhân viên”, cựu Giám đốc một Chi nhánh, người vốn gắn bó với OceanBank từ thời Ngân hàng Nông thôn Hải Hưng chia sẻ.
Một cựu cán bộ khác: “Tôi còn nhớ, có một lần tôi đi công tác nước ngoài, tôi có mua quà cho anh Thắm. Anh nhắc tôi là lần sau không cần phải thế...”.
Ngày mai, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội sẽ khai mạc phiên xét xử sơ thẩm đầu tiên của vụ án. Các anh chị cũng sẽ có cơ hội gặp lại ông Hà Văn Thắm và nhiều cựu lãnh đạo khác của OceanBank sau hơn 2 năm. Nếu được trò chuyện, các anh chị sẽ nhắn nhủ gì với họ?
- Giờ này thì còn biết nói gì nữa. Thôi thì chỉ biết bảo anh chị em cố gắng giữ gìn sức khỏe, động viên lẫn nhau thôi”, một cựu Giám đốc mang chất giọng đặc trưng của một tỉnh Bắc Trung Bộ lên tiếng. Những người khác cũng tỏ ý đồng tình.
Sự việc buồn hôm nay của các anh các chị ít nhiều cũng có phần trách nhiệm của ông Hà Văn Thắm và những cựu lãnh đạo cấp cao khác của OceanBank. Các anh chị có trách hay hận gì họ không?
- Thực ra chúng tôi đều có cảm giác chung là không ai giận gì các anh các chị ấy cả. Tôi cũng không trách gì sếp Thắm! Phần nào chúng tôi hiểu được hoàn cảnh là tại sao các anh các chị ấy phải đưa ra quyết định này. Nên hầu hết như mọi người chia sẻ, không ai hận hay giận rằng các anh các chị ấy, rằng đã đưa chúng tôi vào cơ sự ngày hôm nay.
Tất nhiên là ở đây chúng tôi chỉ nói về khía cạnh huy động nguồn vốn, những điều liên quan trực tiếp tới chúng tôi.
Nếu được lựa chọn lại, các anh chị có vẫn tiếp tục làm ngân hàng. Và nếu làm ngân hàng thì các anh chị có chọn OceanBank đề đầu quân?
- Có lẽ không! Tôi sẽ không làm ngân hàng nữa.
“Nếu làm ngân hàng, thì tôi chọn làm phòng nhân sự, hoặc bộ phận nào khác, không có rủi ro” – một ý kiến khác, cũng không khác là mấy.
Sau các phiên xét xử, trước khi nghị án, Tòa sẽ cho các bị cáo nói lời cuối cùng. Anh chị nghĩ mình sẽ nói gì?
- Tôi đã cố gắng hết mình vì công việc, vì ngân hàng. Chuyện huy động vốn cũng chỉ là một hành vi mang tính thị trường, bản thân chúng tôi không có tư lợi gì ở đây. Tôi không nghĩ mình là tội phạm. Bạn bè đồng nghiệp tôi cũng nhận thức như vậy, có chăng đây là một tai nạn nghề nghiệp. Tôi chỉ mong sao Tòa xem xét thật thấu đáo, công minh. Chúng tôi cũng mong chờ sự thấu hiểu và khoan dung của Tòa và của công luận.
Ngày 27/2, phiên sơ thẩm đại án ngân hàng OceanBank sẽ chính thức được khai mạc. Mọi sự chú ý sẽ được dồn vào những cái tên như Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Thị Minh Thu…
Các nhân vật mà tôi vừa gặp, cũng là những bị cáo trong đại án này. Đằng sau họ không chỉ là 34 mảnh đời, đó còn là 34 gia đình và hơn thế nữa. Nửa phần đời về sau của họ sẽ bắt đầu từ phiên xét xử ngày mai./.