Đà Nẵng: Xây dựng khung chính sách thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes - Để hiện thực hóa định hướng phát triển kinh tế số, Đà Nẵng vừa ban hành quyết định tạo điều kiện thúc đẩy cho doanh nghiệp số phát triển, nâng tỷ trọng đóng góp cho nền kinh tế địa phương.
Ông Trần Ngọc Thạch - Phó Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng.
Ông Trần Ngọc Thạch - Phó Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng.

Nhằm triển khai Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam và định hướng phát triển Đà Nẵng trở thành “TP thông minh”, Đà Nẵng vừa ban hành Quyết định số 3266/QĐ-UBND nhằm tạo động lực phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn, tiến tới nâng tỷ trọng đóng góp GRDP cho Đà Nẵng trong thời gian tới.

Quyết định được xem là bước đột phá mới của Đà Nẵng trong xu hướng phát triển kinh tế số, trong đó doanh nghiệp công nghệ số đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế địa phương. Để hiểu rõ hơn về quyết định này, VietTimes đã có cuộc trao đổi riêng với ông Trần Ngọc Thạch - Phó Giám đốc Sở TT&TT TP. Đà Nẵng.

Đột phá, tạo động lực cho doanh nghiệp công nghệ số

 - Quyết định số 3266/QĐ-UBND do UBND TP. Đà Nẵng vừa ban hành được xem là động thái mới nhằm thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số tại địa phương. Ông có thể cho biết những điểm đột phá của quyết định này?

Ông Trần Ngọc Thạch: Đúng vậy, nội dung có thể tóm gọn với 3 điểm đột phá chính.

Thứ nhất, kế hoạch đưa ra các nhiệm vụ toàn điện để thực hiện để phát triển doanh nghiệp công nghệ số Đà Nẵng, bao gồm 6 nhóm: Xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển doanh nghiệp công nghệ số; Phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp số; Phát triển sản phẩm công nghệ số; Phát triển nhân lực công nghệ số; Phát triển doanh nghiệp công nghệ số và Xúc tiến đầu tư, phát triển thị trường và truyền thông.

Đột phá thứ hai đó là kế hoạch đưa ra các nhiệm vụ cụ thể cần triển khai thực hiện đối với các chủ trương lớn của TP như: nghị quyết về phát triển hạ tầng CNTT và truyền thông tiếp cận xu hướng Cách mạng công nghiệp 4.0; chương trình về “Tập trung đầu tư phát triển, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, điện tử, viễn thông phù hợp với xu hướng Cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với xây dựng chính quyền điện tử, TP thông minh”,… Có thể khẳng định, kế hoạch bảo đảm triển khai khả thi.

Một điểm đột phá nữa đó là Đà Nẵng xác định doanh nghiệp công nghệ số tham gia phục vụ phát triển kinh tế địa phương với tỷ trọng đáng kể, góp phần xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, ứng dụng thành tựu công nghệ số rộng khắp trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội và thực hiện chuyển đổi số tại Đà Nẵng và quốc gia.

Như vậy, với định hướng mới này, Đà Nẵng xác định được vai trò của doanh nghiệp công nghệ số tại địa phương, cũng như bảo đảm đầu ra cho sản phẩm của doanh nghiệp trong tỷ trọng kinh tế địa phương.

Cổng Dịch vụ dữ liệu TP. Đà Nẵng đoạt giải thưởng chuyển đổi số năm 2020 của Hội Truyền thông số Việt Nam
Cổng Dịch vụ dữ liệu TP. Đà Nẵng đoạt giải thưởng chuyển đổi số năm 2020 của Hội Truyền thông số Việt Nam

- Với những nội dung về cơ chế, chính sách được nêu trong Quyết định 3266, liệu có tạo bước nhảy cho doanh nghiệp công nghệ số ở địa phương hay không thưa ông?

Ông Trần Ngọc Thạch: Với những nội dung mang tính đột phá, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp công nghệ số của kế hoạch mới này, vừa theo đúng tiêu chỉ phát triển của TP, vừa đảm bảo tính khả thi nên tôi tin tưởng quyết định sẽ tạo bước nhảy mạnh mẽ cho doanh nghiệp công nghệ số ở Đà Nẵng.

- Những năm qua, Đà Nẵng là một trong những địa phương Top đầu cả nước trong phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Ông có thể chia sẻ sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua? 

Ông Trần Ngọc Thạch: Có thể nói trong thời gian qua, doanh nghiệp công nghệ số ở Đà Nẵng đã phát triển khá mạnh mẽ. Nếu thời điểm năm 2014, Đà Nẵng chỉ có 400 doanh nghiệp CNTT và truyền thông thì đến cuối năm 2019, TP đã có 1.720 doanh nghiệp. 

Không những vậy, tăng trưởng trung bình đạt tỷ lệ khá cao, số lượng doanh nghiệp tăng 35%/năm. Đặc biệt đến tháng 9/2020 theo đánh giá của Bộ TT&TT, số lượng doanh nghiệp CNTT-TT/1.000 dân tại Đà Nẵng là 2,1 DN/1.000 dân, cao thứ 2 toàn quốc (chỉ thấp hơn TP. HCM) và chiếm gần 5% tổng doanh nghiệp công nghệ số toàn quốc.

Những doanh nghiệp tiêu biểu hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp điện tử trên địa bàn có thể nói đến như: Công ty Foster (Nhật Bản), Công ty Mabuchi Motor (Nhật Bản), Công ty Việt Hoa... Hay doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số như: FPT Software, Axon Active, Logigear, Magrabbit, Global Cybersoft, Enclave, AsNet, Asian Tech, NeoLab, Nippon Seiki,... đã có mặt tại Đà Nẵng từ khá lâu.

Đặc biệt, Đà Nẵng đã hình thành sản phẩm CNTT chủ lực ứng dụng công nghệ 4.0, Make in Da Nang như: Trạm đo mưa tự động (đã triển khai trên 1.100 trạm, tại gần 50 tỉnh thành trên toàn quốc); Hệ thống quan trắc môi trường tự động (nước, không khí); Hệ thống giao thông thông minh; Tường lửa (đạt Giải Ba VIFOTECH 2018); Camera thông minh giám sát cháy rừng; Cổng dữ liệu mở (đoạt giải thưởng chuyển đổi số năm 2020 của Hội Truyền thông số Việt Nam); Phần mềm quản lý và Cơ sở dữ liệu Cán bộ công chức, viên chức (đoạt giải thưởng Chuyển đổi số năm 2019),…  

Hay một số sản phẩm nền tảng (Platform) như: Cho và Nhận, Nền tảng quan trắc môi trường; XAGOe – Đấu Trường tri thức; Kho dữ liệu và hệ thống báo cáo thông minh; DX - Ứng dụng số hóa; Nền tảng Thương mại điện tử và xây dựng chuỗi cung ứng; Mô hình thông tin công trình (BIM); ZingPoll- Nền tảng khảo sát online,... 

Nhắc đến những nội dung đó để thấy Đà Nẵng đã có những phát triển mạnh mẽ và với sự phát triển đó, doanh thu toàn ngành CNTT và truyền thông năm 2019 đạt 30.050 tỷ đồng, trong đó doanh thu công nghiệp CNTT năm 2019 đạt 19.570 tỷ đồng, tăng 21,3% so với năm 2018, tốc độ tăng trưởng bình quân 16,5%/năm (giai đoạn 2014-2019). Kim ngạch xuất khẩu phần mềm ước đạt 89 triệu USD, tăng 14,3% so với năm 2018.

Và tính đến cuối năm 2019, ngành công nghiệp CNTT và truyền thông đã đóng góp 7,7% GRDP toàn TP. Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị VA của ngành công nghiệp CNTT và truyền thông trong giai đoạn 2015-2019 là 9%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDRP TP (7,3%/năm). Riêng 6 tháng đầu năm 2020 ảnh hưởng COVID-19, ngành CNTT và truyền thông vẫn tăng trưởng 4,69%.

Không chỉ tháo dỡ khó khăn mà còn là "bà đỡ" của doanh nghiệp!

- Trong quá trình phát triển khối doanh nghiệp công nghệ số, do đặc thù của ngành nên các doanh nghiệp sẽ gặp những khó khăn, thuận lợi nhất định. Vậy đó là những khó khăn gì? Và Đà Nẵng đã tháo gỡ các khó khăn đó cho doanh nghiệp ra sao?

Ông Trần Ngọc Thạch: Do đặc thù ngành, nên trong hoạt động, doanh nghiệp công nghệ số thường gặp nhiều khó khăn mặt bằng làm việc, nhân lực CNTT và một số chính hỗ trợ, kích cầu ban đầu. Đây là những khó khăn cốt lõi của doanh nghiệp.

Nắm bắt được những vấn đề này, Đà Nẵng đã có các hành động thiết thực để phát triển khối doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn. Đơn cử như vấn đề mặt bằng làm việc, ngoài Khu Công viên phần mềm số 1 đang khai thác hiệu quả (đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Khu CNTT tập trung), Đà Nẵng đang triển khai xây dựng Khu Công viên phần mềm số 2 (dự kiến khởi công vào tháng 10/2020) và đang làm việc với nhà đầu tư để mở rộng Công viên phần mềm số 1. 

Ngoài ra, Đà Nẵng còn có Khu CNTT tập trung Đà Nẵng (số 1) với diện tích 131 ha, và đang tìm kiếm, thu hút nhà đầu tư triển khai xây dựng Khu CNTT tập trung số 2 (tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang).

Đối với nguồn nhân lực CNTT, Đà Nẵng đang có gần 40 cơ sở đào tạo về lĩnh vực CNTT và truyền thông. Trong đó 20 trường đại học, cao đẳng và 18 trường trung cấp, trung tâm đào tạo nghề với số lượng nhân lực chuyên ngành CNTT và truyền thông cung cấp cho thị trường khoảng 4.000 kỹ sư, cử nhân. Đây là nguồn nhân lực có chất lượng để phục vụ phát triển ngành.

Một vấn đề quan trọng nữa đó là chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực CNTT. Trong thời gian qua, Đà Nẵng đã ban hành Đề án phát triển nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng, trong đó có lĩnh vực CNTT và truyền thông. Đặc biệt, Đà Nẵng chú trọng gia tăng đào tạo nguồn nhân lực CNTT và truyền thông tại TP cả về số lượng, chất lượng và kỹ năng; thu hút các sinh viên, kỹ sư các tỉnh thành khác đến Đà Nẵng làm việc; và thu hút các chuyên gia CNTT và truyền thông trong và ngoài nước.

Và đặc biệt nữ là đối với doanh nghiệp CNTT, Đà Nẵng đã áp dụng những chính sách ưu đãi về mặt bằng, hạ tầng, sở hữu trí tuệ, xúc tiến thương mại; tiếp cận các nguồn vốn để doanh nghiệp thực hiện các dự án.

Khu công nghiệp công nghệ thông tin Đà Nẵng - Danang IT Park
Khu công nghiệp công nghệ thông tin Đà Nẵng - Danang IT Park

- Quay trở lại với Quyết định số 3266/QĐ-UBND của UBND TP, lộ trình là đến 2025 sẽ hoàn thiện các cơ chế, chính sách cho việc phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Vậy kỳ vọng của Đà Nẵng trong thời gian tới như thế nào về việc phát triển số lượng doanh nghiệp, doanh thu cũng như lợi nhuận mang lại từ ngành, và nhất là tỷ lệ đóng góp cho GRDP TP trong tương lai?

Ông Trần Ngọc Thạch: Mục tiêu của ngành công nghiệp CNTT và truyền thông được đặt ra rất cụ thể, đó là đến năm 2025, ngành sẽ sẽ đóng góp 10% vào GRDP TP và đến năm 2030 là 15%. Đồng thời, công nghệ số sẽ hỗ trợ các ngành khác phát triển và để đến năm 2025 kinh tế số đóng góp 20% GRDP của TP. 

Về số lượng doanh nghiệp công nghệ số sẽ tăng từ 2,1 doanh nghiệp/1.000 dân như hiện nay sẽ tăng lên 5 doanh nghiệp/1.000 dân vào năm 2025, tăng gấp 5 lần so với chỉ tiêu toàn quốc (1 doanh nghiệp/1.000 dân).

- Xin cảm ơn ông!