Việc thay đổi phương án nhằm đáp ứng tiêu chí đảm bảo an toàn của người dân, du khách và các cơ sở vật chất khác, tạo được hiệu ứng đẹp bởi phối cảnh xung quanh khu vực sông Hàn và hiệu ứng từ mặt nước phù hợp với pháo hoa. Đồng thời, không gian xem pháo hoa mở, có thể xem từ nhiều hướng khác nhau nên không gây tốn kém chi phí xây dựng khán đài, người dân có thể xem từ hai bờ sông, trên các cầu và nhà hàng, khách sạn, tòa nhà lân cận…
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Đà Nẵng, để có thể bắn pháo hoa từ xà lan thì xà lan phải có kích thước 120x10m. Tuy nhiên hiện tại Đà Nẵng chưa có, tận dụng xà lan cũ thì không a toàn và đóng mới thì phải mất 7 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Đà Nẵng cũng đề xuất thay đổi thời gian tổ chức Cuộc thi. Cụ thể: 2 đội thi/ đêm và các đêm trình diễn cách nhau 3 ngày 2 đêm. Việc thay đổi thời gian thi nhằm tạo điều kiện cho các đội chuẩn bị, kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch, đồng thời là điểm nhấn để thu hút khán giả đến và tham gia những hoạt động phụ trợ diễn ra cùng thời điểm.
Sau khi lắng nghe các đơn vị đề xuất, ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu các cơ quan liên quan nghiên cứu phương án để DIFC 2017 được diễn ra tốt nhất. Đặc biệt là công tác tuyển chọn công ty tư vấn, đơn vị truyền thông quảng bá và vận động tài trợ cho cuộc thi.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị nghiên cứu triển khai các hoạt động phụ trợ mới, các sự kiện văn hóa du lịch lớn, mang tầm quốc tế diễn ra vào khoảng thời gian tổ chức DIFC nhằm tạo không khí sôi động, tăng tính hấp dẫn, thu hút người dân và du khách đến Đà Nẵng vào dịp này.