Cửu Long CIPM: Vốn chủ sở hữu 147 tỷ đồng, Tổng tài sản 32.195 tỷ đồng

VietTimes – Xin được nhấn mạnh vào hai chi tiết nêu trên ở Tổng công ty Đầu tư Phát triển và Quản lý Dự án Hạ tầng Giao thông Cửu Long (Cửu Long CIPM).
Được thành lập vào năm 2011 với vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng, nhưng tính tới cuối năm 2017, giá trị vốn thực góp ở Cửu Long CIPM mới là 136 tỷ đồng. (Ảnh: Internet)
Được thành lập vào năm 2011 với vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng, nhưng tính tới cuối năm 2017, giá trị vốn thực góp ở Cửu Long CIPM mới là 136 tỷ đồng. (Ảnh: Internet)

Thông tin trong Báo cáo tài chính riêng sau soát xét năm 2017 của Cửu Long CIPM cho thấy, cập nhật tại 31/12/2017, tổng nguồn vốn chủ sở hữu của tổng công ty này là hơn 147 tỷ đồng – đấy là đã gộp cả vốn góp (136 tỷ đồng), quỹ đầu tư phát triển (2 tỷ đồng), quỹ hỗ trợ phát triển (1,1 triệu đồng) và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (9 tỷ đồng).

Trong khi quy mô tổng tài sản lại đạt tới 32.195 tỷ đồng – tức là gấp khoảng 219 lần.

Với giá trị nợ phải trả là 32.048 tỷ đồng, Cửu Long CIPM có lẽ là doanh nghiệp nhà nước có hệ số nợ/vốn chủ sở hữu thuộc hạng cao nhất.

Thoạt nhìn, điều đó có vẻ như rất bất thường. Nhưng sẽ là hợp lý nếu biết về lịch sử hình thành của doanh nghiệp này.

Cửu Long CIPM được thành lập theo Quyết định số 1589/QĐ-BGTVT ngày 20/7/2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải – khi ấy là ông Hồ Nghĩa Dũng – trên cơ sở chuyển đổi Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, Công ty TNHH MTV Quản lý và Sửa chữa cầu đường 715 và Công ty TNHH MTV Quản lý và Khai thác cầu Cần Thơ, tổ chức và hoạt động theo hình thức công ty mẹ - công ty con.

“Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và các quy định hiện hành, có tư cách pháp nhân, con dấu, biểu tượng, điều lệ tổ chức và hoạt động; được mở tài khoản tại các ngân hàng và kho bạc nhà nước; có trách nhiệm kế thừa các quyền, nhiệm vụ và nghĩa vụ hợp pháp của Ban QLDA Mỹ Thuận; thực hiện các quyền và nghĩa của chủ sở hữu đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý và Sửa chữa cầu đường 715 và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý và Khai thác cầu Cần thơ theo quy định của pháp luật ; thực hiện nhiệm vụ Chủ đầu tư hoặc đại diện Chủ đầu tư các dự án Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đang quản lý, một số nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước, nhiệm vụ khác do Bộ Giao thông vận tải giao hoặc phân cấp, ủy quyền; trực tiếp thực hiện hoạt động quản lý dự án, sản xuất kinh doanh và đầu tư vốn vào các công ty con, công ty liên kết; chịu trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại Công ty mẹ và vốn đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết ”, Quyết định nêu rõ.

Cũng theo Quyết định số 1589/QĐ-BGTVT, vốn điều lệ của Cửu Long CIPM tại thời điểm thành lập tạm xác định là 1.500 tỷ đồng. “Trong quả trình hoạt động, Tổng công ty có trách nhiệm trình Chủ sở hữu (tức Bộ Giao thông Vận tải - PV) xem xét, quyết định điều chỉnh vốn điều lệ”. Mức vốn điều lệ trên cũng được ghi nhận vào đăng ký kinh doanh của pháp nhân này.

Song như đã đề cập phía trên, tính đến cuối năm 2017, Cửu Long CIPM chỉ được ghi nhận giá trị vốn góp của chủ sở hữu ở mức 136 tỷ đồng. Báo cáo tài chính xa nhất được tổng công ty này công khai – là BCTC công ty mẹ 2015 sau soát xét – cũng ghi nhận, vốn thực góp tại ngày 31/12/2015 là 136 tỷ đồng.

Theo Báo cáo tài chính riêng năm 2017 sau soát xét, tổng nguồn vốn chủ sở hữu của Cửu Long CIPM (147 tỷ đồng) thậm chí còn thấp hơn đáng kể giá trị tiền và các khoản tương đương tiền ghi nhận cùng thời điểm (164 tỷ đồng). Tổng công ty cũng có 44 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn từ 6 tháng đến 1 năm tại BIDV và Agribank.

Hầu hết tài sản của Cửu Long CIPM được hạch toán vào hạng mục Tài sản dở dang dài hạn (Chi phí xây dựng cơ bản dở dang) – với quy mô là 31.048 tỷ đồng, tập trung vào các dự án như: Dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Koong (12.190 tỷ đồng); Dự án đường hành lang ven biển phía Nam (6..576 tỷ đồng); Dự án đường cao tốc TP. HCM – Trung Lương (5.548 tỷ đồng); Dự án xây dựng cầu Cần Thơ (2.784 tỷ đồng);…

Còn theo cách phân loại dựa trên nguồn vốn, thì hầu hết nguồn vốn của Cửu Long CIPM đang được hạch toán vào tài khoản Phải trả dài hạn khác, cụ thể là Các khoản phải trả dài hạn về Nguồn vốn đầu tư, với quy mô 31.088 tỷ đồng.

Trong đó, Nguồn vốn Ngân sách Nhà nước là 8.731 tỷ đồng; Nguồn vốn khác là 22.356 tỷ đồng. Thực tế, có rất nhiều nguồn vốn vay nước ngoài (kể cả ODA từ ADB, WB và Chính phủ các nước) để đầu tư cho các dự án cải thiện hạ tầng giao thông đã “chảy” qua Cửu Long CIPM.

Lưu ý rằng, tại các báo cáo tài chính sau soát xét mà Cửu Long CIPM đã công khai đến thời điểm này đều thấy xuất hiện ý kiến kiểm toán ngoại trừ.

“Tổng công ty đã thực hiện công tác đối chiếu các khoản công nợ phải trả người bán, các khoản phải thu khác, trả trước cho người bán và phải trả khác, tuy nhiên đến thời điểm phát hành Báo cáo kiểm toán này, các khoản công nợ liên quan đến các dự án đầu tư xây dựng mà Tổng Công ty này được Bộ Giao thông vận tải giao nhiệm vụ quản lý, đơn vị vẫn chưa nhận được phản hồi đối chiếu, xác nhận đầy đủ”, Chi nhánh Công ty TNHH Kiểm toán & Dịch vụ tin học TP. Hồ Chí Minh (AISC) – đơn vị thực hiện kiểm toán BCTC riêng năm 2017 của Cửu Long CIPM – nêu ý kiến ngoại trừ.

Cửu Long CIPM: Vốn chủ sở hữu 147 tỷ đồng, Tổng tài sản 32.195 tỷ đồng ảnh 1

Quản lý khối tài sản lên tới 1,5 tỷ USD, tuy nhiên, kết quả kinh doanh của Cửu Long CIPM lại đạt khá khiêm tốn.

Kết thúc năm 2017, tổng công ty này báo lãi 15,17 tỷ đồng trước thuế, nộp ngân sách 9,71 tỷ đồng.
Kết quả ghi nhận trong các năm trước đó cũng rất hạn chế.

Có liên hệ với Út “trọc”?

Trong bài viết “Sai phạm tiền tỉ tại hai dự án BOT liên quan Út “trọc””, Báo Pháp luật Tp. HCM đã đề cập đến dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục, cải tạo quốc lộ 20 đoạn Km 0+000 đến Km 123 đi qua hai tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng.

Tờ báo này dẫn nguồn tin cho biết, dự án có nhiều chi phí sai lệch. Đáng nói, Cửu Long CIPM, một trong bốn nhà đầu tư trong liên danh của dự án này.

“Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục, cải tạo quốc lộ 20 đoạn Km 0+000 đến Km 123 đi qua hai tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng trên cơ sở tách ra từ dự án của liên danh nêu trên thành dự án độc lập cũng có nhiều chi phí sai lệch.

Dự án này được chỉ định thầu rút gọn dù năng lực nhà đầu tư chưa bảo đảm. Tuy được cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 28-8-2013 nhưng chủ đầu tư đã “cầm đèn chạy trước ô tô”. Cụ thể, trước đó gần hai năm, những nhà đầu tư đã biết mình được chỉ định thầu nên ngày 23-12-2011 đã tổ chức… khởi công dự án. Đặc biệt, việc điều chỉnh, bổ sung các khoản lãi vay, phí thu xếp vốn… đã làm thay đổi vốn đầu tư lên đến hơn 5.200 tỉ đồng nhưng nhà đầu tư chưa thực hiện thủ tục cấp điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư theo quy định.

Điều đáng nói là Công ty Cửu Long CIPM, một trong bốn nhà đầu tư trong liên danh của dự án này, mới đăng ký doanh nghiệp lần đầu vào ngày 30-8-2011, trước ngày khởi công “lụi” (tháng 12-2011) chỉ bốn tháng. Đến tháng 6-2013, công ty này chưa góp một xu nào vào liên danh nhưng vẫn được phê duyệt kế hoạch đấu thầu. Theo Thanh tra Chính phủ, việc phê duyệt này là sai.

Kiểm tra dự toán các gói thầu, Thanh tra Chính phủ phát hiện một số nội dung chưa đúng quy định, phương án thi công phê duyệt chưa hợp lý làm chênh lệch tăng so với thiết kế kỹ thuật hơn 61 tỉ đồng. Chỉ riêng việc không sử dụng lượng bê tông nhựa tại các trạm trộn nằm gần gói thầu mà lại vận chuyển ở nơi xa hơn đến đã làm tăng chi phí hơn 27 tỉ đồng”, trích bài viết./.