TS.BS Nguyễn Việt Hoa - Trưởng Khoa Phẫu thuật Nhi và Trẻ sơ sinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết, bé trai là Vũ Đức D. 9 tuổi, người dân tộc Nùng, quê ở Yên Bái, nhập viện 10 tiếng sau khi bị chó cắn, trong tình trạng mất toàn bộ da vùng mu, trơ xương mu, dương vật gần như cụt.
Các bác sĩ lập tức mổ cấp cứu cho bệnh nhân, cắt lọc, tạo hình, che phủ dương vật. Hiện tại, dương vật của cháu bé chỉ còn 1 cm, các vết thương tương đối ổn định. Bệnh nhân sẽ được tạo hình dương vật về sau. Bên cạnh đó, các bác sĩ sẽ kiểm tra xác định tinh hoàn của cháu bé và tiếp tục theo dõi, chăm sóc vết thương tránh nhiễm trùng, uốn ván.
Các bác sĩ cũng đã tiêm phòng dại cho bệnh nhân và tiêm phòng dại cho cả 4 con chó.
Được biết, D. bị bại não từ nhỏ, gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn. Gần chục năm qua, Duy hầu như nằm liệt một chỗ, gia đình không có tiền đưa D. đi chữa trị.
Thực tế đã có nhiều trường hợp chó nhà cắn trẻ nhỏ gây tổn thương nghiêm trọng. Tháng 8/2018, một bệnh nhi 7 tuổi ở Chương Mỹ, Hà Nội bị chó nhà cắn đứt rời 1 phần môi phải. Tháng 7/2018, một cháu bé 8 tháng tuổi ở Ba Đình, Hà Nội chết vì bị chó ngao Tây Tạng cắn; một bé trai 10 tuổi tới Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng có nhiều vết thương hở sâu do chó cắn vào gáy, cánh tay gần như bị nát với các vết cắn nham nhở, sâu đến tận xương. Tại TP Hồ Chí Minh, đầu năm 2018, một em bé nhập viện trong tình trạng rách ở đùi và cổ, thủng khí quản, khí tràn xuống dưới đùi, các khoang trong bụng bị khí tràn vào hết do chó nhà cắn. Một em bé ở Đắk Lắk thì bị cắn đứt lìa hết nửa mũi và má bên mặt,...
Người nhà chăm sóc cho bệnh nhi bị chó cắn
|
Bác sĩ Nguyễn Việt Hoa cảnh báo, các chấn thương do vật nuôi cắn trẻ em là rất nặng nề, vì thế, gia đình không nên cho trẻ nhỏ tiếp xúc với vật nuôi như chó, mèo. Đặc biệt, không được để trẻ một mình trong khoảng cách không an toàn với vật nuôi.
Nếu gia đình có nuôi chó thì cần cách ly con vật với trẻ ở khoảng cách an toàn, đặc biệt là chó mới đẻ, đang ăn, bị thương… Khi đưa chó ra khỏi nơi nuôi nhốt phải rọ mõm cho chó, đồng thời tiêm vaccine phòng bệnh dại định kỳ.
Khi bị chó, mèo cắn chảy máu, người nhà sơ cứu bằng cách sát trùng, rửa sạch vết thương, dùng băng gạc sạch băng bó cầm máu, rồi nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cứu chữa kịp thời.
Theo ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trẻ em khi bị chó, mèo cắn rất nguy hiểm, vì ngoài thương tích nặng nề còn có thể mắc bệnh dại, nguy cơ tử vong cao. Đến nay, bệnh dại chưa có thuốc đặc trị mà chỉ có thể phòng bằng vaccine và điều trị dự phòng bằng huyết thanh kháng dại. Vì vậy, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, nếu bệnh nhi bị động vật cắn gây thương tích nhẹ, gia đình phải theo dõi con vật sau 15 ngày. Trường hợp con vật biểu hiện bình thường, gia đình không cần tiêm vaccine. Nếu gia đình không thể theo dõi con vật, hãy tiêm vaccine để phòng bệnh. Khi bệnh nhi bị cắn ở vùng đầu, mặt, cổ, đầu chi, dù vết thương nhẹ cũng cần tiêm cả vaccine phòng dại và huyết thanh kháng dại. Khi tiêm vaccine dại phải tiêm đủ liều và tuân thủ đúng khoảng cách giữa các mũi tiêm theo hướng dẫn. |