Chiều 10/3, các cựu chiến binh Lê Hữu Thảo, Lê Văn Đông, Nguyễn Văn Thống từng trực tiếp chiến đấu tại Gạc Ma cùng nhiều nhân chứng lịch sử về sự kiện bi hùng cách đây 28 năm- Gạc Ma 1988 đã có mặt tại buổi giao lưu trực tuyến "Năm tháng Gạc Ma" do báo Tiền Phong tổ chức.
Trước câu hỏi, "28 năm sau sự kiện Gạc Ma tháng 3/1998, đã có những lúc sự kiện này tưởng như đã bị chìm lấp, lãng quên. Nhưng nay, Gạc Ma đang sống lại không chỉ trên truyền thông mà đang được nhìn nhận. Cảm xúc của các anh qua gần 3 thập kỷ là như thế nào?" - Cựu binh Lê Hữu Thảo khẳng khái trả lời, “Chúng tôi lên đường bảo vệ tổ quốc là tiếp bước cha anh chứ không phải hy sinh để có cái gì đó để treo ở trên tường. Bảo vệ Tổ quốc vừa là trách nhiệm và nghĩa vụ của người thanh niên”.
Ông Thảo khẳng định, riêng sự việc Gạc Ma có liên quan tới chúng tôi và đồng đội của chúng tôi không bị lãng quên.
Năm 1988, Bộ Ngoại giao đã gửi công hàm phản đối hành động của Trung Quốc. Đài truyền hình Việt Nam, báo Nhân dân và có cả hãng phim về quay phim. Ngày 25/3/1988 tôi có mặt tại Đài truyền hình Khánh Hòa, Đài tiếng nói Việt Nam để nói về sự kiện này.
"Cũng tháng 3/1988, Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đã tới Cam Ranh thăm chúng tôi. Các tỉnh từ Hà Nội tới Sài Gòn đã gửi nhiều thư và quà để động viên anh em. Tôi và Nguyễn Văn Chức đại diện cho bộ đội Trường Sa nhận quà như khăn, bàn chải, khăn mặt, lá thư" - ông Thảo nói.
Cựu binh Gạc Ma Lê Hữu Thảo. Ảnh:Công Khanh. |
Cựu binh Lê Hữu Thảo cho hay, sau năm 1988, vì lý do này, lý khác có thể sự kiện Gạc Ma lịch sử mà ông và đồng đội là những nhân chứng sống có thể bị lãng quên.
"Thực sự, chúng tôi có buồn và chạnh lòng một chút. Nhưng bảo vệ Tổ quốc, không chỉ có chúng tôi đóng góp và hy sinh mà trên đất nước này có hàng triệu người, hàng triệu gia đinh như thế. Chúng tôi cũng là một trong những thanh niên sẵn sàng lên đường khi Tổ quốc lâm nguy. Nếu có mất mát, có thiệt thòi nhưng cũng là vì Tổ quốc” - ông Thảo xúc động chia sẻ.
Cựu binh Thảo cho hay, ông không trách giới trẻ khi nhiều chưa hiểu về lịch sử nói chung và Gạc Ma nói riêng, vì ông cho rằng đó là do họ chưa có thông tin.
Cựu chiến binh Lê Hữu Thảo cho biết, sắp tới sẽ có một bộ phim tư liệu sản xuất dựa trên những ghi chép của ông.
“Nhân vật chính có tôi, đồng đội của tôi, cả những người đã hy sinh. Tôi nghĩ đó là sự ghi nhận của Nhà nước, của nhân dân. Tôi muốn đưa sự thật, sự hy sinh của đồng đội đến với mọi người, đến với nhân dân, bởi trong dư luận, nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu hết về sự kiện này, về Gạc Ma và những người lính như tôi” - ông Thảo nói.
Tàu chìm, Trung Quốc bắn cả những người nổi lên trên biển
Sau sự kiện Gạc Ma 3/1988, có 9 chiến sĩ hải quân Việt Nam bị Trung Quốc bắt giam gồm có chiến sĩ Lê Anh Đông, quê Quảng Bình; chiến sĩ Nguyễn Văn Thống, quê Quảng Bình; chiến sĩ Lê Minh Thoa, quê Quy Nhơn; chiến sĩ Trương Văn Hiền, quê Hà Tĩnh; chiến sĩ Dương Văn Dũng, quê Đà Nẵng; chiến sĩ Mai Xuân Hải, quê Quảng Bình; chiến sĩ Nguyễn Văn Nhân, quê Hà Nam; chiến sĩ Nguyễn Văn Hùng, quê Thanh Hóa; chiến sĩ Mai Xuân Hải, quê Quảng Bình.
Có mặt tại buổi giao lưu, cựu binh Nguyễn Văn Thống cho hay, ông nhập ngũ từ năm 1985, làm lính công binh, xây dựng các cầu cảng, xây dựng đảo.
Ngày 11/3/1988, ông được nhận nhiệm vụ ra xây dựng tại quần đảo Trường Sa bằng tàu vận tải HQ 604, nhiệm vụ chở hàng ra đảo để xây các nhà giàn tại đảo Gạc Ma.
Cựu binh Gạc Ma Nguyễn Văn Thống. Ảnh:Công Khanh. |
Chiều 13/3, tàu cập cảng tại đảo Gạc Ma. Sáng 14/3, ông Thống cùng đồng đội tới đảo xây dựng trên đảo Gạc Ma. Trung Quốc cũng đổ bộ xuống đảo tranh chấp, dùng súng bắn.
"Lúc đó tôi ở trên tàu HQ 604 quan sát thấy Trung Quốc bắn các đồng đội đang giữ cờ trên đảo Gạc Ma. Các chiến sĩ đã giằng co quyết không cho giật cờ tổ quốc trên đảo" - cựu binh Thống xúc động kể lại.
Sau đó, Trung Quốc dùng hỏa lực mạnh hơn bắn đảo Gạc Ma, bắn luôn tàu HQ 604. Tôi ở trên cabin và bị thương, tàu chìm. Tôi bị cuốn trôi vào trong tàu khi tàu chìm và bị thương. Sau đó, tôi nổi lên được và bám được vào một miếng gỗ xây dựng.
"Khi đó, tôi thấy Trung Quốc dùng thuyền nhỏ, bắn những người sống sót trong tàu nổi lên. Tôi may mắn không bị bắn, trôi dạt trên biển từ 7h sáng ngày 14/3 đến 4h chiều. Sau đó, tàu Trung Quốc hạ thuyền nhỏ quay lại, kéo lên tàu" - ông Thống nghẹn lời.
Giấy báo tử của cựu binh Nguyễn Văn Thống. |
Ngày 28/3/1988, gia đình tôi nhận giấy báo mất tích, đến khoảng tháng 8 cùng năm thì gia đình tôi nhận được giấy báo tử.
Sau 3/3 đêm, tàu Trung Quốc đem tôi về thành phố Tràm Giang, bán đảo Lôi Châu, Trung Quốc. Tôi bị thương và xỉu trong thời gian về đất liền.
"Trung Quốc bắt giam tôi 3,5 năm. Đến cuối tháng 8/1991, chúng tôi được trao trả về Việt Nam, tổng cộng có 9 người" - cựu binh Thống cho hay.
Ước nguyện đưa hài cốt đồng đội từ Gạc Ma về đất liền
Cùng bị bắt giữ như ông Thống, cực binh Lê Văn Đông chia sẻ, mình ra đó bằng tàu vận tải nhỏ bé để xây dựng nhà cho người giữ đảo. Không ngờ Trung Quốc lại đến tấn công bất ngờ. Khi đó lực lượng không cân sức, mình đã dùng mọi biện pháp mà không thể thắng được nên thương vong lớn.
Cựu binh Gạc Ma Lê Văn Đông. Ảnh:Công Khanh. |
"Tôi bị bắt giữ, ba năm rưỡi sau thì được thả, dù vui vì còn sống nhưng lúc nào cũng thương nhớ đồng đội vẫn nằm lại dưới biển”, ông Đông nói.
Chia sẻ về hình ảnh "Vòng tròn bất tử", ông Đông rưng rưng nói "tên gọi Vòng tròn bất tử đã diễn đạt trọn vẹn sự hy sinh cao cả của các chiến sĩ. Tôi chỉ mong một ngày được trở lại Trường Sa để có thể thả một bó hoa tưởng nhớ đến những chiến sỹ đã ngã xuống vì sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”.
"Tôi biết là rất khó khăn, nhưng tôi vẫn mong muốn Đảng, Nhà nước có biện pháp đưa hài cốt của các chiến sỹ hi sinh trong trận Gạc Ma" - ông Đông nói khi đôi mắt đã đỏ hoe.
Cách đây 28 năm, ngày 14 tháng 3 năm 1988, trên biển Đông, 64 cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng hy sinh cùng tàu HQ 604 ở khu vực đảo Gạc Ma.
Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng bất hợp pháp từ đó đến nay.
Theo Zing