So bì
Hiện các bến xe tại Hà Nội đang tất bật tổ chức đưa đón hành khách trong dịp Tết nên việc giảm giá cước theo giá xăng giảm mới đây hầu như chưa được đề cập. Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe Giáp Bát, cho rằng không có nhà xe nào hoạt động tại bến tăng giá vé trong dịp cuối năm. “Ở Bến xe Giáp Bát cũng có một số DN vận tải xin phụ thu trong dịp Tết nhưng chúng tôi không đồng ý” - ông Thành khẳng định
Còn theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, hiện đã có hơn 40 DN kinh doanh vận tải ở 60 tuyến cố định đăng ký giảm giá cước. Các DN này thông báo và kê khai mức giảm khoảng 2%-11%. Còn lại khoảng hơn 20 DN chưa kê khai giảm giá vì trước đó họ không tăng giá cước trong nhiều năm hoặc đã giảm ở lần trước.
Đối với các DN taxi, ông Liên cho biết cũng có một số hãng đã thực hiện giảm giá từ 2%-7%. Có sự chênh lệch trong mức giảm ở các đơn vị vận tải là do nhiều DN trước đây không tăng giá cước khi xăng tăng giá thì giờ họ chỉ giảm ở mức thấp.
Còn tại TP HCM, nơi tập trung rất đông DN kinh doanh vận tải nhưng rất ít DN giảm giá cước. Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM, so bì việc thay đổi cước vận tải là chuyện đơn giản đối với xe khách, xe tải nhưng với taxi lại là một áp lực lớn. “Một khi đổi giá cước taxi phải thực hiện hàng loạt thủ tục phức tạp: đăng ký với Sở Tài chính, Sở Giao thông Vận tải, gửi yêu cầu giám sát đến các trung tâm đăng kiểm... Những DN lớn như Mai Linh, Vinasun, mỗi lần thay đổi như vậy tốn hàng tỉ đồng. Trong dịp Tết, cước vận tải hành khách ở Bến xe Miền Đông, Miền Tây đều tăng 20%-60% nhưng đòi hỏi taxi giảm giá là sự bất công” - ông Hỷ nói.
Đủ lý do trì hoãn!
Không đồng tình với việc không giảm giá cước, ông Thân Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, phân tích: So với thời điểm 7-1-2015 thì đến nay, giá xăng đã giảm được 2.060 đồng/lít, tương ứng với 11,8% sau 17 lần điều chỉnh giá. Theo thông lệ, khi giá nhiên liệu biến động 10%, các DN, đặc biệt là DN taxi, phải giảm giá bởi loại hình vận tải này dùng nhiên liệu xăng. Phải yêu cầu các DN taxi giảm giá cước.
Với xe vận tải khách liên tỉnh, theo ông Thanh, trước đây nhiên liệu chiếm khoảng 30%-35% chi phí giá thành, nay chỉ còn từ 20%-25% nhưng phí đường bộ lại tăng lên khoảng 20%-25%. “Đó là một trong những lý do khiến cho giá dầu đã giảm 6.430 đồng/lít trong năm qua nhưng DN xe khách liên tỉnh vẫn khó giảm giá cước. Phí BOT và phí bảo trì đường bộ quá cao khiến tỉ trọng nhiên liệu trong giá cước hiện nay thấp xuống. Các DN cũng có cái khó của họ” - ông Thanh nói.
Nhiều chuyên gia về giao thông vận tải phân tích thời điểm cận Tết nên nhu cầu đi lại rất lớn. Thông thường mọi năm, các DN tăng giá 40%-60% để bù phụ phí cho chiều chạy không có khách. Nhưng năm nay, tại Hà Nội do không cho nhà xe thu phụ phí nên việc họ nghe ngóng và chậm giảm cước là điều dễ hiểu.
Trước đó, với việc giá xăng dầu giảm liên tục vào cuối năm 2015, ngay đầu năm 2016, Bộ Tài chính đã có công văn chỉ đạo giảm giá cước vận tải theo đúng lộ trình. Cụ thể, Bộ Tài chính đã yêu cầu sở tài chính các tỉnh, thành phối hợp với sở giao thông vận tải và các cơ quan liên quan tiếp tục tăng cường quản lý giá cước vận tải tại địa phương theo chỉ đạo của 2 bộ này. Trong đó chú trọng theo dõi sát diễn biến giá xăng, dầu để kiểm tra, yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải rà soát giá nhiên liệu hiện hành với giá nhiên liệu trong phương án kê khai liền kề trước đó để kê khai lại giá cước vận tải phù hợp với xu hướng giảm giá nhiên liệu.
Xử lý doanh nghiệp tăng giá cước
Bộ Giao thông Vận tải vừa thành lập đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân Bính Thân 2016, trong đó có kiểm tra về giá cước, giá vé tại các địa phương. Các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, lợi dụng lượng hành khách tăng để tăng giá ở mức cao mà không thực hiện việc kê khai, niêm yết; công bố tên đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm và hình thức xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng..
Theo NLĐ