“Chị ơi, hãy dắt em theo…”
“Lan em thân yêu!
Chỉ còn mấy tiếng đồng hồ nữa là chị sẽ xa em, xa tất cả những người thân đang sống trên đất Bắc thân yêu này. Lan em, trước lúc xa em, chị gởi lại em tất cả tấm lòng yêu thương, trìu mến và sự gần gũi nhất của chị đối với em. Chị mong em lạc quan, yên tâm tập trung học tập, công tác, tu dưỡng. Chị rất tin tưởng vào nghị lực của em. Hiểu nhiều cho chị nghe em!
Lan em! Chị tạm biệt em Lan nhé, hẹn gặp em sau những ngày toàn thắng.
Chị thương nhớ em vô cùng trước lúc xa và mãi mãi về sau. Hôn em 100- 1000 cái!
Chị ruột của em
Thu Hồng
Đêm 28/7/71”
Đó là lời dặn dò thắm đẫm yêu thương và tin vào ngày toàn thắng chị em chúng tôi sẽ được gặp lại nhau mà chị tôi- Nguyễn Thị Thu Hồng- để lại cho tôi trước ngày chị từ đất Bắc trở vào Nam chiến đấu.
Tôi cũng không ngờ, và không thể tin được, đó lại là những lời cuối cùng của chị tôi dành cho đứa em gái trên đất Bắc.
Đau xót vô cùng! Cuộc đời của chị tôi đã ở mãi mãi tuổi 20!
Ba Má chúng tôi đều cùng tham gia cách mạng, rồi quen nhau. Cùng chung lý tưởng, cùng sống chết có nhau. Họ nên vợ nên chồng. Đó là năm 1950 ở khu Trị Thiên. Kết quả của mối tình “đồng chí” đó là năm 1952 (ngày 23/3) chị tôi- Nguyễn Thị Thu Hồng ra đời.
Hoạt động trong lòng địch, sợ địch bắt, ba má gửi chị tôi về cho ông bà ngoại ở làng An Tiêm, bên bờ sông Thạch Hãn (thành cổ Quảng Trị) để nuôi dưỡng. Hai năm sau má sinh ra tôi ở Gio Linh (Quảng Trị). Sinh được vài ngày thì địch bắt cả mẹ lẫn con. Hai mẹ con bị đưa vào nhà lao thành cổ Quảng Trị. Địch tra tấn má rất giã man. Nhiều người khuyên má cho hoặc bán tôi đi để tôi được sống. Má không chịu.
Lúc tôi được 11 tháng tuổi thì má gửi tôi cho một người mãn hạn tù đưa về cho ông bà nội ở Gio Linh nuôi.
Sau này ra tù, quay trở lại hoạt động cách mạng, phần vì phải giữ bí mật, phần do công tác nên ba má tôi không thể nói với cả bên nội lẫn bên ngoại rằng ba má tôi có hai đứa con gái. Thành ra hai chị em chúng tôi không hề biết có sự tồn tại của nhau.
Chị Nguyễn Thị Thu Hồng - Ảnh gia đình cung cấp |
Tình cờ năm 1963, một người buôn vịt ở làng tôi vào làng ông bà ngoại tôi bán vịt, trong lúc “trà dư tửu hậu” mới kể ra, và vì thế, ông bà ngoại tôi mới biết ba má tôi còn một đứa con gái nữa. Rồi ông bà ngoại mới gửi chị Hồng về bên ông bà nội để chị em tôi gặp nhau.
Lần đầu tiên nhìn thấy chị Hồng tôi không nhớ là mình đã phản ứng thế nào. Nhưng thấy xa lạ. Chị Hồng sống với ông bà ngoại khá giả, nên chị trắng trẻo, xinh đẹp, còn tôi thì gầy gò, đen trũi. Chị tôi khóc vì lần đầu xa nhà. Nhưng dần dà chị em tôi chơi với nhau, quen dần. Lần đầu tiên trong đời tôi cảm nhận được tình ruột thịt có chị có em.
Năm 1967, ba má tôi quyết định gửi hai chị em tôi ra vùng giải phóng. Từ thành cổ Quảng trị lúc đó đang bị địch chiếm đóng, để tránh ghi ngờ, chị xin đi nhờ xe của một tay đại úy quân lực Sài Gòn về Tân Lâm. Thời bấy giờ Mỹ- Ngụy gom dân vào hai khu tập trung: một ở Tân Lâm (Cam Lộ) và một ở Quán Ngang (Gio Linh). Tới Tân Lâm chị trốn ngay về Quán Ngang và cùng với một cô giao liên đón tôi ra vùng giải phóng.
Hành trình ra Bắc vô cùng gian nan, đi qua vùng ven dày đặc lính Mỹ, Ngụy, bom đạn, có thể bị bắt hoặc trúng bom rơi đạn lạc bất cứ lúc nào. Nhưng nhờ sự mưu trí và dũng cảm của o giao liên nên cuối cùng chị em tôi cũng ra được vùng giải phóng. Ra Bắc an toàn thì nhận được tin cô giao liên đã hy sinh.
Chúng tôi đi bộ suốt đêm mới đến được làng Cát Sơn, bờ Nam sông Bến Hải. Chúng tôi ở lại đó 3 đêm trong một căn hầm chữ A cùng với hai du kích. Sau khi chúng tôi rời đi thì, đau đớn thay, một anh hy sinh, anh còn lại bị thương mất một chân.
Một đêm trăng mờ, khoảng 2 giờ sáng, hai chị em tôi được một anh giao liên và chú lái đò đưa đi trên một con thuyến qua bờ Bắc sông Bến Hải. Chạm chân lên đất Bắc, ý nghĩ đầu tiên lóe lên trong đầu tôi là sẽ được gặp má. Chúng tôi đi bộ về một ngôi làng gần cột cờ của cầu Hiền Lương, ngủ lại đó.
Sáng tinh mơ hôm đó, vừa ngủ dậy, mắt nhắm mắt mở thì tiếng ái đó kêu lên: Ôi, chị Toàn kìa! “Chị Toàn” là má tôi. Tôi nhìn ra thấy một phụ nữ vận bà ba đen (má tôi hoạt động trong hội phụ nữ Vĩnh Linh) đạp xe đạp. Vừa tới nơi má tôi khóc òa lên, dựng xe vào bụi chuối, lao vào nhà. Chị tôi chạy xuống bếp khóc. Tôi đứng ngây ra. Má tôi ôm tôi, rồi ôm chị tôi. Cả ba má con cùng khóc.
Má tôi đưa hai chị em chúng tôi về sống trong địa đạo. Hàng ngày vừa công tác, vừa chăm nuôi hai chị em. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi được biết đến tình thương yêu của má. Một cảm giác vừa lạ, vừa gần gũi, vừa thân thương.
Đêm nằm trong hầm ẩm ướt, mùi khói ngột ngạt của đèn dầu, má ôm hai chị em tôi. Một cảm giác êm đềm, tôi ngủ thiếp đi trong vòng tay của má, còn má và chị Hồng thì tâm sự với nhau rất khuya.
Một tuần sau đó Ba ra Bắc thăm ba mẹ con. Từ thuổ lọt lòng hai chị em tôi chưa gặp Ba lần nào. Ba ra, gia đình chúng tôi được chuyển về ở cùng nhau trong một “căn nhà” dưới lòng đất. Đó là lần đầu tiên trong đời hai chị em chúng tôi được sống trong tình thương yêu của cả Ba lẫn Má.
Nhưng rồi chỉ được 3 ngày Ba tôi phải quay về Nam. Ba gửi hai chị em tôi ra miền Bắc, tỉnh Thanh Hóa. Chị Hồng ra trước. Một tuần sau tôi cũng được gửi ra. Chi tôi học ở Thiệu Hóa, còn tôi, vì ra sau, nên học ở Yên Định. Một thời gian sau thì chị em chúng tôi tìm được hai cậu em trai đang học ở Thọ Xuân. Thế là 4 chị em chúng tôi thường đi lại thăm nhau. Và, gần một năm sau đó chúng tôi được chuyển về học ở Trường Học sinh miền Nam ở Đông Triều (Quảng Ninh).
Chiến tranh ngày càng ác liệt, Ba tôi muốn đưa chị Hồng về Nam chiến đấu, như một phần trả ơn nghĩa cho việc mấy chị em chúng tôi được ăn học, nuôi dưỡng trên đất Bắc. Biết được ý định của Ba, chị tôi rất hào hứng.
Mùa hè năm 1971, chị tôi lặng lẽ trở về Nam, không một lời từ biệt, vì sợ “lộ ra”, nhiều bạn sẽ đòi về chiến đấu. Thời ấy, con em miền Nam được gửi ra Bắc là để ươm mầm cho miền Nam sau giải phóng, chứ không phải tôi luyện để thành lính chiến.
Kỷ vật của chị Hồng để lại cho em gái- Thu Lan- Ảnh Gia đình cung cấp. |
Biết chị trở về Nam, tôi buồn lắm. Chị em mới được sống cùng nhau chưa lâu, giờ chị lại ra đi. Biết tôi buồn và hụt hẫng, chị động viên tôi, dặn dò tôi đủ thứ. Chị để lại cho tôi tư trang của chị và một lưu bút trong cuốn sổ màu đỏ đầy ắp tình yêu thương. Cuốn sổ đó tôi coi như một báu vật và luôn giữ bên mình cho dù tôi ở đâu và thời cuộc có thay đổi thế nào.
Hôm tiễn chị đi, chúng tôi cứ níu kéo mãi. Chị đi rồi, tôi đứng nhìn theo chỉ muốn gào lên thật to: “Chị ơi, hãy dắt em theo như chị đã từng đưa em từ Nam ra Bắc, để chị em mình mãi mãi bên nhau”, nhưng không sao cất nên lời! Thế là chị tôi đi…
Từ khi chị trở về Nam tôi luôn có một cảm giác bất an. Và rồi ngày đó cũng đến. Một tối, thầy giáo của chúng tôi gọi ba chị em tôi ra ngồi ở bậc thềm nhà Ban Giám hiệu nhà trường, hỏi han, quanh co mãi, cuối cùng thầy cùng nói: Mấy hôm trước thầy có đọc trên báo Tiền Phong người ta đưa tin kèm theo ảnh chị Hồng của các em đã dũng cảm hy sinh trên chiến trường.
Ba chị em chúng tôi ngồi lặng im như những pho tượng đá. Lòng ngực tôi đau nhói, nước mắt tôi như chảy ngược vào trong. Ngồi một lúc lâu sau tôi mới ôm hai em trai khóc òa lên.
Em trai kế tôi - Nguyễn An Trung, hôm sau lên gặp thầy hiệu trưởng xin về Nam chiến đấu để trả thù cho chị tôi. Thầy động viên: em cố gắng học thật giỏi đó cũng là cách đền ơn và trả thù cho cho chị rồi.
Nhớ lời chị dặn trước lúc vào Nam, nhờ sự động viên của thầy cô và các cô chú, bác, rồi bạn bè đồng môn, đồng nghiệp ba chị em chúng tôi đã học tập, phấn đấu và trưởng thành. Chị tôi ở chốn bồng lai chắc cũng an lòng!
Chị Thu Lan bên mộ chị gái - Ảnh Gia đình cung cấp. |
“Con nguyện theo Ba chiến đấu đến cùng”
Sau khi chị tôi hy sinh trên chiến trường, có không ít bài báo viết về tấm gương vì nước quên thân của chị. Thực tình tôi không đủ dũng khí để tìm đọc những bài báo ấy, mặc dù tôi vẫn rất muốn biết những phút cuối cùng của cuộc đời chị tôi ra sao, chị tôi ngã xuống thế nào, chị có bị đau đớn không…?
Mãi sau này, khi lớn lên tôi mới đi tìm lại sách báo và các tài liệu viết về những ngày cuối cùng của chị tôi. Tiếc là những đồng đội cùng kề vai sát cánh với chị tôi trong trận địch phục kích năm đó đều hy sinh hết cả. Mà cũng có thể còn ai nhưng chúng tôi không biết và không thể tìm ra.
Thời ấy, Ba Má chúng tôi đều ở chiến trường, nhưng mỗi người một nhiệm vụ và lại ở xa nhau nên cũng không tường tận. Còn ba chị em chúng tôi, như đã nói, đều ở miền Bắc. Thành thử cuộc tìm kiếm chỉ còn biết dựa trên báo chí.
Tình cờ tôi tìm được bài báo "Sự tích một bài thơ", sau này được đăng trong cuốn "Sóng Thạch Hãn phản pháo Lộc Ninh". Bài báo này do Đặng Hoài Nam viết năm 1972. Đặng Hoài Nam là tên thật hay bút danh tôi cũng không rõ nữa. Chúng tôi tìm các đầu mối để tìm anh, nhưng không được. Không hiểu giờ này anh ấy ở đâu?
Theo Đặng Hoài Nam thì trong đơn vị của chị tôi thuổ ấy người ta lưu truyền một bài thơ. Bài thơ ấy có đoạn:
Ba ơi!
Hai cuộc kháng chiến một phần tư thế kỷ
Ta đánh Pháp xong lại lên đường đánh Mỹ
Dù ngọt bùi chưa nếm trải vẫn tiếp ra đi
Con sẽ cùng Ba trên chiến trường chống Mỹ
Ba chỉ huy, con sẽ là chiến sĩ
Khác tuổi tác nhưng ngang tầm diệt Mỹ
Khác việc làm nhưng lý tưởng cùng chung
Con nguyện theo Ba chiến đấu đến cùng
Cho sự nghiệp vẻ vang nước nhà thống nhất.
Đó là bài thơ chị tôi viết cho Ba tôi- một cán bộ của tỉnh Quảng Trị trước hôm lên đường chiến đấu. Hôm đi Ba tôi dặn chị rất nhiều, nhưng đại ý là “chiến tranh thì rất gian khổ, con đã nhận nhiệm vụ thì dù khó khăn đến mấy cũng phải cố hoàn thành”. Chị tôi trả lời Ba: “Con không sợ hy sinh, gian khổ. Con chỉ sợ khả năng của con còn non nớt không làm tròn nhiệm vụ trên giao và không xứng đáng với truyền thống cách mạng của quê hương và gia đình ta”.
Nhiệm vụ chị tôi được giao là tham gia phát động quần chúng nổi dậy phối hợp với Quân giải phóng đánh địch ở Bến Ngự. Cả đội du kích của chị tôi đều hy sinh trong một cuộc chiến không cân sức với kẻ thù.
Nhưng cũng có người ở quê tôi, sau khi biết chuyện báo chí đăng về những ngày cuối cùng của đội du kích, đã kể lại rằng, ngày 31/3/1972 chị Thu Hồng cùng tổ trinh sát đi trinh sát tình hình để chuẩn bị đánh đồn địch ở cầu Bến Ngự.
Thời đó bọn địch đóng quân ở đồi 31 rất đông và thường xuyên bắn pháo sáng và đạn pháo vào các vùng xung quanh. Nhưng hôm đó chúng thay đổi cách thức, cho quân đi cài mình và phục kích gần cầu Bến Ngự. Nhóm trinh sát của chị tôi bất ngờ bị phục kích và đã giao tranh với địch, vừa vướng phải mìn và bọn địch đông nên chị và đồng đội đều hy sinh hết.
"Đi tìm lại" những ngày cuối cùng cùng của chị tôi, tuy biết thêm được nhiều điều, cả trên báo chí và thực tế, về chị tôi, nhưng tôi vẫn không khỏi bàng hoàng và đau sót hệt như ngày nhận tin chị đã hy sinh. Chị tôi hy sinh khi còn quá trẻ. Chị trẻ mãi ở tuổi hai mươi!
Chị yêu ơi, chị hãy yên nghỉ trên đất lành quê hương! Chúng em vẫn mãi mãi yêu thương chị!