Cục trưởng Lưu Đình Phúc: “Báo chí cần nhân rộng cái tốt, cái đẹp“

Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin Truyền thông) trả lời phỏng vấn phóng viên Nhân Dân hằng tháng xung quanh vấn đề báo chí và xã hội thông tin nhân văn. 
Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc
Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc

Ông Phúc khẳng định xu hướng nhân văn của báo chí cần được hỗ trợ để đẩy lùi cái ác, cái xấu và tới đây trong quy hoạch báo chí sẽ loại bỏ những tờ báo thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích, chạy theo lợi nhuận thuần túy, không làm tốt vai trò định hướng bạn đọc hướng tới những giá trị nhân văn, tích cực...

Báo chí định hướng chân thiện mỹ

Ông đánh giá thế nào về nhiều tờ báo xu hướng hướng tới những giá trị nhân văn trong bối cảnh truyền thông đang phát triển hết sức xô bồ, có phần hỗn loạn khó kiểm soát hiện nay?

Ngày nay, kho thông tin khổng lồ của truyền thông mạng, với sự chia sẻ thông tin, tương tác thông tin của tốc độ ánh sáng đang hút con người vào đó. Những gì được gọi là xô bồ, có phần hỗn loạn chính là mặt trái của “thế giới mạng” này. Người ta có thể bày tỏ quan điểm, chia sẻ thông tin mà không cần biết tới giới hạn của quy phạm đạo đức xã hội, chứ đừng nói đến pháp luật. Khi đã vào “cuộc chơi” đó, người ta buộc phải chấp nhận sự đan xen giữa cái thiện và cái ác, giữa bóng tối và ánh sáng, thật giả lẫn lộn. Thế nhưng, cái thế giới phẳng ấy như có ma lực khiến người ta không thể cưỡng lại được, rồi trở thành nhu cầu, và có thể là nghiện. Trong bối cảnh đó, báo chí chính thống của chúng ta đang phải đối mặt với một “thế lực thông tin” khổng lồ, do đó nhiệm vụ hết sức nặng nề của báo chí là làm tốt việc định hướng chân, thiện, mỹ, giáo dục lối sống, nâng cao dân trí, giám sát, phản biện góp phần xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Hướng tới những giá trị nhân văn là xu hướng báo chí rất cần sự biểu dương, hỗ trợ, thúc đẩy để xây dựng một xã hội thông tin lành mạnh. Có như vậy mới đẩy cái ác, cái xấu ra xa; kéo cái thiện, cái tốt và phát huy nó, nhân rộng trong cộng đồng.

Theo ông, những thông tin tích cực, nhân văn có ý nghĩa như thế nào đối với việc xây dựng xã hội thông tin lành mạnh?

Những thông tin tích cực, nhân văn làm con người ta nhìn nhận cuộc sống cũng như hành xử trong đời sống hằng ngày chuẩn mực hơn, tôn trọng quy phạm đạo đức và luật pháp. Một gương người tốt, một hành động tốt, một câu chuyện nhân văn khiến người ta xúc động sẽ tác động tới lương tri, nhận thức con người. Nhiều thông tin tốt như vậy sẽ tạo nên trong nếp nghĩ của chúng ta những chuẩn mực trong hành xử, có thể làm thay đổi nhận thức hoặc làm cho con người ta có trách nhiệm hơn khi hành xử trong cuộc sống hoặc khi chia sẻ thông tin trên mạng. Một xã hội thông tin lành mạnh phải được khởi nguồn từ những tâm hồn lành mạnh, suy nghĩ lành mạnh và hành động có trách nhiệm với cộng đồng.

Báo chí ngày càng tương tác sâu hơn với mạng xã hội, trong đó nhiều thông tin tầm thường lá cải, giật gân của báo chí lại được chia sẻ nhiều hơn trên mạng xã hội so với những thông tin tích cực, nhân văn. Theo ông, làm sao để những thông tin tích cực, nhân văn trên báo chí có thể được chia sẻ nhiều hơn trên mạng xã hội, chiếm lĩnh không gian mạng xã hội?

Cộng đồng trên mạng cũng giống như ngoài đời thực vậy. Không thể có một xã hội tồn tại toàn những điều tốt hoặc toàn những điều xấu. Sự đan xen giữa cái tích cực và tiêu cực là hai mặt của một vấn đề. Hiểu như vậy để chúng ta tiếp cận vấn đề nêu trên một cách khách quan nhất, thực tế nhất. Bởi lẽ, sự giật gân, hay lá cải được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội xuất phát từ sự tò mò, trở thành sở thích của con người. Để chia sẻ nhiều hơn những thông tin tích cực, nhân văn trên mạng xã hội thì báo chí chính thống phải có nhiều hơn nữa những thông tin, bài viết như vậy. Để những thông tin tích cực lan truyền lấn át thông tin lá cải, giật gân là điều không dễ nhưng không phải không làm được, nếu như chúng ta làm tốt công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, tạo sức đề kháng cho người dùng internet, từ đó tạo ra cơ chế tự điều chỉnh của hành vi. Trong nhiều trường hợp có thể sử dụng biện pháp hành chính để xử lý thông tin xấu, biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn thông tin độc hại nhưng đó mới chỉ là giải pháp ở phần ngọn. Gốc rễ vấn đề vẫn là ở sự giáo dục tốt, giáo dục trong gia đình, nhà trường, nơi công tác, trong cộng đồng, để hình thành ý thức xã hội tốt, hành vi xã hội tốt.

Nhân rộng cái tốt, cái đẹp

Nhiều tờ báo muốn hướng tới những giá trị tử tế, nhân văn trong thông tin, nhưng có một thực tế là những tờ báo “lá cải”, chạy theo thị hiếu tầm thường của bạn đọc lại “dễ sống” hơn. Nhà nước có cần đầu tư, tiếp sức để một số tờ báo có thể có điều kiện tập trung mang tới những giá trị tử tế, nhân văn cho bạn đọc?

Thông tin “lá cải” có thời điểm phát triển mạnh ở một số tờ báo, đó không phải là biểu hiện của nhu cầu hưởng thụ thông tin không tử tế của độc giả. Trong một câu chuyện “lá cải” cũng có chi tiết nhân văn, tích cực. Trong một câu chuyện nhân văn cũng có thể có chi tiết “lá cải”. Vấn đề là ở người viết báo, người biên tập, là đạo đức nghề nghiệp, là sức hấp dẫn của thông tin. Còn ở góc độ quản lý, Nhà nước cần thực hiện cơ chế đặt hàng đối với báo chí. Cơ chế này xác định cơ quan báo chí mà Nhà nước sẽ đặt hàng, cơ chế giám sát, đánh giá hiệu quả đặt hàng, hiệu quả của hoạt động tuyên truyền của cơ quan báo chí, trong đó có tiêu chí hướng báo chí tới những giá trị chân, thiện, mỹ, đậm chất nhân văn.

Xu hướng làm báo theo kiểu “sốc, sex, sến” đã thoái trào ở những nước có nền báo chí phát triển. Theo ông đánh giá, xu hướng này ở Việt Nam sẽ diễn biến như thế nào trong thời gian tới? Cục Báo chí sẽ đóng vai trò gì trong việc hạn chế, đẩy lùi những thông tin tầm thường, thiếu kiểm chứng và định hướng, phát huy những thông tin tích cực, nhân văn?

Một trào lưu hay xu hướng nào đó phát triển thì cũng có lúc thoái trào. Đối với báo chí cũng vậy. Ở các nước có nền báo chí phát triển, hoạt động báo chí dựa trên cơ chế tự điều chỉnh là chủ yếu thì những thông tin “lá cải” trên báo chí vẫn còn đó và nó sẽ không mất đi nếu như chưa vượt quá lằn ranh đỏ của quy phạm đạo đức xã hội. Ở Việt Nam, kiểu làm báo “sốc, sex, sến” là một thực trạng rất đáng lo ngại, biểu hiện của sự xuống cấp trong đạo đức nghề nghiệp, buông thả chạy theo lợi nhuận, để bán càng nhiều báo hoặc tăng càng nhiều lượng người truy cập càng tốt.

Ở góc độ của cơ quan quản lý, Cục Báo chí được Bộ Thông tin và Truyền thông giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng Luật Báo chí. Luật đã được Quốc hội thông qua với các quy định rất cụ thể, chặt chẽ, điều chỉnh kịp thời những vấn đề phát sinh trong thực tiễn báo chí và cuộc sống, tạo hành lang pháp lý tốt để báo chí phát triển, bảo đảm quyền của các chủ thể trong hoạt động báo chí, trong đó đặc biệt là quyền của công dân, cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; đưa ra những quy phạm cấm thông tin rất cụ thể, cũng như cơ chế cải chính, xin lỗi khi báo chí vi phạm cũng chặt chẽ hơn. Chúng tôi đang triển khai xây dựng Nghị định, thông tư hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến để luật đi sâu vào cuộc sống, nhất là trong đội ngũ những người làm báo. Cùng với xây dựng pháp luật, chúng tôi tiếp tục triển khai quy hoạch báo chí để tạo điều kiện cho cơ quan báo chí phát triển, loại bỏ những tờ báo thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích, chạy theo lợi nhuận thuần túy, không làm tốt vai trò định hướng bạn đọc hướng tới những giá trị nhân văn, tích cực. Chúng tôi cũng đang triển khai xây dựng cơ chế đặt hàng của Nhà nước đối với báo chí trong việc thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, tạo điều kiện để báo chí chuyên tâm thực hiện nhiệm vụ được giao, hướng báo chí đến những giá trị nhân văn trong tuyên truyền. Chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý quyết liệt, nghiêm minh đối với những hành vi thông tin vi phạm Luật Báo chí; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về báo chí cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên; tham gia, phối hợp Hội Nhà báo xây dựng bộ quy tắc ứng xử của báo chí, những quy định đạo đức nghề nghiệp báo chí trong kỷ nguyên số hiện nay, từ đó đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng, cổ vũ, khuyến khích cái hay, cái đẹp, cái tốt trong hoạt động báo chí, tạo thành phong trào rộng khắp vì một xã hội thông tin lành mạnh.

Theo Nhân dân hàng tháng