Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Thanh Phong cho biết, Cục của ông cũng chỉ được giao quản lý ở lĩnh vực thực phẩm chức năng, còn liên quan tới dược phẩm thì lại thuộc đơn vị khác quản lý. Tuy nhiên, ông Phong đã có những chia sẻ cởi mở và thẳng thắn về vụ việc của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ TS Việt Nam liên quan tới lĩnh vực mà ông đang quản lý.
“Ngay sau khi có thông tin Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ TS Việt Nam, tôi đã chủ động liên hệ với lãnh đạo Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49) để phối hợp thanh tra đột xuất. Tuy nhiên, đồng chí lãnh đạo C49 có thông báo là các đồng chí bên Quản lý thị trường đang xử lý vụ việc. Sau đó, tôi đã gọi cho Giám đốc Sở Công thương Hà Nội và lãnh đạo phụ trách Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội để nắm bắt thông tin. Chúng tôi cũng đã cung cấp toàn bộ hồ sơ Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ TS Việt Nam đã công bố tại Cục ATVSTP để các cơ quan chức năng làm rõ. Quan điểm của chúng tôi là nếu doanh nghiệp sai phải xử lý nghiêm, sai tới đâu phải xử lý tới đó”, ông Phong nói.
Ông Phong cũng cho biết, qua kiểm tra trên hệ thống, từ 2014 đến nay, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ TS Việt Nam đã công bố 4 sản phẩm thực phẩm chức năng tại Cục ATTP, trong đó 3 sản phẩm công bố 2016 và một sản phẩm công bố năm 2017. Tất cả 4 sản phẩm chúng tôi vừa nói đều được sản xuất tại Việt Nam.
Ông Phong cũng cho biết, qua thực hiện chỉ đạo Công điện 90 của Thủ tướng Chính phủ ngày 9.6.2015 về việc phát động cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng cho thấy, một số doanh nghiệp có ý đồ hoặc thậm chí đã từng có sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Ví dụ công bố một đằng sản xuất một nẻo, sản xuất ở Việt Nam mà công bố là nhập khẩu và ghi nhãn nhập khẩu ở nước ngoài thì phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
“Để triển khai tốt Công điện 90 của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi vẫn thương xuyên phối hợp với các cơ quan liên ngành kiểm tra đột xuất. Tinh thần là hậu kiểm, các cơ sở sản xuất kinh doanh có quyền được công bố chất lượng sản phẩm nhưng nếu kiểm tra không đảm bảo thì sẽ bị xử lý nghiệm theo quy định của pháp luật. Từ đó sẽ góp phần làm lành mạnh hơn thị trường thực phẩm chức năng”, ông Phong nói.
Cơ quan chức năng phát hiện công đoạn đóng gói sản phẩm của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ TS.Việt Nam tại Hà Đông- Hà Nội (Ảnh: TM)
Trước đó, như Dân Việt đã đưa tin, một thương hiệu mỹ phẩm, làm đẹp nổi tiếng với rất nhiều sản phẩm được các sỹ, người mẫu, diễn viên điện ảnh, hoa hậu quảng cáo, livestream trên mạng xã hội chính là của “Tập đoàn TS Group do bà Nguyễn Thu Trang làm Chủ tịch HĐQT. Sự kiện chấn động trước đó khiến nhiều chị em đam mê làm đẹp phải “rợn tóc gáy” chính là cơ quan chức năng đã bắt giữ 1 lô hàng mỹ phẩm với 14.000 sản phẩm, trị giá 11 tỷ đồng nghi giả mà chủ nhân không phải ai khác chính là bà Nguyễn Thu Trang.
Toàn bộ lô hàng từ nguyên liệu đầu vào, khi bị kiểm tra công ty đều không xuất trình được hóa đơn chứng từ. Nhiều dòng sản phẩm mỹ phẩm làm trắng da có dấu hiệu giả nguồn gốc xuất xứ, khi nhãn mác ghi xuất xứ tại Newzealand, Hàn Quốc nhưng thực chất được đóng nhãn mác bao bì tại kho xưởng ở quận Hà Đông.
Mặc dù vậy, doanh nghiệp của bà Nguyễn Thu Trang vẫn quảng cáo trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội trước đó những lời “có cánh” như: “TS Group là tập đoàn sở hữu kênh phân phối online chuyên nghiệp và lớn nhất tại Việt Nam. T’s Natural hiện đang sở hữu độc quyền 12 thương hiệu với hơn 50 nhãn hàng uy tín, được người tiêu dùng và đặc biệt giới Sao Việt yêu thích và tin dùng. Ngoài mỹ phẩm, công ty này cũng kinh doanh cả thực phẩm chức năng thuộc lĩnh vực quản lý của Cục ATVSTP (Bộ Y tế).
Theo Dân Việt
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu