Trong cuộc họp báo quý I/2016 tổ chức sáng 14/4 tại Thanh Tra Chính phủ (Hà Nội), trả lời câu hỏi của PV liên quan sự minh bạch, trung thực trong kê khai tài sản, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Phòng chống tham nhũng Thanh tra Chính phủ thừa nhận: "Việc kê khai tài sản hiện nay rất hình thức và không mang lại hiệu quả cao trong việc phòng chống tham nhũng".
Theo ông Đạt, kê khai tài sản là một biện pháp để quản lý tài sản của những khu vực dễ phát sinh tham nhũng, nhưng nay "mới dừng ở việc kê, chứ chưa khai, chưa xác minh, xử lý nên có người sẽ không trung thực và có nhiều người tự kê khai.
Một nguyên nhân được ông Đạt chỉ ra, "tiêu quá nhiều tiền mặt là một trở ngại cho quản lý tài sản, nói cách khác là không thể chống được tham nhũng". Việc trả lương qua ATM cũng chỉ dừng lại để quản lý đồng lương hàng tháng, còn thu nhập ngoài như lót tay, phong bì, hối lộ khó có thể kiểm soát.
Để giải quyết thực trạng, ông Đạt cho biết đã kiến nghị Chính phủ sửa đổi một số điều trong Luật phòng chống tham nhũng, bổ sung cơ chế quản lý chặt chẽ hơn, chế tài xử lý nghiêm khắc hơn trong việc kê khai tài sản. "Hướng tới bất cứ thông tin về tài sản của ai cũng phải được công khai hết cho người dân biết và phải có kiểm định, xác minh, xử lý rõ ràng", ông Đạt nói.
Từ năm 2007 đến 2014, có trên 5,55 triệu lượt kê khai tài sản. Thanh tra xác minh được hơn 2.600 trường hợp, trong đó 18 cán bộ bị kỷ luật vì kê khai không trung thực.
Quý đầu năm nay, ngành thanh tra đã phát hiện 4 vụ việc, 6 người có hành vi tham nhũng với số tiền 3,1 tỷ đồng. Cơ quan điều tra đã khởi tố 24 vụ, 39 người có hành vi tham nhũng.
Theo VnExpress